Để khai thác tốt Cảng Cam Ranh, theo tướng Đăng, Việt Nam phải nâng cấp hạ tầng cơ sở, có cầu cảng hiện đại, đội ngũ kỹ thuật giỏi...
Cảng Quốc tế Cam Ranh nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Quan tâm đến sự kiện Việt Nam chính thức đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, đối với Việt Nam, Cam Ranh là một cảng chiến lược, có giá trị lớn không chỉ về mặt quân sự mà cả về kinh tế, giao thương trên vùng Biển Đông.
Đây cũng là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, Cam Ranh lại là cảng nước sâu, kín, rất thuận lợi cho tàu bè neo đậu.
Xét về mặt quân sự, Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược, nhưng trong thời buổi hội nhập, việc Việt Nam mở Cảng Quốc tế Cam Ranh để tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự vào sửa chữa là việc làm phù hợp với hoàn cảnh mới và hợp lý, tạo điều kiện để Việt Nam vừa làm nhiệm vụ quốc phòng vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng lưu ý: "Quan điểm nhất quán của Việt Nam từ trước đến nay là không cho nước ngoài thuê làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Hiện tại và trong tương lai, tàu quân sự và tàu dân sự nước ngoài cập Cảng Cam Ranh để làm công tác hậu cần, sửa chữa nhưng Việt Nam không dùng Cảng Cam Ranh để đánh đổi hay liên minh, liên kết với bất kỳ ai để chống nước khác.
Việt Nam chủ động mở cửa, hội nhập, xây dựng Cảng Quốc tế Cam Ranh làm căn cứ hậu cần đón nhận tất cả các tàu dân sự, quân sự vào neo đậu, sửa chữa, đây là điều hợp lý.
Đây là ý tưởng tốt nhưng để phát huy được thì không đơn giản. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn thiếu thốn, cầu cảng liệu đã đáp ứng được nhu cầu ra vào của các tàu lớn chưa? Nó đòi hỏi nỗ lực lớn của Việt Nam. Bây giờ Việt Nam mời chào như thế nhưng nếu hạ tầng cơ sở kém, cầu cảng không đủ sức cho tàu cỡ lớn vào hay đội ngũ kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu sửa chữa thì không ai vào.
Do đó, muốn khai thác tốt Cảng Quốc tế Cam Ranh, trước tiên Việt Nam phải nâng cấp hạ tầng cơ sở, có cầu cảng hiện đại, đội ngũ kỹ thuật giỏi, trang thiết bị hiện đại.
Ngoài ra, phải nói rõ cho quốc tế hiểu, trong thời buổi giao thương quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại được các nước ký kết, việc tàu thuyền các nước giao thương, qua lại bến cảng của nhau là bình thường, không nên coi đó là cái gì bất thường".
Cũng theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược nên được nhiều nước quan tâm. Có thể các quốc gia quan tâm tới Cam Ranh để thực hiện mục đích khác của họ nhưng với Việt Nam, cần khẳng định rằng trước sau đều kiên định mục tiêu: Đất của ta, cảng của ta, chúng ta tự chủ và mời gọi tất cả bạn bè, ai có tình cảm, muốn hợp tác với Việt Nam thì có thể tham gia, đưa tàu vào hoạt động, sửa chữa.
Trước ý kiến cho rằng, việc Việt Nam mở cảng quốc tế Cam Ranh là bước đi chiến lược trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, Trung tướng Đăng nói: "Các chuyên gia quốc tế có thể nhìn một việc làm của Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng về phía Việt Nam phải khẳng định, để hội nhập quốc tế, Việt Nam phải làm nhiều cách để bạn bè quốc tế tin cậy và đến với mình".
ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đánh giá, cảng Cam Ranh được Việt Nam sử dụng vừa cho mục đích quốc phòng vừa để mở rộng quan hệ với thế giới, nhất là trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền các nước thì đó là điều rất tốt.
Từ đây, Việt Nam phải thông thoáng trong việc kêu gọi các loại tàu của thế giới vào sửa chữa, kể cả tàu quân sự.
"Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ phát triển được kinh tế biển, logictics, mặt khác làm công tác ngoại giao tốt.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải cố gắng hội nhập, giữ vững chủ quyền, đồng thời tôn trọng lợi ích của các nước", ông Tuân nhấn mạnh.
Thành Luân-Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment