Trung Quốc đẩy mạnh xâm chiếm ngư trường Biển Đông
Thursday, March 3, 2016
Tàu Trung Quốc chiếm giữ bãi Hải Sâm thể hiện mưu đồ leo thang nhằm kiểm soát các ngư trường Biển Đông.
Ngày 2/3/2016, ít nhất 4-5 tàu tuần dương và cảnh sát biển Trung Quốc đã chiếm bãi san hô Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa. Bãi san hô này do Philippines chiếm giữ cho đến cuối tháng 2/2016.
Nhân lúc các tàu thuyền của ngư dân Philippines hoạt động tại bãi Hải Sâm phải lánh nạn do thời tiết xấu, các tàu Trung Quốc có trang bị vũ khí đã đến khu vực này, phong tỏa và chiếm giữ bãi san hô. Hiện nay, các tàu vũ trang của Trung Quốc đe dọa và xua đuổi các tàu ngư dân Philippines, không cho tiếp cận khu vực bãi Hải Sâm.
Bãi Hải Sâm có tên quốc tế là Jackson, còn Philippines gọi là Quirino, Trung Quốc gọi là Ngũ Phương, nằm gần tỉnh đảo Palawan của Philippines. Bãi san hô này là ngư trường truyền thống của ngư dân trong khu vực.
Máy bay tuần tra của Không quân Philippines xác nhận ít nhất 4 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang neo đậu tại các khu vực đầm phá của Hải Sâm. Phát ngôn viên quân đội Philippines, thiếu tướng Restituto Padilla, cho biết họ đang kiểm tra xem tàu Trung Quốc có ý định hiện diện lâu dài ở bãi Hải Sâm hay không.
Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc cũng được phát hiện đang di chuyển xung quanh bãi Cỏ Mây (Second Thomas) do Philippines kiểm soát. Đầu tháng 2 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc quấy rối tàu BRP Laguna của Philippines gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa.
Tháng 4/2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa củaPhilippines sau vụ tàu hải quân Philippines bắt giữ những ngư dân Trung Quốc săn trộm cá. Bãi cạn này cũng là một ngư trường truyền thống của ngư dân trong vùng.
Trong những tháng gần đây, tàu thuyền đánh cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của các tàu hải giám đã thâm nhập sâu vào các vùng đánh cá truyền thống của các nước ven Biển Đông. Hành động này nằm trong chủ trương tạo ra các khu vực đánh cá mới thông qua hành động lấn biển và mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế tại Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc chủ trương mở rộng việc đánh cá, xử lý cá tại các ngư trường ở Trường Sa.
Tình trạng ô nhiễm ở các vùng nước ven bờ của Trung Quốc đã đẩy ngư dân Trung Quốc ngày càng đánh bắt xa bờ và thường xuyên xâm phạm lãnh hải của các nước láng giềng. Năm 1985, gần 90% việc đánh bắt cá là ở ven bờ, nhưng đến năm 2002, con số dưới 65%, vì vậy tỉ lệ đánh bắt xa bờ tiếp tục tăng. Báo cáo nông nghiệp năm 2015 của cơ quan quản lý ngư nghiệp Trung Quốc kêu gọi tăng cường hoạt động sản xuất cá hơn nữa với mục tiêu đạt 73 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020 và 77 triệu tấn vào năm 2024, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu ở mức 5.4 triệu tấn vào năm 2024.
Các hoạt động đánh cá quy mô lớn của Trung Quốc đang làm cạn kiệt nguồn cá Biển Đông. Bản đồ của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) về thực trạng của các ngư trường cá ở Biển Đông cho thấy, vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ và quanh đảo Hải Nam và ngoài khơi miền trung Việt Nam nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa đều đã bị đánh bắt cá cạn kiệt hoặc đánh bắt quá mức. Chỉ còn các ngư trường ở gần Philippines và ngoài khơi Malaysia là còn có cá.
Một số ngư dân Philippines cho biết, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành việc san lấp tôn tạo 7 điểm đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá gần bờ và thu hoạch các loại cá nhỏ. Các tàu cá Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Rồi đây, khi các bãi đỗ trực thăng được Trung Quốc xây dựng rải rác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đi vào hoạt động, máy bay trực thăng của Trung Quốc chỉ trong 2 tiếng đồng hồ có thể tiếp cận bất cứ địa điểm nào ở các vùng biển này để hỗ trợ cho các tàu thuyền của Trung Quốc đánh bắt cá và khai thác hải sản phi pháp, phục vụ cho cơn khát hải sản của người Trung Quốc. Ngư dân thu nhập được hơn 50% so với người nông dân, và năm 2010, Trung Quốc trợ cấp 4 tỷ USD cho ngành đánh bắt hải sản của nước này.
Trước tham vọng và thủ đoạn mới của Trung Quốc mở rộng kiểm soát các ngư trường Biển Đông, các nước ven bờ, trong đó có Việt Nam, nâng cao năng lực chấp pháp, đồng thời hiện đại hóa nghề cá và khai thác hải sản. Bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân tác nghiệp tại các ngư trường truyền thống là một nhiệm vụ làm cấp bách./.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment