Phải chăng Philippines đã sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông để cải thiện quan hệ? Câu hỏi này được đặt ra sau tuyên bố ngày 13/8/2016 của cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, người được đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte cử làm đặc phái viên đàm phán với Trung Quốc tại Hongkong mới đây.
Đảo Thị Tứ quần đảo Trường Sa
Trả lời báo giới hôm 13/8/2016, ông Ramos cho biết, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao “hai kênh”, cho phép hợp tác trong một số lĩnh vực, song song với việc giải quyết riêng rẽ “các vấn đề gây tranh cãi” như tranh chấp Biển Đông.
Theo AFP, ông Fidel Ramos cùng với cựu Bộ trưởng Nội Vụ Philippines Rafael Alunan, đã đề xuất ý tưởng này nhân các cuộc tiếp xúc tại Hongkong với các đại diện của Trung Quốc, trong đó có bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc.
Theo ông Alunan, hai bên đã thảo luận về việc “khuyến khích cơ chế kênh 2 (track two), hay là cơ chế trao đổi ý kiến giữa các trung tâm tham vấn (think-tank)”, một hình thức cho phép hai bên “thảo luận các vấn đề gây tranh cãi”.
Trong ngoại giao, kênh 1 là kênh chính thức giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines không nói rõ là các “trung tâm tham vấn” nào sẽ tham gia vào việc thảo luận những vấn đề “gây tranh cãi” này, ám chỉ đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông.
Ngoài “khuyến khích trao đổi qua kênh 2 các vấn đề gây tranh cãi”, hai bên còn thảo luận về các đề tài khác với những đề xuất có lợi cho cả Philippines và Trung Quốc như: Khuyến khích bảo tồn biển; Tránh căng thẳng và thúc đẩy hợp tác nghề cá; Chống ma túy và hợp tác chống buôn lậu; Chống tội phạm và hợp tác phòng chống tham nhũng; Cải thiện cơ hội du lịch; Khuyến khích thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư.
Thế nhưng, khi được hỏi là tại Hongkong, phía Philippines có thảo luận với phía Trung Quốc về phán quyết Tòa trọng tài ngày 12/7 về vụ kiện Philippines – Trung Quốc hay không, cựu Tổng thống Ramos khẳng định “Chúng tôi không hề đề cập đến”.
Nếu đúng như ông Ramos nói thì không thể không hoài nghi khả năng Philippines đã khuất phục trước yêu sách của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài – mà nhiều coi là một thắng lợi quan trọng cho Philippines, đồng thời yêu cầu Manila không được nhắc đến nó trong các cuộc đàm phán song phương trong tương lai.
Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn Alunan đều nhấn mạnh rằng họ chỉ phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán chính thức sau này sẽ do những người khác đảm trách.
Ý tưởng đồng khai thác đã được ông Ramos gợi lên khi ông cho biết là ông đã thảo luận với phía Trung Quốc về “vấn đề đánh cá”, đề cập đến việc từ năm 2012 đến nay, sau khi chiếm cứ bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực này.
Bãi cạn Scarborough rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km (140 hải lý), nhưng lại cách đảo Hải Nam, Trung Quốc đến 650 km.
Ông Ramos tiết lộ rằng, ông đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư dân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở vùng Scarborough.
“Chúng tôi đã nói về vấn đề đánh cá”, về việc trở lại những gì gọi là tình trạng đánh bắt cá trước khi xảy ra xung đột, để khôi phục hoạt động đánh bắt cá theo các quyền truyền thống” – cựu Tổng thống nói.
Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn ông Alunan đều cho biết là phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán song phương chính thức. Và vì chưa có thỏa thuận chính thức nào nên ngư dân địa phương vẫn không thể đi đến bãi cạn Scarborough.
Theo hai phái viên Philippines, họ vẫn chưa báo cáo cho Tổng thống Duterte tất cả mọi thứ đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán thăm dò tại Hongkong, do ông Duterte đang ở Mindanao. Họ sẽ báo cáo ngay khi ông Duterte về Manila và Tổng thống sẽ quyết định các bước tiếp theo là gì.
Linh Phương-Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment