Theo Tổng thống Nga, phần lớn sứ mệnh quân sự của Nga đã hoàn thành. Vậy đó là những sứ mệnh gì?
Hãng tin Tass của Nga cho biết, tối 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút các lực lượng chính của LB Nga khỏi Syria từ ngày hôm nay, 15/3.Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông Putin nói: “Tôi tin rằng các nhiệm vụ giao cho Bộ Quốc phòng, nhìn chung đã được thực hiện. Vì vậy tôi ra lệnh từ ngày mai (15/3) các đơn vị chính của quân đội chúng ta rút ra khỏi Cộng hòa Arab Syria. Các quân nhân, binh sĩ, sĩ quan của chúng ta đã cho thấy tính chuyên nghiệp, sự phối hợp, khả năng tổ chức chiến đấu cách xa lãnh thổ của mình”.Ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Ông Putin cho biết thêm lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Putin đồng thời chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường sự can dự của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.Ông Putin đã thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về quyết định liên quan việc rút quân khỏi Syria.
Các binh sĩ Nga tổ chức các vụ không kích từ căn cứ quân sự mới của Nga ở Latakia
Những nhiệm vụ “nhìn chung đã được thực hiện”Tin về quyết định rút quân của Nga đã gây ra nhiều nghi vấn về ý đồ thực sự của Kremlin khi đưa quân can dự vào Syria 22 tuần qua.Trước hết, hoạt động quân sự của Nga đã thay đổi cục diện chiến tranh ở Syria, đã cứu vãn chính quyền Assad trước thềm sụp đổ, vực dậy quân đội Syria. Nga cũng có thể tuyên bố đã đóng góp quan trọng làm suy yếu IS.Thứ hai, chính quyền Assad đã mở rộng vùng kiểm soát, trở thành một phần có trọng lượng của tiến trình chính trị Syria.Thứ ba, với sự can dự quân sự có hiệu quả, Nga đã buộc Mỹ và các nước liên quan khác từ bỏ điều kiện tiên quyết đưa ra 4 năm trước gạt bỏ chính quyền Assad như một phần của giải pháp chính trị. Iran – một đồng minh của Nga và Syria, trở thành một bên của tiến trình ấy.Thứ tư, Nga đã củng cố được căn cứ hải quân Tartus có từ thời Xô Viết và căn cứ không quân mới ở Latakia, nằm ở miền duyên hải Syria tại Địa Trung Hải. Một chính phủ tương lai có lực lượng của ông Assad sẽ giúp Nga tiếp tục duy trì các căn cứ này. Nga rút mà vẫn để lại một phần lực lượng là nhằm tạo thế mặc cả với các bên liên quan Syria, thậm chí với Mỹ. Một phần lực lượng Nga vẫn ở lại, tiếp tục hỗ trợ chính quyền Assad và tạo thế thương lượng cho chính quyền này. Việc Nga rút ra cho thấy sự tự tin của chính quyền Assad trong một giải pháp chính trị.Thứ năm, Nga đã khôi phục căn bản ảnh hưởng đã mất ở Trung Đông, buộc chính quyền Obama ngồi đối thoại. Việc rút quân này rất có thể là một phần của thỏa thuận Nga-Mỹ, vào lúc Mỹ chỉ muốn thổi “điệu kèn ngập ngừng” trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông và chỉ muốn “lãnh đạo từ phía sau”.Thứ sáu, Nga đã thể hiện sức mạnh quân sự, sức mạnh vũ khí, khả năng tổ chức các chiến dịch quân sự ở xa lãnh thổ Nga – điều mà các tướng lĩnh Mỹ từ đầu cuộc can dự của Nga luôn nghi ngờ năng lực tổ chức chiến dịch của quân đội Nga.Thứ bảy, Nga muốn tránh bị sa lầy ở Syria và Trung Đông, giảm chi phí chiến tranh. Rút ra về nguyên tắc, Nga đặt mình vào vị trí thuận lợi cùng với Mỹ và các bên liên quan khác thúc đẩy các tiến trình chính trị, ngoại giao đầy phức tạp và khó lượng định ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ từng xây dựng đối sách của chính quyền Obama trong cuộc chiến Syria dựa trên kịch bản Nga bị sa lầy ở Syria. Người Trung Quốc cũng cho rằng Nga can dự Syria là sai lầm.Tổng thống Putin luôn là một nhà chiến lược và chiến thuật khó dự đoán. Dù sao chăng nữa, sau 22 tuần, ông chủ Điện Kremlin đã phần nào đảo ngược tình trạng bế tắc về đối ngoại của Nga, đặt nước này vào một vị thế mới trong vấn đề Syria/Trung Đông và quan hệ nước lớn, tránh sa lầy trong “mớ bòng bong” tại khu vực này. Nhưng nhiều điều bất ngờ vẫn đang chờ đợi ở phía trước./.
TS Nguyễn Ngọc Trường
Comments[ 0 ]
Post a Comment