Tuần này, Biển Đông lại thu hút dư luận quốc tế không chỉ với việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các công trình trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà việc báo Reuters của Anh dẫn một nguồn tin được cho là "bí mật" cho rằng Việt Nam đã triển khai một số hệ thống tên lửa ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, sự việc đã thu hút mối quan tâm của dư luận khu vực vào vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cũng không ngừng "dành cho" Việt Nam những lời "đao to búa lớn" đối với sự việc được cho là Việt Nam đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa. Tờ Global Times của Trung Quốc là một cơ quan chuyên đăng tải các quan điểm của chính phủ Trung Quốc, trên một bài viết mới đây trên báo này cho biết, hành động đó sẽ là "một sai lầm khủng khiếp" nếu Việt Nam triển khai các hệ thống tên lửa ở các đảo đang tranh chấp và nhắm vào Trung Quốc.
"Nếu Việt Nam triển khai các loại tên lửa mới nhất để nhắm vào Trung Quốc thì đó là một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi hy vọng Việt Nam hãy nhớ về quá khứ và rút ra một số bài học từ lịch sử," tờ Global Times cho biết.
Trong khi đó, tờ military china cũng có một số phân tích cho rằng, sở dĩ Việt Nam thực hiện hành động trên là bởi ba nguyên do sau: thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trước sự xâm chiếm của Trung Quốc; thứ hai, tạo sự răn đe về mặt quân sự đối với việc Trung Quốc đang thực hiện các hành động trái phép và có thể bố trí các loại trang bị vũ khí ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do đó Việt Nam cần phải tạo sự răn đe; thứ ba, Việt Nam đang khéo léo giữ sức nóng tạo sự thu hút của dư luận quốc tế, nhất là Nhật Bản và Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác đối với vấn đề Biển Đông và tránh sự thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông.
Tờ mil.news.sina trích dẫn một số ý kiến của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam muốn gửi thông điệp với thế giới rằng, trên Biển Đông có khả năng bùng nổ xung đột và cảnh báo với Bắc Kinh rằng, nếu xung đột xảy ra Việt Nam sẽ bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng, Việt Nam không có giàn tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
"Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi," Reuters dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Theo báo Kiến Thức, trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2015, Israel đã chuyển giao cho Việt Nam 20 tên lửa đối đất EXTRA. Số tên lửa này sẽ được sử dụng cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Tên lửa EXTRA (Extended Range Artillery) được Công ty công nghiệp quân sự IMI (Israel Military Industries) và Chi nhánh MLM Systems Division của Hãng Công nghiệp Hàng không Israel IAI (Israel Aircraft Industries) hợp tác phát triển, được đưa ra giới thiệu lần đầu tại Triển lãm hàng không Paris 2005.
Đạn EXTRA có chiều dài 3,97 m, đường kính 300 mm, trọng lượng phóng 450 kg, mang theo đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm nặng 120 kg.
IAI và IMI đã kết hợp kinh nghiệm về động cơ tên lửa, đầu đạn và hệ thống dẫn đường của các hai cơ sở để phát triển tên lửa EXTRA và sử dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ tiến công dẫn đường chính xác không theo đường ngắm (NLOS).
Tên lửa EXTRA tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu cố định như Trung tâm chỉ huy, trận địa phòng ngự kiên cố, trung tâm thông tin liên lạc, hạ tầng cơ sở quân sự và kho tàng. Tầm bắn của tên lửa EXTRA lên tới 150 km với độ sai lệch nhỏ hơn 10 m nhờ hệ thống dẫn đường quán tính và định vị GPS/INS.
Mặc dù EXTRA vốn được thiết kế để tác chiến trên bộ hơn là tác chiến đối hải. Tuy nhiên, nhờ kết cấu bệ phóng nhỏ gọn, đạn trong thùng container bảo quản lâu dài, khai thác sử dụng và điều khiển hỏa lực tương đối dễ dàng hơn, có thể lắp đặt và ngụy trang trên nhiều đảo có diện tích nhỏ nhất hoặc nhà giàn đáp ứng được yêu cầu phòng thủ và đánh trả hiệu quả các cuộc tấn công của đối phương.
Comments[ 0 ]
Post a Comment