"Đã có Điện Biên Phủ (trên đất liền) năm 1954 và “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Cả dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị tinh thần và ý chí, nếu cần, đã dành sẵn “Điện Biên Phủ trên biển”, đập tan tham vọng ngông cuồng của giấc mơ bành trướng đại Hán, muốn bá chủ biển Đông."
Tôi tin là giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn chút tỉnh táo, không dại gì phát động chiến tranh. Và dù niềm tin nhỏ nhoi đó bị dập tắt, chiến tranh xảy ra - điều mà nhân dân Việt Nam và cả Trung Quốc không ai muốn - thì những giá trị lịch sử vẫn nguyên vẹn. Kẻ xâm lược chưa mạnh thật sự bao giờ. Vũ khí dù tối tân và hiện đại đến đâu cũng không thay thế được con người. Càng không thể chiến thắng được cả dân tộc có truyền thống đoàn kết, chống ngoại xâm. Điều này, mỗi người dân Việt, cả trong và ngoài nước đều thấm nhuần và xác tín.
Hơn 60 năm trước, thực dân Pháp đã dồn người Việt tới đường cùng, buộc cả dân tộc phải vùng dậy, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chấn động cả địa cầu.
Từ một dân tộc thuộc địa, đói ăn, thiếu mặc, chỉ với xe đạp thồ, cuốc xẻng và những vũ khí thô sơ. Tương quan quá sức chênh lệch mà dám đối mặt với nước Pháp hùng mạnh, cứ như “Châu chấu đá voi”. Nhờ hơn hẳn khát vọng độc lập và ý chí quật cường, dân tộc Việt đã làm nên kỳ tích thời đại, đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là nguồn cổ vũ to lớn, mở đầu cao trào giành độc lập cho các dân tộc khác khắp thế giới. Điều mà trước đó, không thể tin và chưa ai làm nổi.
Cuối năm 1972, cuộc đàm phán 4 bên ở Paris đi vào bế tắc và chiến tranh vẫn tiếp tục. Chính quyền Mỹ mà đứng đầu là Nixon đã quyết định chơi đòn sinh tử, ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam bằng tất cả vũ khí tối tân nhất thời đó. Họ huênh hoang tuyên bố: “Sẽ đẩy Bắc Việt Nam vào thời kỳ đồ đá” và chờ đợi sự đầu hàng vô điều kiện. Nhưng Việt Nam không phải là Nhật Bản năm 1945.
Bom đạn chỉ hù dọa được những người yếu bóng vía. Dân tộc Việt Nam, từ cụ già đến em bé, chỉ biết sợ lẽ phải chứ chưa bao giờ khiếp nhược trước kẻ thù. Dù bom rơi, đạn trút, trẻ em vẫn tung tăng đến trường. Cả những loại cỏ cây và côn trùng cũng vô tư đến kinh ngạc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, lúc đó mới 9 tuổi đã nói với bạn bè thế giới: “Chúng tôi đến lớp ngày ngày. Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men. Ao trường vẫn nở hoa sen. Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu…”.
Dù bị đánh phá cực kỳ ác liệt bởi những siêu pháo đài cỡ B52, những máy bay tàng hình cỡ F111… nhưng địch vẫn thất bại. Nhân dân Việt Nam lại viết tiếp kỳ tích, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” từ 18 - 30.12.1972, buộc đối phương phải nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Nhìn bề ngoài, người Việt thiếu hợp tác, hay tư lợi, có vẻ nhẫn nhịn nhưng khi đất nước bị xâm lăng thì khác hẳn. Dẹp qua mọi khác biệt, đoàn kết một lòng, kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Dù không ai mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng nếu bị dồn đến đường cùng, người Việt sẽ viết tiếp lịch sử giữ nước. Đã có Điện Biên Phủ (trên đất liền) năm 1954 và “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Cả dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị tinh thần và ý chí, nếu cần, đã dành sẵn “Điện Biên Phủ trên biển”, đập tan tham vọng ngông cuồng của giấc mơ bành trướng đại Hán, muốn bá chủ biển Đông.
Đây là thời cơ để mỗi người dân Việt nhìn lại chính mình, sửa sai những thói hư tật xấu, bỏ qua mọi hiềm khích, làm việc nhiều hơn và tốt hơn vì một Tổ quốc Việt Nam cường thịnh.
Lỗi font chữ
ReplyDelete