A29 là nhà máy phòng không duy nhất ở phía Nam của Quân chủng phòng không - không quân, nhận nhiệm vụ sửa chữa tổng hợp vũ khí, khí tài phòng không như rađa, tên lửa, pháo, các loại xe...
Nhóm kỹ sư, kỹ thuật viên kiểm tra lại hệ thống ngòi nổ của đạn tên lửa sau khi sửa chữa xong - Ảnh: My Lăng
Thợ và kỹ thuật viên của nhà máy chiếm 70%, là lực lượng chủ đạo, tay nghề vững, trình độ chuyên môn sâu, đã tự lập, không phải nhờ đến chi viện của cấp trên nhiều như trước. Khi mới thành lập, nhà máy chuyên sửa chữa những vũ khí khí tài đã lỗi thời, lạc hậu, hỏng hóc nặng, nhưng đến nay nhiều vũ khí mới nhà máy vẫn sửa chữa được, Đại tá
Phan Anh Tuấn cho biết.
A29 là nhà máy trẻ nhất trong Quân chủng phòng không - không quân. Đại tá Phan Anh Tuấn, phó giám đốc nhà máy, cho biết A29 thành lập năm 1993, biên chế ít nhất (chỉ khoảng 70% so với các nhà máy khác) nhưng đảm nhận nhiệm vụ sửa chữa cho các đơn vị phòng không cả khu vực phía Nam, ở đất liền lẫn biển đảo và các đơn vị khác trên địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9.
Cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên của nhà máy vừa có thể sửa chữa tại đơn vị, vừa có thể cơ động sửa chữa ở các đơn vị chiến đấu khi có lệnh.
Lĩnh vực khó
Đại tá Phan Anh Tuấn cho biết ở Nga người ta xếp loại những ngành khoa học kỹ thuật khó nhất là vũ trụ rồi đến tàu ngầm, tên lửa và cuối cùng là máy bay. Nhà máy A29 đã đảm nhận việc sửa chữa cho một trong bốn lĩnh vực khó nhất ấy, cùng với việc sửa chữa nhiều loại vũ khí khí tài phòng không như rađa, các loại pháo tự hành, pháo dẫn đường, các loại xe khí tài đặc chủng...
“Ở nhà máy có nhiều phân xưởng, mỗi phân xưởng là một lĩnh vực, một ngành kỹ thuật công nghệ, đều có độ khó riêng. Tính kỷ luật của mỗi ngành rất cao. Sửa chữa tên lửa hay rađa, pháo... đều đòi hỏi chất xám, sự thông minh, nhanh nhạy. Càng nhiều công nghệ tổng hợp bên trong thì càng khó. Vũ khí khí tài ngày càng hiện đại. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhà máy đã mua về một số thiết bị công nghệ hiện đại của nước ngoài nhằm phục vụ việc sửa chữa các loại vũ khí khí tài mới”, đại tá Phan Anh Tuấn nói.
Ở “bệnh viện” sửa chữa tên lửa, pháo, rađa... cho Quân chủng phòng không - không quân phía Nam này, khi đến các phân xưởng, nếu không nhìn bảng tên từng khu vực, thật khó để nhận biết đâu là nơi sửa chữa rađa, tên lửa, pháo..., bởi tất cả khi đưa về nhà máy đều được tháo rời để kiểm tra, tẩy rửa, lắp ráp... Các phân xưởng của nhà máy nằm riêng biệt trong những nhà cao, rộng.
Tại phân xưởng rađa, trong khi một nhóm kỹ thuật viên đang tập trung lắp ráp từng khối đơn khí tài rađa thì một nhóm khác cặm cụi sửa chữa hệ thống dây cáp của rađa trang bị cho hệ thống tên lửa phòng không.
Thượng úy Mai Văn Ba, phó quản đốc phân xưởng rađa, cho biết: “Qua nhiều năm sử dụng, các linh kiện trong khí tài bị hỏng hóc. Về đây được kỹ sư, thợ máy dùng các phương tiện đo để kiểm tra tất cả linh kiện trong khí tài còn tốt hay không, cái nào không dùng được sẽ thay thế để đảm bảo sức chiến đấu của vũ khí khí tài”.
Cũng như phân xưởng rađa, ở tất cả các phân xưởng khác trong nhà máy, khi vũ khí khí tài đưa về đây sửa chữa, bảo dưỡng phải tháo dỡ, phân loại hỏng hóc, tẩy rửa bụi bẩn. Sửa xong sơn lại, lắp ráp, đo khô, sửa chữa cơ khí, hiệu chỉnh đơn (điều chỉnh đưa về các tham số chuẩn), đưa lên xe tổng lắp hiệu chỉnh cho đồng bộ các xe với nhau.
Tuy nhiên, việc sửa chữa nghe đơn giản vậy nhưng rất khó khăn.
"Trẻ hóa" những vũ khí “già nua”
Thiếu tá chuyên nghiệp Vũ Mạnh Cường, phân xưởng đài điều khiển bệ phóng tên lửa, cho biết: “Khi khí tài về đây, nhiều loại “già”, rã hết. Có những vật tư khôi khục được nhưng có những linh kiện, chi tiết đã “nát” không thể dùng được nữa, bắt buộc phải có linh kiện thay thế để sửa chữa. Nhưng những vật tư này vô cùng khan hiếm. Có những vật tư không thể tìm mua được trên thị trường như rơle phân cực”.
Thế nên, để sửa chữa, đảm bảo cho khí tài có thể làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, kỹ sư, kỹ thuật viên phải phát huy tối đa khả năng, trí tuệ của mình để tìm ra những phương án xử lý. Có những cái phải gia công lại.
Kỹ sư và đội ngũ kỹ thuật của Nhà máy A29 đã có nhiều sáng kiến để xử lý những khó khăn, thiếu hụt, khan hiếm về nguồn vật tư thay thế. Nhiều linh kiện bây giờ không còn phải mua của nước ngoài như trước.
Tên lửa, xe ăngten, xe thu phát tín hiệu rađa... có những modul liên quan đến cơ khí chính xác, đến nay nhà máy không còn phải gửi ra nước ngoài sửa chữa, chi phí rất cao và mất nhiều thời gian, quy trình vận chuyển phức tạp... Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và thợ của Nhà máy A29 đã có khả năng tự lực cánh sinh, tự làm.
Không chỉ sửa chữa tại nhà máy, A29 còn thường xuyên điều kỹ sư, kỹ thuật viên và thợ cơ động đến các đơn vị của phòng không ở khu vực phía Nam, kể cả biển đảo, nhà giàn DK1... để sửa chữa.
Đại tá Phan Anh Tuấn cho biết khó khăn lớn nhất là vật tư thay thế vì hiện nay Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nước ngoài. Kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực vũ khí khí tài quân sự hiện nay rất hiện đại và mới đưa vào sử dụng, đòi hỏi người làm kỹ thuật phải có trình độ rất cao, gần như luôn phải “chạy” theo kiến thức để nắm vững, hiểu rõ và sửa được nó. Có những thứ như hộp đen, tài liệu không có, đội ngũ kỹ thuật của nhà máy phải tự lần mò.
Đại tá Tuấn khẳng định: “Mỗi năm nhà máy tiếp nhận hàng chục kỹ sư trẻ tốt nghiệp từ Học viện Kỹ thuật quân sự, đã qua đào tạo chuyển loại. Hướng đi của nhà máy là nâng cao năng lực công nghệ sửa chữa vũ khí phòng không thế hệ cũ và mới, đang triển khai giai đoạn 1, quy hoạch lại công nghệ theo hướng như nước ngoài đang làm: tinh giản tối đa nhưng sửa chữa được các loại vũ khí khí tài”.
Cái tâm với công việc
Thượng úy Mai Văn Bá, phó quản đốc phân xưởng rađa, cho biết có lúc yêu cầu phải sửa chữa theo đúng tiến độ mà hỏng hóc của vũ khí khí tài quá lớn, vật tư lại khan thiếu, anh em căng đầu căng óc. Theo thượng úy Bá, sửa chữa vũ khí khí tài quân sự không như sửa một chiếc xe, cái tivi đơn thuần, vì nó liên quan đến khả năng chiến đấu của vũ khí, của đơn vị, hàm lượng chất xám dành cho nó rất lớn.
“Phải có cả cái tâm ở trong công việc để làm sao khi đưa về cho đơn vị, vũ khí khí tài sửa phải là tốt nhất. Anh em sửa chữa rađa, sóng cao tần, sóng điện từ... cứ ngày qua ngày ít nhiều đều bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi hiệu chỉnh, tiếng kêu của các linh kiện, các loại máy lên đến 40Hz rất ồn, re ré bên tai, không phải một vài tiếng đồng hồ là hết, có lúc mấy tháng ròng mới hiệu chỉnh xong. Đầu óc thì căng thẳng lại còn ồn ào. Không say nghề, không trách nhiệm thì không thể làm tốt được” - thượng úy Bá nói.
MY LĂNG
Báo Tuổi Trẻ
Comments[ 0 ]
Post a Comment