Sự thụ động đáng lo ngại của Đông Nam Á trên bàn cờ nước lớn
Wednesday, August 24, 2016
Đông Nam Á đang trở thành một đấu trường lớn cho cạnh tranh và hợp tác quân sự giữa các cường quốc, thường ít hoặc không có sự tham gia của các nước khu vực. Đây rõ ràng là điều rất đáng để lo ngại.
Bài viết của tác giả Malcolm Cook - nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Bài viết đăng trên tờ "Straitstimes" (ngày 11/8/2016).
Tháng 4/2016, truyền thông Trung Quốc đưa tin Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân ba bên tại Biển Đông. Tháng 6/2016, lần đầu tiên vùng biển của Philippines trở thành địa điểm diễn ra cuộc tập trận Malabar thường niên quy tụ các quốc gia gồm Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Các cuộc tập trận này tập trung vào hoạt động trên biển và khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Trong tháng 9 sắp tới, Nga và Trung Quốc cũng sẽ tiến hành tập trận tại Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc lựa chọn vùng biển khu vực để tăng cường hoạt động quân sự. Lo ngại của dư luận về các diễn biến gia tăng này cũng không chỉ xuất phát từ năng lực hạn chế của các nước Đông Nam Á. Trên thực tế, nhiều người cho rằng việc các cường quốc coi vùng biển khu vực là “đấu trường” cạnh tranh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục đích và mong muốn của Đông Nam Á, được thể hiện qua Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nguyên tắc trung tâm của hiệp hội, cụ thể là kiềm chế hoạt động của các nước lớn trong khu vực và dẫn dắt họ hướng tới những lợi ích của các nước Đông Nam Á và ASEAN.
Trung Quốc là quốc gia ngoài ASEAN có những hoạt động mạnh mẽ và bành trướng nhất trong khu vực. Việc Trung Quốc quyết định đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới mang tính răn đe tại đảo Hải Nam là một trong những thay đổi quan trọng nhất và có thể sẽ là nguy cơ lớn đối với tình hình an ninh của Đông Nam Á, và là mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ. Quyết định này của Bắc Kinh đã biến Biển Đông trở thành đấu trường lớn cho sự chạy đua về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa hàng loạt các hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đặt tên lửa đất đối hạm ở quần đảo Hoàng Sa nhằm tăng cường khả năng khắc chế và kiểm soát của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông, cũng là điều khiến dư luận hết sức quan ngại.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển hạt nhân, vũ khí tên lửa thông thường và hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đang làm giảm ưu thế về hạt nhân và vũ khí thông thường của Mỹ ở Đông Á và buộc quân đội Mỹ phải đẩy mạnh triển khai quân lực, khí tài ở Đông Bắc Á và ở trên chính lãnh thổ Mỹ. Hành động của Trung Quốc càng có nguy cơ làm xói mòn lợi ích quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, buộc Mỹ trước hết, phải tăng cường khả năng theo dõi và ngăn chặn các tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông và vùng biển của Phillippines; và thứ hai phải cân nhắc lại việc phân bổ quân số và khí tài quân sự tại các khu vực ngày càng dễ bị tổn thương ở hai nước đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ triển khai chính sách tái cân bằng ở châu Á nhằm củng cố hơn nữa kế hoạch quốc phòng đối với khu vực sau nhiều thập kỷ “lơ là”. Đổi lại, Mỹ muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các đồng minh và đối tác trong khu vực để duy trì vị thế dẫn đầu về răn đe chiến lược. Australia và Nhật Bản là hai nước hưởng ứng mạnh mẽ nhất lời kêu gọi của Mỹ. Điều này có thể phần nảo phản ánh thực tế quy mô các lợi ích an ninh mà các đồng minh của Mỹ chia sẻ với cường quốc này tại Đông Nam Á và xa hơn nữa. Mỹ và các nước đồng minh trong thời gian gần đây đã thúc đẩy nhiều hoạt động phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn. Có thể nói, việc phát triển hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo giữa ba đồng minh đã giúp Mỹ có được nhận thức tốt hơn về tình hình ở Biển Đông và vùng biển Philippines hơn bất kỳ quốc gia ven biển nào ở Đông Nam Á.
Có một thực tế đáng buồn là các nước Đông Nam Á cho tới nay vẫn thường tỏ ra bị động và hạn chế can thiệp vào cuộc cạnh tranh của các cường quốc tại vùng biển khu vực. Nguyên nhân dẫn tới thái độ này, trước hết là bởi thực lực quân sự của các quốc gia Đông Nam Á khó có thể đem ra so sánh với các cường quốc này. Thực tế ngân sách quốc phòng và đầu tư quân sự của các nước Đông Nam Á thường rất nhỏ. Cụ thể, Singapore là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất có khả năng hải quân và không quân mạnh nhất khu vực song thực tế Singapore chỉ có 6 tàu chiến (đều là tàu khu trục cỡ nhỏ), và con số này không đáng là bao khi so sánh với hạm đội 46 chiếc của Nhật Bản. Thứ hai, cuộc cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc và xu hướng hợp tác hiện chủ yếu diễn ra trên biển.
Tính đến nay, chưa có quốc gia Đông Nam Á nào tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực do Mỹ dẫn đầu, và khả năng tác chiến tàu ngầm của các nước Đông Nam Á vẫn rất hạn chế. Thứ ba, các nước Đông Nam Á vốn có truyền thống do dự trước việc xây dựng các mối quan hệ chiến lược đồng minh, và thường thích tự chủ hơn trong vấn đề này. Thực tế là đa phần các nước Đông Nam Á, trừ một số trường hợp ngoại lệ, thường không có khả năng, không chuẩn bị trước và thậm chí không muốn “chủ động” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại vùng biển Đông Nam Á. Đây rõ ràng là điều rất đáng để lo ngại.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment