Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định hợp tác an ninh biển Việt - Mỹ vẫn được tiếp nối dưới chính quyền Tổng thống Trump.
Tàu tuần tra lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao cho Việt Nam vào tháng trước
Ông Osius trao đổi với VnExpress về định hướng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức Mỹ tháng trước.
- Đại sứ đánh giá gì về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc?
- Đó là một chuyến thăm rất thành công, được chuẩn bị tốt và thực hiện tốt. Mặc dù chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump gửi thư mời, nhưng thực ra chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị từ trước đó rất lâu.
Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã đến Washington DC để trao đổi với chúng tôi, vạch rõ những yếu tố nào là thực chất trong chuyến thăm. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nỗ lực tiếp cận chính quyền mới của Tổng thống Trump ngay từ tháng 12 năm ngoái, có thể là vào tháng 11, sau khi ông Trump đắc cử.
Việc Thủ tướng Việt Nam là lãnh đạo đầu tiên trong ASEAN đến thăm Mỹ là điều khá thích đáng. Việt Nam là nước rất quan trọng về mặt chiến lược ở Đông Nam Á, chúng ta đã phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong những năm gần đây.
So với chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một sự tiếp nối những gì Việt - Mỹ đang xúc tiến hợp tác. Hai bên đã cam kết tiếp tục tăng cường để bảo đảm hoà bình trong khu vực, nhấn mạnh đến hợp tác về thương mại, môi trường, y tế, trao đổi giáo dục, gìn giữ hoà bình từ năm 2013, khi Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Những dấu mốc này cho thấy một sự tiếp diễn hơn là một sự thay đổi trong quan hệ hai nước. Đó là trạng thái tự nhiên của mối quan hệ Đối tác toàn diện.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump có thăm chính thức Việt Nam khi đến dự APEC vào cuối năm nay không thưa ông?
- Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh việc Việt Nam mời ông đến dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tuyên bố chung khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến thăm.
Việc thực hiện chuyến thăm song phương và đa phương cùng lúc có thể diễn ra, nhưng không nhất thiết phải đến nhiều thành phố để có các nhân tố này.
Tôi cho rằng điều thực sự có ý nghĩa ở đây là Tổng thống Trump cam kết đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Tôi trông đợi có cả yếu tố song phương và đa phương trong dịp này. Vẫn còn quá sớm để nói chính xác Tổng thống Mỹ sẽ thăm chính thức Việt Nam hay không, nhưng ông ấy sẽ đến đây vào tháng 11.
- Trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên trọng tải cao, điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Chúng tôi có thể thực hiện việc chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam sau khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam năm ngoái. Tàu sẽ đến Việt Nam trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã bàn giao cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra hôm 22/5. Chúng tôi dự kiến có 4 lần bàn giao, mỗi lần có 6 xuồng dành cho 4 Vùng Hải quân Việt Nam. Đợt thứ hai sẽ diễn ra sớm.
Washington hiện chưa kết thúc năm tài khoá 2017 và vẫn đang bàn ngân sách cho 2018. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là trong Quốc hội Mỹ có sự ủng hộ về tăng hợp tác an ninh với Việt Nam. Điều cần quan tâm ở đây là Việt Nam cần gì và chúng tôi có thể hỗ trợ gì. Khi hai bên xác định điều đó, tôi tin là chúng ta có thể tìm ra cách để xúc tiến tiếp theo.
Tôi khẳng định chính quyền mới của Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng về nhịp độ hợp tác phù hợp với Việt Nam, không có gì là vội vàng cả. Đó là quan hệ lâu dài mà chúng ta cùng quan tâm.
Đại sứ Mỹ nói về cam kết của chính quyền mới về hỗ trợ an ninh cho Việt Nam
- Ông bình luận gì khi đến nay Tổng thống Trump vẫn chưa công bố chính sách thay thế khi chấm dứt chính sách Xoay trục châu Á?
- Không quá quan trọng việc Mỹ gọi tên chính sách là gì, thực tế chúng tôi có lợi ích cơ bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi có lãnh đạo mới lên nắm quyền, chính sách của Mỹ thường thay đổi, nhưng lợi ích vẫn khá là nhất quán ở khu vực này.
Ở Capitol Hill (Quốc hội Mỹ), khi tôi trao đổi với đại diện đảng Dân chủ hay Cộng hoà, tất cả đều tin rằng tương lai của Mỹ gắn chặt với tương lai châu Á. Mỹ sẽ tiếp tục can dự sâu ở khu vực này. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác ở châu Á trong những năm tới. Washington vẫn cam kết đảm bảo các đối tác có đủ năng lực để cùng bảo đảm tự do hàng hải, tự do hàng không và tuân thủ Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
- Chính sách của Mỹ là thế nào khi Trung Quốc đang dựng lên ở Biển Đông các cơ sở hạ tầng quân sự?
- Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, gồm cả Biển Đông. Đây là tuyến hàng hải chính trên thế giới, không ai có thể bị đe doạ hay bị bắt nạt, mọi nước phải tuân thủ theo luật quốc tế. Lợi ích của chúng ta là đảm bảo tự do trên biển và trên không. Mỹ có lợi ích sống còn trong bảo đảm tự do hàng hải, chúng tôi đã bảo vệ điều đó trong suốt lịch sử của mình.
Về vấn đề Trung Quốc quân sự hoá ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói rất rõ rằng việc này không mang lại lợi ích của nước nào, không vì hoà bình của khu vực. Tôi chưa rõ khi nào Mỹ sẽ có chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) tiếp theo nhưng tôi trông đợi Washington sẽ thực hiện trên cơ sở thường kỳ, như đã làm trước đây.
- Việt Nam và Mỹ sẽ hợp tác về thương mại ra sao sau khi Mỹ rút khỏi TPP?
- Hiện Mỹ là nước có thâm hụt thương mại với Việt Nam, do đó hai bên nhất trí bàn luận việc tìm ra giải pháp. Khi có thâm hụt thương mại thì có hai cách giải quyết, Việt Nam hoặc giảm xuất khẩu vào Mỹ hoặc nhập nhiều hàng từ Mỹ hơn để có thương mại cân bằng.
Tuy nhiên, giải pháp tăng nhập hàng Mỹ có lợi hơn là giảm xuất khẩu. Việt Nam có thể nhập các công nghệ về năng lượng sạch từ Mỹ, gồm công nghệ năng lượng gió, mặt trời. Như thế, Việt Nam vẫn có thể xuất hàng sang Mỹ và đa dạng hoá được nguồn năng lượng với chi phí thấp.
Về Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA), Việt - Mỹ hiện chưa bàn đến. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ vừa qua, ông và Tổng thống Trump đã bàn về TIFA (Thoả thuận khung đầu tư thương mại). Một số đại diện của văn phòng thương mại Mỹ sẽ đến Việt Nam trong tuần này để bàn bạc cụ thể hơn về vấn đề rào cản thương mại.
Theo Sứ quán Mỹ tại Hà Nội, sau khi Mỹ bàn giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam hôm 25/5, 86 thủy thủ của tàu CSB 8020 (tên mới của tàu sau khi được bàn giao cho Việt Nam) đang tham gia chương trình đào tạo tại Hawaii kéo dài đến tháng 11. Đây là tàu lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam.
Một Cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã được xây tại Vùng 2 và dự kiến sẽ có thêm các cơ sở như vậy cho các Vùng Cảnh sát biển khác.
Việt Anh
VnExpress
Comments[ 0 ]
Post a Comment