National Interest: Việt Nam đã thực hiện bước đi kiên quyết ở Biển Đông
Thursday, August 18, 2016
Tạp chí National Interest vừa công bố bài viết, bình luận thông báo của hàng loạt phương tiện truyền thông về khả năng Việt Nam bố trí các hệ thống tên lửa ở Biển Đông.
Đó là điều không thể tránh khỏi, — tác giả viết, — các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngược với lợi ích của Trung Quốc bây giờ bắt đầu có phản ứng đáp trả. Và chuyện ở đây không phải là về hành động pháp lý, mà cuối cùng, những nước này bắt đầu mở mang sức mạnh quân sự của mình.
Trong tuần qua, hãng thông tấn Reuters báo tin rằng Việt Nam "trong quá trình một chiến dịch bí mật đã củng cố một số hòn đảo trong vùng Biển Đông bằng những bệ phóng cơ động tên lửa mới có khả năng bắn trúng tới đường băng cất cánh-hạ cánh và những chủ thể quân sự của Trung Quốc bố trí dọc theo tuyến đường thương mại quan trọng".
Thông báo nói rõ, "trong những tháng gần đây" Hà Nội đã điều chuyển vũ khí từ phần đất liền của Việt Nam tới năm cơ sở trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Theo một số nguồn tin của tạp chí, "bệ phóng giấu mình khỏi sự giám sát từ trên không và cho tới nay chưa nạp đạn tên lửa và đạn pháo, nhưng có thể đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ trong vòng 2-3 ngày".
Những vũ khí mà Việt Nam bố trí trên các hòn đảo, tự nó đã là lời tuyên bố lớn tiếng. Đáng chú ý là đó không phải là loại bệ phóng hạng hai của vài chục năm về trước, mà là hệ thống pháo phản lực EXTRA của Israel — một nền tảng dành để giáng đòn tấn công vào đám lính xâm nhập khi đối tượng này đổ bộ lên bờ hòn đảo.
Phản ứng trước sự gây hấn của Trung Quốc
Nên hiểu tất cả chuyện này như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản: Tại sao Hà Nội không làm điều đó sớm hơn, sau khi đã dự tính đường đi nước bước và lường trước về chuyện Trung Quốc sẽ hành xử hung hăng đến thế nào ở Biển Đông?
Bất kể thực tế là các bên của cuộc xung đột thường xuyên tố cáo lẫn nhau, nhưng những năm cuối lại đây Trung Quốc bộc lộ rõ là đối tượng xâm lấn.
Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh vẽ ra tuyến ranh giới gợi nhớ hình lưỡi bò gồm chín đoạn (thực ra là mười, nhưng nào có khác gì?) và tuyên bố tất cả phần bên trong đường chín đoạn đó — tức là hầu như toàn bộ Biển Đông — là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc, thì cuộc xung đột đã đạt đến cấp độ căng thẳng mới, bởi Trung Quốc ngang nhiên cố gắng đạt tới tham vọng của họ.
Thậm chí thất bại lớn ở Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague cũng không làm giảm bớt sự ráo riết của Trung Quốc mong đạt thành quả khống chế toàn khu vực. Thêm vào tất cả những gì họ làm, bây giờ còn cả động thái có thể gọi là "cuộc tự sướng của máy bay ném bom".
Hà Nội có thứ để đáp trả
Trong tất cả các quốc gia vùng Biển Đông, chính Việt Nam là nước có nhiều khả năng hơn cả, trong đó có những kịch bản ngoại giao độc đáo, để đáp trả cung cách hành xử hung hăng của Trung Quốc.
Những năm gần đây, Hà Nội đã mua của Matxcơva loạt tàu ngầm tiên tiến nhất trên thế giới, cũng như những chiến đấu cơ hàng đầu. Đúng là hiện tại Trung Quốc vẫn vượt trội so với Việt Nam về cơ số binh sĩ và vũ khí, nhưng những bệ phóng tên lửa mà Việt Nam mới sắm thì trong trường hợp đụng độ chiến sự sẽ có thể đủ sức kiềm chế Trung Quốc. Một số người thậm chí còn cho rằng Hà Nội có thể thực thi chiến lược riêng của mình về hạn chế và ngăn chặn truy cập cơ động (A2/AD), đúng như binh thư của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài các đòn bẩy quân sự và kinh tế, cả hai nước — chí ít là trên giấy tờ — vẫn là những quốc gia cộng sản thân thiện, cho đến nay vẫn tiến hành những cuộc hội đàm "giữa các Đảng với nhau". Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều có khả năng thảo luận các vấn đề Biển Đông đằng sau cánh cửa đóng kín, ngoài tầm tiếp cận của các phương tiện truyền thông. Định dạng này cho phép ban lãnh đạo tối cao của hai nước có thể cởi mở hơn khi trao đổi quan điểm của họ.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment