Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng chia sẻ rằng trong tiệc chiêu đãi ở Hà Nội, ông Trump đi từng bàn chúc rượu, hoàn toàn không khách sáo.Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam kết hợp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Nhân dịp này, Zing.vn có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Bàng, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam kết hợp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Nhân dịp này, Zing.vn có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Bàng, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ.
- Ông đánh giá như thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chuyến thăm diễn ra ngay trong năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump?
- Tôi đánh giá chuyến thăm này rất quan trọng và cũng rất có ý nghĩa. Đây là sự cố gắng rất lớn của cả 2 nước Việt Nam và Mỹ; có như vậy thì mới có chuyến thăm. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, tình hình châu Á - Thái Bình Dương, tình hình Đông Nam Á, hiện trạng kinh tế - an ninh thế giới có nhiều biến động rất khó lường, thì tôi nghĩ cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Việt Nam là rất quan trọng và rất cần thiết.
Việc ông Trump ra Hà Nội là một sự cố gắng lớn của phía Mỹ và tôi cho rằng tổng thống Mỹ đánh giá rất cao vai trò và vị trí của Việt Nam.
- Tôi nghe nói để dàn xếp một chuyến thăm như vậy thì Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phải rất vất vả. Với kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ về điều này không?
- Tôi nghĩ để có được chuyến thăm này thì không riêng gì Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ mà đó là sự cùng cố gắng của cả hai nước, đặc biệt là phía chính phủ ta. Tôi biết là khi ông Trump bắt đầu vào Nhà Trắng thì phía Bộ Ngoại giao đã có những hoạt động mạnh mẽ trong việc tiếp cận tân tổng thống Mỹ. Nhờ những nỗ lực của Bộ Ngoại giao mà sau đó chúng ta có cuộc điện đàm giữa Thủ tướng và ông Trump, rồi tổng thống Mỹ mời Thủ tướng sang thăm vào tháng 5 trong lúc chưa có nước ASEAN nào có lãnh đạo đi thăm Mỹ.
Điều này cho thấy những sáng kiến, hoạt động tích cực cũng như quyết tâm của phía Việt Nam trong việc tiếp cận và xây dựng quan hệ với chính quyền mới tại Washington. Đương nhiên cũng phải nhìn thấy ở chiều ngược lại, đó là Mỹ cũng cho rằng Việt Nam quan trọng và Mỹ phải gặp, phải tiếp chúng ta, từ đó mới có các cuộc gặp giữa hai bên. Và có thể nói trong quá trình dàn xếp này thì đại sứ ta tại Mỹ là một người rất tích cực ở giữa làm cầu nối.
- Là đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ những ngày đầu hai nước mới thiết lập quan hệ, ông nhận thấy quan hệ song phương đã thay đổi như thế nào sau 22 năm?
- Với mỗi nước tôi nghĩ sẽ có những lưu ý riêng. Đối với Việt Nam, đó là quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ phát triển quá nhanh, vượt bậc. Tôi biết thương mại song phương giờ đã gần 50 tỷ USD (số liệu từ Tổng cục Hải Quan là 47,15 tỷ USD - PV) và Việt Nam coi Mỹ là thị trường rất lớn cho hàng hóa Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng và ý nghĩa vô cùng với Việt Nam vì chúng ta cần có quan hệ kinh tế với Mỹ. Ngoài ra, khi những nước khác nhìn thấy điều này thì họ cũng được kích thích và muốn đầu tư vào Việt Nam.
Đối với Mỹ thì họ có những quan tâm riêng và những ưu tiên của họ. Việt Nam đóng vai trò trong việc giúp Mỹ duy trì sự có mặt tại châu Á, Đông Nam Á, làm thế nào để bảo đảm sự hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực.
Hôm qua tôi có dự tiệc chiêu đãi ông Trump và tôi nghe ông ấy nói một từ mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ từ lãnh đạo Mỹ. Ông Trump nói Việt Nam có thể là một “great miracle” (điều thần kỳ vĩ đại). Đây là lần đầu tiên tôi nghe một tổng thống Mỹ nói như vậy về Việt Nam.
- Ông đánh giá Tổng thống Trump là một người như thế nào?
- Trong buổi tiệc thì tôi cũng có để ý theo dõi những cử chỉ, lời nói của tổng thống Mỹ. Tôi thấy ông ấy rất là quần chúng, rất gần gũi. Ông bày tỏ sự cảm thông với người dân miền Trung chịu thiệt hại do bão Damrey, hy vọng người dân cố gắng vượt qua, cố gắng khắc phục hậu quả. Tôi nghĩ đây là những điều xuất phát từ thực tâm ông ấy, là ông tự nói thôi chứ cũng không có phát biểu soạn sẵn ra giấy.
Ông Trump cũng đánh giá những năm gần đây Việt Nam phát triển thuộc hàng bậc nhất châu Á, trở thành tấm gương cho các nước, và mong muốn quan hệ hai nước trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ. Sau đó, ông đi tới tất cả các bàn chúc rượu mọi người. Tôi từng tham dự nhiều cuộc chiêu đãi cấp cao như thế này và chưa thấy tổng thống nào đi từng bàn một chúc rượu cả.
Tôi cũng rất vinh dự khi ông ấy đến bắt tay và tôi có dịp chào hỏi. Khi tôi giới thiệu tôi là đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, ông ấy nói cảm ơn vì đã hỗ trợ cho quan hệ 2 nước. Chỉ vài câu thôi nhưng tôi cảm thấy rất thân tình. Qua buổi tiệc, tôi thấy ông Trump là một người dân dã, gần gũi, không có lễ tân khách sáo gì cả.
Tổng thống Trump tản bộ cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau cuộc họp báo tại Phủ Chủ tịch sáng 12/11. Ảnh: Hoàng Hà.
- So với những tổng thống Mỹ trước đây mà ông từng tiếp xúc, ông Trump có những điểm gì khác?- Những cái khác của ông ấy đã thể hiện từ lúc tranh cử. Ông ấy có nói rằng từ khi mình lên nắm quyền thì nền kinh tế Mỹ rất phát triển, thị trường chứng khoán sôi động hơn, công ăn việc làm gia tăng. Đó là những suy nghĩ thật của ông ấy. Thứ hai, ông nói rằng việc Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn như thế này không thể tiếp tục được mà phải làm sao để công bằng hơn. Trump nói ông mong muốn giao thương với tất cả các nước nhưng cũng muốn có qua có lại trong làm ăn kinh tế. Tôi nghĩ đó cũng là điều thực tế thôi.Tôi ngồi cạnh Đại diện Thương mại Mỹ. Ông này có nói rằng hôm nay ông nghe thấy đại biểu quốc hội Việt Nam nói không muốn VN bị thâm hụt thương mại quá nhiều, thâm hụt ngân sách. Ông ấy bảo rằng ở nước tôi chỉ có Tổng thống Trump lên mới nói như vậy chứ các tổng thống khác không nói.- Chắc hẳn Đại diện Thương mại Mỹ cũng biết Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại với Việt Nam?- Tôi có hỏi rằng nếu bây giờ Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn như vậy thì hiệp định thương mại với các nước làm sao đàm phán được. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ mà tôi hỗ trợ thương lượng phải mất 6 năm mới hoàn thành. Tôi biết Mỹ đang thương lượng với Mexico, Canada rồi Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng làm sao có thể tiến hành với tất cả các nước được. Ông ấy có bảo rằng đúng là khó nhưng Mỹ sẽ không thương lượng hết với tất cả các nước mà chỉ với một số nước rất cần thiết, nhưng Mỹ đề ra nguyên tắc thương mại phải bình đẳng, công bằng và tất cả các nước phải đáp ứng như vậy.Khi tôi hỏi đến Việt Nam thì ông ấy trả lời rằng Việt Nam là nước mà Mỹ quan tâm ở những khía cạnh quan trọng khác, đó là vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và Việt Nam rất quan trọng với Mỹ trong những vấn đề này. Còn vấn đề thâm hụt thương mại với Việt Nam thì cũng không đến mức độ như với những nước khác. Do đó, tôi cho rằng vấn đề thâm hụt thương mại sẽ không phải là rào cản trong quan hệ Việt – Mỹ.- Vậy còn chủ trương "Nước Mỹ trên hết" mà Tổng thống Trump đưa ra? Chúng ta có nên lo lắng không thưa ông?- Bây giờ mọi người nói đến toàn cầu hóa, nói đến hội nhập, nói đến đa phương nhiều hơn trong khi Mỹ lại đi ngược lại. Có thể như tổng thống Philippines nói là người Mỹ có lẽ đang cảm thấy thua thiệt một phần nào đó trong tiến trình toàn cầu hóa này nên có thể thông cảm cho họ. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng có thể điều này chỉ diễn ra nhất thời trong giai đoạn này, còn trong tương lai, hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là dòng chảy chính, chứ không thể khác được.
MỸ SẼ KHÔNG ĐỂ CÁC NƯỚC THỐNG TRỊ KHU VỰC- Trong quan hệ Việt Nam với Mỹ có một yếu tố không thể nhắc tới đó là Trung Quốc. Ông nhìn nhận thế nào về tình hình hiện nay?- Mối quan hệ tay ba này rất phức tạp. Quan điểm của tôi là chúng ta phải quan hệ tốt với cả 2 nước. Nếu quan hệ tốt với Trung Quốc, chúng ta có thể quan hệ tốt vớ Mỹ, và ngược lại, nếu quan hệ tốt với Mỹ, chúng ta sẽ có thể quan hệ tốt với Trung Quốc. Và chúng ta đã làm rất tốt trong ngày hôm qua (12/11). Chưa bao giờ lãnh đạo 2 nước lớn này cùng thăm nước ta trong một ngày như vậy.- Ông có theo dõi phát biểu của ông Trump tại sự kiện APEC ở Đà Nẵng không? Phát biểu về một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở"...- Tôi có theo dõi và tôi nghĩ phát biểu của ông Trump đã nói lên được quan điểm của Mỹ là muốn có hòa bình, ổn định ở cả một khu vực rộng lớn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy cho điều này. Ông cũng có nói về APEC, về hội nghị Đông Á mà ông sẽ dự, rồi nói về ASEAN, từng nước một, Thái Lan thế nào, Singapore ra sao, đều là nhận xét tích cực cả.Quan điểm của ông Trump là nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hiện diện tại Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương, nước Mỹ không thể rút lui được. Mỹ vẫn sẽ tích cực can dự tại khu vực và sẽ không để các nước thống trị khu vực mà không có Mỹ.Thứ hai, ông Trump cũng nói sẽ tiếp tục mối quan hệ với các nước, các đồng minh, đối tác trên bình diện song phương. Đây là chiến lược của những chính quyền Cộng hòa trước đây ở Mỹ, coi quan hệ song phương quan trọng còn đa phương thì ở mức độ vừa phải. Ông Trump lặp lại những điều này, về cơ bản tôi nghĩ cũng giống như trước. Vấn đề cốt lõi là quyền lợi của Mỹ tại khu vực không thể nào mai một được, đấy là cái mà ông Trump muốn nói.- Tức là về cơ bản, những gì ông Trump nói về chiến lược châu Á đều không mới?- Có thể là khi áp dụng vào thực tế thì Mỹ sẽ có những hoạt động cụ thể mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản… Hoặc là hải quân Mỹ dưới thời Trump sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn. Như chúng ta thấy thì 3 tàu sân bay Mỹ đang ở tại Tây Thái Bình Dương, điều chưa từng xảy ra thời các chính quyền Dân chủ.Chúng ta cũng đã thấy những chuyến “FONOP” (viết tắt của "freedom of navigation operation", tức "hoạt động tự do hàng hải" - PV) trên Biển Đông của tàu chiến Mỹ cũng dày đặc hơn trong thời gian qua, thậm chí tương lai Mỹ có thể đưa tàu sân bay cập cảng Việt Nam. Tôi có cảm giác hành động thực tế của Mỹ thời Trump tương đối tích cực và mạnh mẽ hơn nhưng suy cho cùng cũng là vì lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Ông Lê Văn Bàng (phải)cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên máy bay tại sân bay Nội Bài, chuẩn bị khởi hành thăm Mỹ vào tháng 6/2005. Ảnh: AFP/Getty.
CÂU CHUYỆN 'CHIẾC MẠNG NHỆN'- Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ từ thời ông làm đại sứ đến nay, cá nhân ông có những kỳ vọng gì chưa thành hiện thực không?- Tôi có rất nhiều kỳ vọng nhưng để nói ngắn gọn thì tôi rất kỳ vọng vào đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Tôi đã kỳ vọng từ khi có hiệp định thương mại giữa 2 nước cho đến khi có tất cả những chuyện hợp tác sau này. Tôi nhớ khi ông Ted Osius đến đây 3 năm trước, ông ấy có nói rằng rất hy vọng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhưng bây giờ Mỹ hình như vẫn đang đứng thứ 7, còn kém Singapore với Hàn Quốc rất nhiều. Nhưng mà biết đâu được, vì cũng đang có những dự án lớn như dự án dầu khí của Exxon Mobil. Nếu chúng được triển khai và hoàn thành thì Mỹ có thể vươn lên top 3, top 4 về đầu tư tại Việt Nam.Tuy nhiên, nói cho công bằng thì so với thời tôi làm đại sứ, rõ ràng quan hệ song phương đã được cải thiện hơn rất nhiều. Giờ đây Việt Nam đã có đầu tư ngược lại sang Mỹ, nghe đâu là khoảng nửa tỷ USD, hồi tôi làm đại sứ thì chưa thể nghĩ tới những chuyện này.- Ông có hay chia sẻ kinh nghiệm với những đại sứ Việt Nam tại Mỹ sau ông không?- Tôi cũng có nói chuyện với những đại sứ sau này sang Mỹ, thường là trước khi các anh ấy đi. Hôm qua anh Vinh (Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh - PV) về thì tôi cũng có gặp và nói chuyện, cũng có chia sẻ nhiều điều với nhau.Một trong những kinh nghiệm mà tôi hay chia sẻ với các đại sứ là như thế này: Chúng ta ở Mỹ, anh hãy tưởng tượng nó như một cái mạng nhện và chúng ta ở giữa. Chúng ta sẽ có những cái vòng xung quanh: vòng một, vòng vòng vòng ba, vòng bốn… và có những đường ra. Đó là cách mà chúng ta phải quan hệ với Mỹ, trong đó có những chuyện: Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, tiếp đến là các doanh nghiệp, hội cựu binh, các tổ chức phi chính phủ, rồi báo chí… Tất cả trong cái mạng lưới này thì chúng ta đều phải có quan hệ, làm thế nào để chúng ta ở giữa mà vẫn tiếp cận được hết những nơi như thế.Tôi ở Mỹ 9 năm thì có thể làm được đôi điều nhưng nếu nhiệm kỳ 3 năm thì cũng có thể là khó. Dựa vào kinh nghiệm của người đi trước thì cũng có thể làm được và chỉ khi làm như vậy chúng ta mới có thể thành công mà thôi.- Những người đi đầu thường là những người vất vả nhất, ông có kỷ niệm nào có thể chia sẻ về thời gian giữ chức đại sứ?- Tôi chỉ xin kể chuyện này: Năm 2000, khi đó hiệp định thương mại Việt - Mỹ chưa ký được. Chúng ta muốn thay đổi một điều khoản dù trước đó đã có ký nguyên tắc rồi. Tôi rất lo vì Hà Nội yêu cầu tôi đến gặp đại diện thương mại Mỹ để bàn bạc chuyện này, mà phía Mỹ đã ký rồi thì rất là khó yêu cầu thay đổi.Khi tôi đến gặp vị Đại diện Thương mại thì vị này nói rằng mọi thứ “ván đã đóng thuyền” rồi nhưng nếu ông muốn thay đổi thì nguyên tắc của chúng tôi là nếu ông muốn thay chỗ này thì tôi sẽ đổi chỗ khác, liệu tôi có chấp nhận không. Tôi bảo chúng tôi chấp nhận vì chúng tôi muốn chỗ này còn những chỗ khác thì phía Mỹ đề nghị xem thế nào. Cuối cùng bà ấy chấp nhận thay đổi của mình và ta cũng đồng ý với những yêu cầu của họ. Đến tháng 7 năm đó thì ta ký được hiệp định này. Tôi như gỡ được nút thắt trong lòng.
Theo website Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng sinh ngày 30/6/1947 tại tỉnh Ninh Bình. Ông từng giữ các chức vụ sau:
2002 - 2007: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
2/1997 - 6/2001: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Mỹ;
8/1995 - 2/1997: Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ;
2/1995 - 8/1995: Giám đốc Văn phòng liên lạc Việt Nam tại Mỹ;
1/1993 - 1/1995: Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc;
1990 - 1992: Phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao;
1986 - 1990: Công tác tại Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao;
1982 - 1986: Bí thư Thứ Ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.
Vũ Mạnh (thực hiện)
news.zing.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment