Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump
Theo AFP ngày 16/4/2017: “Giới chức quân sự Philippines nói rằng họ sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự hằng năm với Hoa Kỳ vào tháng tới, tái khẳng định cam kết với đồng minh, cho dù đang có mối liên hệ lạnh nhạt với Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Duterte. Cuộc diễn tập 10 ngày là cuộc hợp tác đầu tiên mà ông Duterte đã có lần đề nghị ngưng và kêu gọi Hoa Kỳ rút binh sĩ ra khỏi Philippines.” Rồi vào ngày 20/4/2017, Philippines lại cho phép tàu chiến Nga ghé thăm và Nga đang nhắm tới những thương lượng về quốc phòng và hạ tầng cơ sở. Tổng Thống Duterte đã lên thăm chiến hạm này và nói rằng, “Người Nga đi với tôi. Tôi không có gì phải sợ cả.” (The Russians are with me, I shall not be afraid)
Qua hành động này ai dám nói ông Duterte điên khùng? Rõ ràng ông Duterte theo đuổi chính sách “đu dây” giống hệt như Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của đất nước, đi với Hoa Kỳ nhưng không gắn bó với Hoa Kỳ và giao hảo với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là khuynh hướng chung của Đông Nam Á bây giờ. Mình là nước nhỏ tại sao phải thù nghịch với các nước lớn? Hãy để các nước lớn “choảng” nhau. Dính vào thì từ chết tới bị thương, theo phe nào cũng chết. Hãy độc lập, tự chủ để từ từ phát triển đất nước. Nhận viện trợ cũng là một hình thức của nô lệ. Nước nhỏ muốn sống yên thì phải “khôn” mà Lão Tử gọi là “biết”. Không biết, không tỏ tường mọi vấn đề thì lãnh đạo sẽ đưa đất nước tới diệt vong. Ấn Độ là một đại cường nhưng chưa đủ sức “tranh thiên hạ” với Nga, Mỹ và Trung Quốc cho nên từ thời Thủ Tướng Nehru tới giờ đều theo đuổi chính sách Trung Lập. Đó là lẽ sống còn và khôn ngoan của Ấn Độ.
- The Economist ngày 20/4/2017: Trong bài báo nhan đề “Việt Nam dùng căn cứ hải quân cũ (Cam Ranh) để kết thêm bạn mới” (Vietnam uses an old naval base to make new friends) tác giả viết, “Trên lý thuyết Cảng Quốc Tế Cam Ranh mở ra hoàn toàn vì mục đích thương mại, mở cửa cho bất cứ quốc gia nào sẵn sàng trả tiền để được bảo trì và tiếp liệu cho tàu bè. Nhưng nó cũng phục vụ cho mục đích chiến lược khác là gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới một Trung Quốc đang trỗi dậy và bành trướng, nó cho phép Việt Nam tăng cường mối liên hệ quân sự và có nhiều nhiều nhóm bạn khác nhau thuộc nhiều quốc gia khác nhau.” (In theory it is (Cam Ranh) a purely commercial venture, open to the ships of any country willing to pay for the maintenance and refuelling it provides. But it also serves a strategic purpose: sending a defiant message to a resurgent and expansionist China by allowing Vietnam to strengthen military ties with an increasingly diverse group of countries.)
Lịch sử chứng tỏ một nước nhỏ dễ bị tấn công, lật đổ hay bắt nạt nếu nó cô lập và không có “đại ca” đỡ đầu. Một chính sách ngoại giao đa phương, ai cũng giao hảo tạo nên thế mạnh chính trị rất lớn. Việc các tàu chiến của Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Úc, New Zealand và các nước Đông Nam Á thường xuyên ghé thăm Cam Ranh gây trở ngại cho Bắc Kinh nếu họ có ý định tấn công Việt Nam bằng hải quân. Dĩ nhiên Bắc Kinh rất khó chịu với chiến lược này của Việt Nam nhưng cũng chẳng làm được gì cả.
- AP ngày 22/4/2017: “Trung Quốc cố gắng ngăn chặn chiếc máy bay chở Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Lorenzana và 40 phóng viên ghé thăm Đảo Pag-asa (ĐảoThị Tứ) nhưng không thành công. Đảo Thị Tứ nằm cách Bãi Đá Chữ Thập (Subi Reef) 25 cây số do Trung Quốc chiếm đóng. Ông Lorenzana nói rằng Philippines sẽ xây một bến đậu và tân trang lại phi đạo đã quá cũ.
Theo The Hill ngày 20/4/2017, “Phó Tổng Thống Mike Pence cho hay Tổng Thống Donald Trump sẽ đi Việt Nam và Philippines vào Tháng 11 để tham dự ba diễn đàn quốc tế. Tại trụ sở của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) Jakarta, Indonesia. Pence nói rằng ông Trump sẽ dự Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Philippines, Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Việt Nam (Đà Nẵng) vào Tháng 11. Ông Pence cho biết thêm, Tổng Thống Donald Trump hy vọng sẽ làm việc với khối ASEAN về các vấn đề anh ninh, thương mại và tự do hàng hải tại Biển Đông.”
Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh cũng đã có mặt tại Hoa Kỳ, gặp gỡ Ngoại Trưởng Tillerson và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McMaster, đồng thời chuyển thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Mỹ Trump thăm Việt Nam nhân Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC). Ngoài ra cũng có tin ông Nguyễn Xuân Phúc- thủ tướng chính phủ Việt Nam cũng sẽ thăm Hoa Kỳ.
Những chuyển động cho thấy Việt Nam rất trân trọng với mối liên hệ Hợp Tác Toàn Diện với Hoa Kỳ và nhất là sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Như vậy, việc hủy bỏ Hiệp Định TTP của ông Trump không làm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chứ không như những lời bàn tán trước đây. Theo New York Post ngày 21/4/2017: “Hai chính quyền Việt-Mỹ đã bày tỏ ý muốn xúc tiến thêm và tăng cường mối liên hệ mối liên hệ kể từ khi ông Trump thắng cử vào Tháng 11.” (The two governments have expressed desire to further promote ties and strengthen their relationship since Trump’s election win last November.)
Chúng ta nhớ lại những giây phút căng thẳng và lo âu của toàn thế giới sau khi nghe tin ông Trump thắng cử. Khác với châu Âu, phần lớn chê bai và chỉ trích ông Trump. Còn Châu Á thì im lặng chờ đợi. Ông Abe rất khôn ngoan, hối hả gặp ông Trump tại nhà riêng của ông Trump ở New York dù ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc thì gọi điện thoại chúc mừng. Là lãnh đạo một nước nhỏ hoặc yếu hơn, mình không có quyền lựa chọn. Tổng thống Mỹ dù Đen, Đỏ, Trắng, Vàng, Xấu, Tốt… mình đều phải chơi thôi. Ông tổng thống Mỹ nào cũng có quyền chơi với ông này, hoặc cấm vận, lật đổ, o ép ông kia…vì Mỹ là “võ lâm chí tôn”, còn mình chỉ là “chưởng môn một bang phải nhỏ” thì phải nhẫn nhục và chịu đứng. Đó là sự thực đau lòng, nhưng phải biết.
Trong lúc tranh cử, ông Trump nói toàn chuyện dễ sợ. Rồi sau khi nhậm chức lại ký lệnh rút lui khỏi hiệp định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế nhưng tôi vẫn giữ quan điểm là trong lúc tranh cử ông Trump phải cường điệu và mị dân để kiếm phiếu. Nhưng khi đã ngồi vào ghế tổng thống rồi, ông phải có nhãn quan toàn cầu. Nếu ông chỉ tập trung vào “America First”, Nhà Nước Hồi Giáo, thỏa hiệp với Trung Quốc và bỏ rơi Đông Nam Á thì nước Mỹ tiêu vong. Đông Nam Á là chiến lũy cuối cùng để chiến tranh không nổ ra ngay trên nước Mỹ. Đó là lý do tại sao ông Trump tham dự diễn đàn thượng đỉnh tổ chức tại Việt Nam và Philippines vào Tháng 11 năm nay.
Thế nhưng chuyến đi của ông Trump không phải dễ. Ông phải nói thế nào để trấn an các quốc gia Đông Nam Á mà không làm mếch lòng “mối liên hệ tuyệt vời” (outstanding friendship) với ông Tập Cận Bình? Và ông phải mang theo bao nhiêu tỉ đô-la để viện trợ, đầu tư vào những quốc gia này hầu lấp đi khoảng trống vì hủy bỏ TPP. Ngoài ra, do ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc tại Đông Nam Á, không phải tất cả các quốc gia trong vùng đều hoan nghênh ông. Theo tôi khuynh hướng có thể phân chia ra như sau:
- Thái độ ân cần và hoan nghênh: Việt Nam và Singapore.
- Thái độ bình thường: Malaysia, Indonesia, Myanmar, Brunei.
- Thái độ lạnh nhạt: Thái Lan, Lào và Kampuchea.
- Còn Philippines thì bất thường, chưa biết thái độ như thế nào.
Đây là chuyến đi đầy khó khăn của ông Trump và khó khăn hơn cả ông Obama chứ không phải chuyện chơi. Theo RFI ngày 29/4/2017, “Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Manila, thủ đô Philipines, các lãnh đạo ASEAN đã đạt được một bản tuyên bố chung trong đó có nêu lên vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực gây tác động để gạt bỏ những vấn đề đó ra khỏi văn kiện của ASEAN.” Đây là một dấu hiệu đáng mừng.
Có lẽ rồi đây chiến lược của ông Trump tại Biển Đông cũng vẫn chỉ là gửi tàu chiến tới, thường xuyên tuần tra để “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (Rebalance Power) giống hệt như ông Obama chứ chẳng có gì khác. Còn chuyện giữ gìn, tranh chấp biển đảo thì Việt Nam và Philippines phải lo liệu lấy vì Mỹ không đứng về phe nào. Thế nhưng với bản tính bất thường, nay rày mai khác của ông Trump, không ai biết tương lai thế giới đi về đâu. Chúng ta chờ xem.
(California ngày 30/4/2017)
Comments[ 0 ]
Post a Comment