Truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh tên lửa chống hạm YJ-62 phóng đi từ bệ phóng được cho là đặt trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Việt Nam).
Hình ảnh tên lửa chống hạm YJ-62 được cho là phóng từ bệ phóng đặt trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều/81.net.
Cụ thể, Đài Phượng Hoàng - Hồng Kông hôm 22/3 và mục Quân sự Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/3 đưa tin, một kênh truyền thông trực tuyến của quân đội Trung Quốc gần đây công bố hình ảnh, video tập trận của một lữ đoàn tên lửa phòng không thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải.
Trong đoạn video này xuất hiện hình ảnh tên lửa chống hạm YJ-62 được phóng đi từ bệ phóng được cho là đặt trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Các nhà phân tích quân sự quan sát thấy đặc điểm địa bàn nơi đặt bệ phóng tên lửa YJ-62 có nhiều nét đặc trưng địa lý của đảo Phú Lâm. Nếu phán đoán này chuẩn xác thì đây là một bước leo thang mới nguy hiểm sau khi Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9, chiến đấu cơ JH-7 và ra đa quân sự cao tần ở Phú Lâm.
Tên lửa chống hạm YJ-62 có thiết kế tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. YJ-62 có tầm bắn khoảng 300 km, đầu đạn có thể bắn trọng thương hoặc làm mất sức chiến đấu của các tàu khu trục loại 5000 tấn đến 7000 tấn. Đây là loại tên lửa hành trình chống hạm tầm bắn xa nhất trong biên chế hải quân Trung Quốc hiện nay.
Thời báo Hoàn Cầu bình luận, quân đội Trung Quốc (cố tình) lộ hình ảnh tên lửa chống hạm YJ-62 đúng thời điểm Mỹ can thiệp mạnh mẽ vào Biển Đông là một đòn phản ứng chống lại Washington.
Được biết, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách bờ biển nước ta chưa đầy 500 km. Đây cũng chính là nơi Trung Quốc hôm 17/2 bị tố triển khai phi pháp tên lửa đất đối không HQ-9.
Đến ngày 23/2, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ, tiếp tục công bố những hình ảnh chụp vào cuối tháng 1/2016, cho thấy Bắc Kinh có thể đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại đá Châu Viên, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo.
Theo NYTimes, hệ thống radar như vậy có thể được sử dụng để phát hiện các hoạt động tàu thuyền qua lại và đo dòng chảy đại dương, đồng thời có khả năng theo dõi máy bay. Trung Quốc cũng lắp đặt một số radar khác trên đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 25/2, trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi.
Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”.
An Nhiên (Tổng hợp)
Báo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment