Về phần mình, Hoa Kỳ từ lâu cũng muốn cân bằng lực lượng trên Biển Đông, trước thế và lực đang lên của Trung Quốc và muốn tìm kiếm đối tác, và tại Đông Nam Á, Việt Nam có 'vai trò quan trọng nhất', trong mắt Hoa Kỳ để Washington cân bằng, đối trọng với Bắc Kinh, vẫn ý kiến này cho hay.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị và bang giao quốc tế nêu quan điểm:
"Theo tôi, vấn đề cốt lõi trong bang giao hai nước, là từ năm 2009 hai nước dường như có sự quan tâm chung về vấn đề chiến lược, đó là thách thức của Trung Quốc, phải giải quyết vấn đề đó. Về phía Việt Nam, Việt Nam có đường lối đa phương, đa diện hóa ngoại giao, thực sự khi thi hành phải tìm đối lực. Đối lực mà thực chất nhất, quan trọng nhất mà khả thi nhất là nước Mỹ thôi. Thành ra đối với Việt Nam, vấn đề dùng Mỹ như một con bài chiến lược rất là quan trọng.
"Về phía Mỹ, thực sự Mỹ là một cường quốc hải quân, Mỹ coi vùng Á châu - Thái Bình Dương là vùng quan trọng chiến lược và kinh tế quan trọng nhất trong thế ký 21, cho nên họ phải có sự hiện diện ở đó. Và nếu hiện diện ở đó, thì đòi hỏi rằng trong đó ít nhất phải có tương quan lực lượng thuận lợi, nếu Mỹ để cho Trung Quốc khống chế vùng đó, thì Mỹ sẽ hoàn toàn bị đẩy ra vùng đó và địa vị cường quốc của Mỹ sẽ bị giảm thiểu rất nhiều.
"Thành ra Mỹ muốn làm cân bằng lực lượng nào đó, thì Mỹ phải tìm ra những đối tác nào của mình để tạo ra cân bằng, thay vì là một cái rất siêu, tức là độc quyền một nước như Trung Quốc, thì điều đó khác. Trong đó có rất nhiều nước, nước Nhật Bản, Hàn Quốc vân vân, thì trong Đông Nam Á, Việt Nam là có một vai trò quan trọng nhất trong việc thăng bằng lực lượng đó. Đối với Mỹ có quan niệm đó, đối với Việt Nam có quan niệm đó.
"Vấn đề là hai bên có tiến sâu lắm tới đó là tùy thuộc nhiều vấn đề mà hiện nay tôi thấy là chưa đến được đầy đủ vấn đề là tiềm năng hoàn toàn của nó, bởi vì còn có những lấn cấn khác, còn về lòng tin chiến lược, tôi thấy các vị đã đồng ý với tôi là gia tăng rất nhiều," học giả Nguyễn Mạnh Hùng từ Mỹ nêu quan điểm.
'Nhân tố thứ ba'
Cũng tại Bàn tròn thứ Năm về chuyến thăm của Obama, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS), nêu quan điểm:
"Theo tôi vấn đề chất lượng chiến lược trong hợp tác Việt - Mỹ, vấn đề bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí và một số thỏa thuận khác và ngoài khuôn khổ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), ba vấn đề này tập hợp thành cái bộ tam rất quan trọng. Và chúng ta sẽ đón chờ trong chuyến đi của ông Obama, bộ tam này sẽ được giải quyết như thế nào. Và nếu bộ tam này giải quyết như thế nào, thì không chỉ nó nói lên chất lượng chiến lược, cái tầm nhìn chiến lược của hai chính quyền và của hai lãnh đạo, mà nó còn nói lên đường hướng cho 5, 10 năm tới.
"Bởi vì các vị có nói là ông Obama sang cuối nhiệm kỳ có sao không, thì tôi nghĩ chiến lược, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam là nhất quán, đảng Cộng hòa hay Dân chủ lên, nếu có khác nhau, chỉ khác nhau về sắc thái, chứ còn về mặt chiến lược là sự nhất quán.
"Cho nên, những thỏa thuận sắp tới đây trong chuyến đi của ông Obama về ba vấn đề mà tôi nói, kết thành bộ tam, rất quan trọng. Trong ba vấn đề này có vấn đề bãi bỏ hoàn toàn vũ khí, để nói Việt - Mỹ đi từ chiến tranh, đi từ băng giá, và bây giờ là giai đoạn tìm thấy nhau. Trong giai đoạn tìm thấy nhau này, nó có một nhân tố mọi người có đề cập, nhưng mờ nhạt, đó là nhân tốt thứ ba, nhân tố thứ ba nó là một bóng ma ám ảnh khá mạnh đến quan hệ Việt - Mỹ.
"Và tại sao vấn đề nâng quan hệ đối tác lên đặt ra từ 2010, đến bây giờ là sáu năm rồi các ông vẫn nói với nhau là 'thôi chúng ta tuy là đối tác toàn diện, nhưng thực chất chúng ta đã là đối tác chiến lược? Tức là vẫn chưa tuyên bố điều đó được, đó là vì nhân tố thứ ba, thì tôi với tư cách một nhà nghiên cứu độc lập, tôi hy vọng ông Obama lần này sang có thể khắc phục được, vượt qua được bóng đè của nhân tố thứ ba này và chính việc bãi bỏ hoàn toàn cầm vận vũ khí nó sẽ tác động cái này.
"Ở đây tôi không nói vấn đề quân sự đâu, chắc chắn Trung Quốc sẽ không sợ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí (cho Việt Nam) xong sẽ có những diễn biến phức tạp, tôi nghĩ về tương quan lực lượng quân sự ở đây, tất cả các bên đều biết nhau cả, đây không phải là vấn đề quân sự, mà đây chính là vấn đề lòng tin chiến lược," cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho biết với BBC.
Đặt nền tảng lâu dài
Hôm 21/5, từ Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine cho biết, ông tin rằng Tổng thống Obama, người sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23-25/5, sẽ hướng tới mục tiêu lâu dài trong quan hệ Mỹ - Việt hơn là những vấn đề 'chính trị nhất thời', ông nói:
"Xin nói là nhiều người không hiểu chuyến đi này của ông Obama, trước khi ông rời ghế Tổng thống, là một chuyến đi rất là quan trọng.
"Là bởi vì ông không bận tâm những chuyện chính trị nhất thời, cho nên có thể đặt nền tảng cho vấn đề quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như ông Bill Clinton đã làm năm 2000, trước khi ông rời ghế Tổng thống.
"Nhiều người không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một chuyến đi rất quan trọng."
Cho rằng ông Obama muốn đặt một di sản về quan hệ Mỹ - Việt qua chuyến đi, Giáo sư Long khẳng định Tổng thống kế nhiệm dù là ai cũng sẽ 'tôn trọng' nền tảng này, sử gia từ Mỹ nói:
"Tôi nghĩ để lại di sản như thế này thì rất quan trọng cho những người tiếp theo.
"Bởi vì đối với Chính phủ Mỹ, trừ trường hợp đi ngược lại quyền lợi của chính phủ Mỹ, còn khi một người Tổng thống trước đặt nền tảng thì các tổng thống sau luôn luôn thi hành nghiêm chỉnh.
"Đặc biệt nếu bà Clinton lên làm Tổng thống, thì bà Hillary Clinton sẽ đẩy mạnh những chính sách của ông Obama, bởi vì chính bà là người đã chủ trương chính sách xoay trục lại Á Đông, cũng như bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở trên Biển Đông," Giáo sư Ngô Vĩnh Long kết luận.
Comments[ 0 ]
Post a Comment