Mai Thanh Hải
Không có chiến tranh, không nghe súng nổ nhưng với các phi công trung đoàn 937 bảo vệ Trường Sa, mỗi chuyến bay là sẵn sàng chấp nhận hy sinh và nhiều phi công đã mãi mãi nằm lại lòng biển…
Su-22MP của trung đoàn 937, sư đoàn 370, Quân chủng PK-KQ cất cánh từ sân bay Phan Rang. Ảnh Đào Ngọc Thạch
Bay lệch 10 km là không thấy đảo
Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPKKQ), người đã thực hiện hàng trăm chuyến bay tuần tiễu ra Trường Sa - DK1 cho biết: "Phi công bay biển nói chung và bay Trường Sa nói riêng, không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có tâm lý cực vững vàng. Bay đất liền còn phân biệt được đất và trời, nhưng bay biển thì trời và biển đều giống nhau".
Nhân viên kỹ thuật đưa Su-22M4 vào vị trí làm công tác chuẩn bị bay. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo thiếu tướng Đại, thời tiết ở biến rất thất thường, khi ra rất tốt nhưng khi quay về gặp dông gió, mây mù bất thường là chuyện thường tình. Nguy hiểm nhất là cảm giác sai trong định vị không gian, nhìn biển cứ nghĩ là trời và… lao thẳng xuống. Nhiều phi công, nhất là phi công trẻ còn mắc cảm giác cô đơn khi bay liên tục vài tiếng đồng hồ mà không thấy vật chuẩn, không có nhiều đài dẫn đường…
“Từ đất liền ra Trường Sa, có khi chỉ 1 - 2 đài dẫn, trong khi bay đất liền thì đến đâu cũng có anh em các đài trạm nói bên tai. Không vật tiêu - vật chuẩn, không có người dẫn đường nên phi công rất khó nhận dạng đảo. Ở Trường Sa, chỉ cần đi lệch 10 km là sang khu vực khác”, thiếu tướng Đại nhấn mạnh.
Ông đúc rút: Phải triệt để tuân theo thiết bị dẫn đường. Nếu thiết bị trục trặc là rất phức tạp, phải xử lý ngay trong tích tắc kẻo bay lạc…
Tập bay trên sân mô hình.ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp phi công lạc đường khi bay trên biển. Đơn cử: Ngày 24.5.2011, biên đội của trung đoàn 937 bay tuần tiễu Trường Sa, khi cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 100 km, biên đội xin giảm dần độ cao và khi còn cách đảo khoảng 43 km, phi công báo cáo quan sát được Đá Lát nhưng không nhìn thấy đảo Trường Sa. Xác định tình huống mất đội, chỉ huy bay lệnh cho biên đội đình chỉ nhiệm vụ, quay về sân bay. Suốt hành trình trở về, các đài trạm liên tục bám sát, dẫn dắt biên đội, thông báo hướng bay, cự ly, thời gian, độ cao cho phi công về sân bay hạ cánh an toàn.
Nguyên nhân dẫn đến mất đội, được xem xét làm rõ tỷ mỉ: Do khí tượng khu vực quần đảo đột biến xấu. Phi công đã nhìn thấy Đá Lát nên quyết tâm tìm kiếm đảo Trường Sa, trong khi mây mù nhiều và mất đội. Ở tình huống này, chỉ huy bay và các thành phần bảo đảm đã cực kỳ bình tĩnh xử lý tốt, dẫn dắt máy bay về sân bay hạ cánh an toàn…
Trước ngày bay chính thức, các phi công Su-22M4 phải thuần thục đường bay trên sân mô hình. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cũng gần 1 năm sau đó, ngày 17.4.2012, Phó trung đoàn trưởng 937 Lê Văn Nghĩa điều khiển máy bay Su-22M4 từ Phan Rang ra Đà Nẵng để sửa chữa theo kế hoạch. Trong quá trình chuyển sân, máy bay phát sinh hỏng hóc hệ thống khí tài chuyên dụng, cộng thêm thời tiết trên đường bay diễn biến xấu, khiến máy bay bị lạc. Ngay sau đó, sở chỉ huy sư đoàn 370 và các đơn vị khác trong QCPKKQ phải nỗ lực liên lạc, tìm kiếm và dẫn dắt trung tá Lê Văn Nghĩa điều khiển máy bay hạ xuống… sân bay Biên Hòa.
Huyền thoại Su-27
Su-22MP chuẩn bị lắp thùng dầu phụ tại khu vực kỹ thuật. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ở sân trung đoàn 937 vẫn sừng sững mô hình máy bay Su-27 thân cong trong động tác bay vút lên bầu trời, thượng tá Hoàng Văn Chiến, Chính ủy trung đoàn, nhấn mạnh: Phi công 937 ai cũng rành rẽ 3 nhiệm vụ cơ bản là tiêm kích phòng không, tiêm kích bom trên biển, tiêm kích bom trên đất liền. Vì vậy, các loại máy bay mới của VN đều được ưu tiên trang bị cho đơn vị đầu tiên. Ngay đầu 1995, QCPKKQ tổ chức đoàn cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật đi học chuyển loại máy bay Su-27SK tại CH Liên bang Nga, trong đó quân 937 chiếm phân nửa. Trong thời gian 4 tháng, cả đoàn cấp tốc tìm hiểu, nắm bắt máy bay mới, thiết bị chuyên ngành và nội dung bảo dưỡng kỹ thuật.
Các cán bộ, nhân viên kỹ thuật kiểm tra thùng cấp cứu trên máy bay. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngày 25.4.1995, trung đoàn 937 tiếp nhận 6 máy bay tiêm kích Su-27 đầu tiên của KQNDVN, mở đầu cho quá trình hiện đại hóa KQNDVN, trước hết nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên hướng biển Đông và biển Tây Nam. Thượng tá QNCN Bùi Văn Long kể lại tâm trạng choáng ngợp khi nhận máy bay mới cứng, thơm mùi dầu mỡ và thật thà: Không chỉ là vũ khí hiện đại, đắt tiền mà còn là tài sản quý của nhà nước, nhân dân. Do chuyên gia Nga chỉ ở 2 tháng hướng dẫn nên toàn đơn vị phải tập trung huấn luyện chuyển loại, tận dụng tối đa thời gian học chuyên gia.
Phi công thực hành trên buồng lái máy bay, trước ngày bay chính thức. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngay sau đó, ngày 26.6.1995, Trung tướng Phạm Thanh Ngân, Tư lệnh QCPKKQ ra quyết định thành lập Phi đội 3 sử dụng máy bay tiêm kích Su-27 hiện đại, đảm đương nhiệm vụ xung kích trên hướng phòng thủ chiến lược của đất nước. Ngày 4.8.1995, trung đoàn tổ chức bay thử thành công chiếc tiêm kích Su-27 đầu tiên và trong 2 tháng đầu năm 1996, các máy bay Su-27 tham gia cùng Su-22M4 bay trinh sát, tuần tiễu trên biển và các nhiệm vụ đặc biệt khác, phát hiện gần 300 tàu thuyền trên Biển Đông, hơn 100 tàu thuyền nước ngoài ở khu vực DK1 và hơn 160 mục tiêu ở vùng biển Tây Nam. Đầu tháng 3.1996, QCPKKQ cho phép tiêm kích Su-27 bay nhiệm vụ trên vùng biển xa.
Kiểm tra từng vòng ốc vít của máy bay. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tôi tò mò hỏi thượng tá Phạm Đức Doanh, trung đoàn trưởng 937 về phi công đầu tiên bay Su-27 ra Trường Sa, anh Doanh cười: “Anh ấy là Võ Văn Tuấn, Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN” và kể: Sáng 14.9.1997, biên đội gồm trung đoàn trưởng Võ Văn Tuấn và phi công Đỗ Văn Đức triển khai máy bay Su-27 tuần tiễu từ Phan Rang ra phía bắc quần đảo Trường Sa. Chuyến bay đánh dấu bước chuyển về chất của lực lượng không quân chiến đấu, khẳng định khả năng làm chủ bầu trời trên biển xa. Với các phi công 937, họ đã yên tâm vì bay Trường Sa không lo… hết dầu.
Su-22MP cất cánh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Gần 10 năm sử dụng hỗn hợp Su-22M4, Su-27 canh giữ Trường Sa, tháng 11.2004 toàn bộ máy bay Su-27 và lực lượng phi công, cán bộ nhân viên hàng không và phương tiện kỹ thuật bảo đảm Su-27 về trung đoàn 935 (cùng sư đoàn 370, đóng quân tại sân bay Biên Hòa) theo lệnh của QCPKKQ. Từ đó đến nay, trung đoàn 937 Phan Rang chỉ sử dụng tiêm kích bom Su-22M4 sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Biển Đông và Tây Nguyên.
Bay đến đâu cũng có nhân dân
Biên đội hướng ra Trường Sa làm nhiệm vụ tuần tiễu. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Buổi sáng ở khu nhà ở phi công, Thượng tá Lê Đình Sơn ngồi giữa những phi công trẻ thế hệ 8X-9X và nhẩn nha kể toàn những chuyện chẳng liên quan gì đến bay lượn. Đọc được vẻ ngạc nhiên của tôi, anh Sơn bảo: “Ngoài giờ học tập huấn luyện, tuyệt đối tránh nói chuyện công việc để phi công căng thẳng. Chúng tôi là con người, cũng có gia đình người thân, cũng có cuộc sống đời thường và biết yêu thương như người thường”.
Cũng có ngồi là cà với phi công mới biết: Các chỉ huy đơn vị từ trưởng đến phó, vừa làm quản lý vừa là phi công và cả giáo viên kèm cặp hướng dẫn phi công chuyển loại. Mỗi ngày bay, sở chỉ huy vắng như chùa Bà Đanh vì tất cả ra đường băng. Chính ủy lên bay cùng phi công trẻ, trung đoàn trưởng ướt đẫm mồ hôi trong phòng kính chỉ huy bay, các cấp phó mướt mải phụ trách thông tin, dẫn đường kỹ thuật… Chả thế mà có đoàn kiểm tra bên khối Lục quân đến làm việc tại trung đoàn, không thấy đủ cán bộ chủ chốt mới gắt um: “Chả đâu như này. Sao không để 1 người chỉ huy bộ đội?” khiến chỉ huy đơn vị phải trả lời thật: “Nếu muốn đủ người dự họp, chắc Bộ Quốc phòng ra lệnh dừng bay”.
Mô hình Su-27 tại trung đoàn 937, ghi dấu một thời huyền thoại của loại máy bay này trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Mấy ngày ở “tổ chuồn chuồn”, khâm phục những phi công ở nơi thời tiết khắc nghiệt, doanh trại chưa đồng bộ, máy bay cũ kỹ… nhưng vẫn thành thạo từ bay tiêm kích phòng không; bay ứng dụng chiến đấu mục tiêu mặt đất; bay tiêm kích bom trên biển ban ngày, ban đêm; bay xem địa hình; bay nhiệm vụ tuần tiễu Trường Sa…
Chỉ đến lúc phi công mặc đồ bay, tôi lại tò mò: “Tưởng mang theo súng ngắn phòng khi nhảy dù?” và Phó chính ủy Sơn lại cười: “Mình bay trên bầu trời Tổ quốc, đến đâu cũng có nhân dân”, tôi mới vỡ ra thành thật: Họ là phi công quân sự, là bộ đội của nhân dân…
Sẵn sàng cất cánh bảo vệ Trường Sa. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Từ khi thành lập đến nay, đã có 9 phi công của trung đoàn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đó là: Thượng úy Tạ Đông Trung, thượng úy Nguyễn Thế Hùng (cùng hy sinh 1.10.1977); trung úy Hoàng Mai Vượng, trung úy Phan Đức Toán (hy sinh 15.7.1975) đại úy Nguyễn Văn Sinh (hy sinh 10.7.1980); thiếu tá Nguyễn Quốc Dũng (hy sinh 31.10.1996); thiếu tá Hoàng Bá Tâm (hy sinh 6.7.1998); thượng tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú (cùng hy sinh ngày 16.4.2015, trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện).
Theo Mai Thanh Hải - Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment