Có khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough vào khoảng tháng 9 đến 8/11 tới.
Hình ảnh máy bay ném bom Trung Quốc tuần tra trên bãi cạn Scarborough được đăng tải gần đây. Ảnh: Weibo
National Interest ngày 15/8 nhận định, nếu như Trung Quốc đang ủ mưu thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough, có khả năng kế hoạch này sẽ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 9 đến ngày 8/11. Đây là khoảng thời gian sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Trung Quốc và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.
Thực tế, ý tưởng này được đưa ra trong một bài báo ngày 13/8 của tờ South China Morning Post (SCMP). Theo đó, bài báo trích dẫn một nguồn tin tin cậy, cho biết Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ công việc cải tạo nào trên bãi cạn cho đến khi Hội nghị G-20 được tổ chức vào tháng tới và sẽ bắt đầy xây dựng trước khi Mỹ bỏ phiếu Tổng thống.
Tờ SCMP cho biết: “Khi G-20 được tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9 tới, hòa bình khu vực sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo lớn và Trung Quốc sẽ kiềm chế không tiến hành kế hoạch cải tạo tại Biển Đông”.
Theo National Interest, nếu Trung Quốc muốn thực hiện một bước tiến lớn tại Biển Đông, đặc biệt là để chống lại phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài Thường trực, sau khi G-20 diễn ra và trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là thời điểm “thích hợp nhất”.
Trang này nhận định, để tìm cách nâng cao vị thế như một siêu cường đang nổi và không vấp phải rắc rối nào, Bắc Kinh sẽ tiến hành kịch bản ở Biển Đông một cách rất cẩn thận, bằng nhiều tín hiệu gây khích nhưng không để căng thẳng leo thang trong thời gian này. Trung Quốc sẽ không muốn mạo hiểm với những căng thẳng hiện hữu ở khu vực. Bắc Kinh chắc chắn đang “ủ mưu” cho đến khi Hội nghị G-20 diễn ra thành công.
Và đặc biệt, không có thời gian nào “lý tưởng” hơn để bắt đầu gây rối ở Biển Đông bằng thời điểm Hoa Kỳ - quốc gia duy nhất có thể ngăn cản Bắc Kinh “làm xằng”, bị phân tâm trong việc lựa chọn Tổng thống tiếp theo. Khi ấy, Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông sẽ chỉ tập trung vào cuộc chiến giữa Donald Trump và Hillary Clinton”.
Tuy nhiên, còn một lý do khác cho kế hoạch của Bắc Kinh, đó là nước này muốn tiến hành một động thái “bắt buộc cần có cho Trung Quốc”, đặc biệt trong thời gian này là đặt áp lực lên Manila để đạt được giải quyết tranh chấp. Với những hình ảnh được đăng tải gần đây ghi lại cảnh số lượng lớn tàu Trung Quốc và các máy bay ném bom tuần tra trên Biển Đông, dường như Trung Quốc đang ra tín hiệu sẵn sàng cho một hành động mạnh bạo. Ngoài ra, với việc Cựu Tổng thống Fidel Ramos có chuyến thăm tới Trung Quốc nhằm “phá băng, thúc đẩy quan hệ”, Bắc Kinh đang đặt áp lực lên Manila, không chỉ nhằm tăng tốc cho cuộc đàm phán mà còn để “ép” Philippines đồng ý thỏa thuận với các điều kiện của Trung Quốc.
Trong diễn biến liên quan, ngay trước khi Hội nghị G-20 diễn ra, Ngoại trưởng Trung Quốc đã có chuyến công du tới Ấn Độ, công khai ngăn cản Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về phe cùng các lãnh đạo thế giới khác trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, mới đây một tờ báo Mỹ đã nhận định Trung Quốc “chỉ giỏi” làm xấu đi tình trạng căng thẳng trong khu vực, cũng như khiến các nước khác lo lắng, nghi ngờ và đẩy họ vào một mối quan hệ an ninh mới.
Hằng Thu (Theo National Interest)
Báo Giao Thông
Comments[ 0 ]
Post a Comment