Giữ khí tiết, vua tôi Hậu Trần không thành công cũng thể thành nhân
Thursday, June 1, 2017
Mặc dù quan điểm của giới sử các đời có khác biệt, nhưng hầu hết đều bày tỏ sự thương tiếc, nể phục ý chí của Trùng Quang đế và các tướng sĩ Hậu Trần. Vua tôi Trùng Quang nhà Hậu Trần không chấp nhận sự dày vò trong tay giặc mà chọn cho mình một cái chết trong danh dự. Điều này hoàn toàn khác với cha con nhà Hồ Quý Ly đã chấp nhận trông chờ vào sự xót thương của giặc.
Trận chiến Sái Già có thể coi là trận chiến quy mô lớn cuối cùng mà quân Hậu Trần có thể làm được để chống quân Minh. Sau trận này, quan tướng Hậu Trần phải phân tán trong núi rừng tây Thuận Châu để trốn tránh sự truy lùng của giặc. Đến đầu năm 1414, quân Minh đã tràn ngập khắp đất Thuận Hóa, chia nhau lùng bắt Trùng Quang đế và quân tướng nhà Hậu Trần.
Bấy giờ vua tôi thất lạc, nhiều binh sĩ Hậu Trần không tìm được đội ngũ, mạnh ai nấy tìm chốn nương thân. Hai tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị cố tìm được nhau, đóng quân tại núi Côn Truyền để tập họp lại lực lượng. Trương Phụ dẫn quân chia đường tấn công vào núi. Đặng Dung cho tượng binh đi đầu, cùng các tướng sĩ từ trên núi đánh xuống. Quân Minh từ dưới núi bắn cung nỏ lên như mưa, tượng binh của quân ta phải chùn bước. Kế đó kỵ binh quân Minh đông như kiến đánh lên, quân Hậu Trần lại tan vỡ, nhiều tướng lĩnh tử trận. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị mở đường máu thoát khỏi vòng vây, bên mình chỉ còn hơn 700 quân bản bộ trung thành. Dung và Dị bàn nhau rút sang nước Tiêm La (Sukhotai – nay thuộc Thái Lan) để tránh tạm.
Nhưng chẳng mấy chốc truy binh của giặc đã đuổi theo kịp hai ông, tổ chức vây bắt. Hai tướng Hậu Trần cùng binh sĩ ra sức đánh giết giặc rất nhiều, nhưng rồi cũng sức cùng lực kiệt trước số lượng áp đảo hoàn toàn của quân Minh. Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đều sa lưới quân Minh. Khi giải đến doanh trại của Trương Phụ, Nguyễn Cảnh Dị lập tức mắng vào mặt Phụ : “Tao định giết mày, lại bị mày bắt”. Sau đó ông không ngớt lời chửi rủa thậm tệ. Trương Phụ tức giận không đợi giải về Nguyễn Cảnh Dị về nước Minh, mà giết ông ngay tại chỗ, lại moi gan ăn. Nguyễn Cảnh Dị là một trong những danh tướng hàng đầu của nhà Hậu Trần, đến lúc sa cơ, ông buông lời thoái mạ là cố ý muốn cho giặc giết mình ngay, không muốn sống trong sự giam cầm của giặc.
Về phần Nguyễn Súy sau khi từ mặt trận Sái Già rút quân về núi, lại rút về phía nam chạy sang hướng các nước Chiêm Thành, Chân Lạp. Ông cũng không thoát khỏi sự truy lùng của quân Minh. Tại châu Minh Linh bấy giờ thuộc quyền của nước Chiêm Thành, Nguyễn Súy sa lưới giặc. Vua Trùng Quang đế cùng đoàn tùy tùng chạy sang đất Ai Lao, giặc đuổi theo ráo riết, cuối cùng bắt được Trùng Quang tại sách Cập Môn (Khăm Muội, Lào ngày nay). Trương Phụ sai giải Trùng Quang đế, Nguyễn Súy, Đặng Dung cùng các tướng Hậu Trần khác về nước Minh xử trí. Trên thuyền sang Yên Kinh nước Minh, vua Trùng Quang đế nhảy xuống biển tự vẫn. Đặng Dung cũng nhảy theo vua cùng chết. Nguyễn Súy thì không chết theo vua ngay, mà tìm cách gạ gẫm viên quan áp giải chơi cờ với mình. Trong lúc đánh cờ, Súy lấy bàn cờ đập viên quan áp giải nước Minh một phát chết tươi, rồi mới nhảy xuống biển tự vẫn.
Nhà Hậu Trần bắt đầu từ vua Giản Định đế dựng cờ khởi nghĩa năm 1407 đến khi vua Trùng Quang bị giặc bắt đầu năm 1414, tổng cộng được 7 năm. Đây cũng là quãng thời gian mà người Việt từ vua đến dân chinh chiến không ngừng để mong đánh đuổi giặc Minh. Các bộ sử xưa coi nhà Hậu Trần là một triều đại nối tiếp sau nhà Hồ, cũng là vẫn công nhận sự tồn tại của nước Đại Việt sau khi giặc Minh đánh bại họ Hồ. Chỉ sau khi Trùng Quang đế thất bại mới tính vào kỷ thuộc Minh. Riêng các sách sử hiện đại lại chỉ coi nhà Hậu Trần là một phong trào khởi nghĩa lớn, còn kỳ thuộc Minh tính từ khi nhà Hồ kháng chiến thất bại.
Cả hai trường phái nhìn nhận này điều đó lý lẽ riêng của mình. Công nhận nhà Hậu Trần là một triều đại phong kiến chính thức trong lịch sử Việt Nam là vì vua Hậu Trần thực sự là vua danh chính ngôn thuận được hầu hết nhân dân cả nước thời đó tin theo, và thực tế đã duy trì chủ quyền thường xuyên trên một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào, nhiều lúc kiểm soát cả những vùng lớn thuộc đồng bằng sông Hồng. Không công nhận nhà Hậu Trần là vì quân Hậu Trần chưa bao giờ chiếm được thành Đông Quan – thủ phủ của nước Đại Việt, cũng như chưa hề đánh đổ được ách đô hộ mà quân Minh đã thiết lập từ sau cuộc chiến Minh – Đại Ngu (1406 – 1407).
Mặc dù quan điểm của giới sử các đời có khác biệt, nhưng hầu hết đều bày tỏ sự thương tiếc, nể phục ý chí của Trùng Quang đế và các tướng sĩ Hậu Trần. Vua tôi Trùng Quang nhà Hậu Trần không chấp nhận sự dày vò trong tay giặc mà chọn cho mình một cái chết trong danh dự. Điều này hoàn toàn khác với cha con nhà Hồ Quý Ly đã chấp nhận trông chờ vào sự xót thương của giặc. Tuy thất bại, nhưng thanh danh của Trùng Quang đế và các danh tướng Hậu Trần luôn mãi rực sáng với sử xanh, được nhiều thế hệ người Việt tôn thờ. Đặc biệt ngoài sự tôn kính và biết ơn, sử sách còn dành cho vua tôi Trùng Quang đế lòng thương cảm sâu sắc vì ý chí vượt qua nghịch cảnh của họ, vì một sự nghiệp khôi phục sơn hà.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên đã có những dòng đầy thương tiếc khi bắt đầu chép đến thời kỳ vua Trùng Quang: “Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục. Nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết. Thương thay!”
Khi Ngô Sĩ Liên chép xong những dòng cuối cùng về nhà Hậu Trần, sử gia lại tiếp tục có những nhận xét đầy tiếc nối và cảm thông: “Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh !Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết để cùng mất với nước, thực đúng là "quốc quân chết vì xã tắc". Các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả.”
Khen ngợi chí khí của các bậc anh hùng nhà Hậu Trần rồi, Ngô Sĩ Liên cũng không quên chê trách những kẻ phản thần: “ … Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi. Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta(tức vua Lê Thái Tổ Lê Lợi) giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không khỏi tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế.”
Các sử gia thời kỳ phong kiến chịu ảnh hưởng nặng tư tưởng Thiên Thời, Thiên Mệnh nên khá nhất quán về nhận định cho rằng nhà Hậu Trần thất bại là do trời không giúp, hay nói cách khác là không gặp thời. Như sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn có nhận xét ngắn gọn về trận Sái Già: “Trời nuông Trương Phụ”. Nói rằng nhà Hậu Trần thất bại do không gặp thời, không gặp may thì không hẳn sai, nhưng chưa đủ. Đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan chúng ta cũng cần phải nhìn nhận. Cần biết rằng nền tảng sức mạnh của nhà Hậu Trần không đến từ các vua Giản Định hay Trùng Quang, mà đến từ những thế lực quân phiệt như Trần Triệu Cơ, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân… Chính vì vua không có lực lượng ban đầu mà hoàn toàn phải dựa vào các tướng lĩnh của mình nên chưa bao giờ quyền lực vua Hậu Trần được trọn vẹn, và cũng chính vì thế mà giữa vua tôi luôn có sự nghi kỵ lẫn nhau.
Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết oan khuất của Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân khi mà vua Giản Định muốn dùng thủ đoạn đen tối để tập trung quyền lực về mình, gạt bỏ mối lo từ hai vị tướng nhiều công lao nhưng đồng thời cũng là đối tượng mà nhà vua phải san sẻ quyền lực. Sang đến thời vua Trùng Quang, nhà vua đã chập nhận việc trao nhiều quyền lực cho các tướng còn tự mình đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần, để giúp cho nội bộ được đoàn kết. Thế nhưng tình thế lúc này đã chuyển xấu, hoàn cảnh khách quan đã quá bất lợi cho việc đánh đuổi quân Minh.
Nhà Hậu Trần nổi lên chống Minh không chỉ có ý nghĩa về mặt cổ vũ tinh thần độc lập, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà thực sự còn đóng vai trò thiết thực hơn thế rất nhiều. Với khoảng 7 năm ròng chiến đấu của tướng sĩ Hậu Trần, quân Minh đã không thể áp đặt được nền đô hộ lên đất nước ta. Vùng đất từ Thanh Hóa trở vào nam bấy giờ, một nước Đại Việt (dù không trọn vẹn) vẫn tồn tại. Ở đó, những giá trị văn minh người Việt đã được bảo tồn. Việc vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân dân ta dưới lá cờ đầu là nhà Hậu Trần khiến cho quân Minh bị hao tổn rất nhiều quân lực, tạo thuận lợi cho các phong trào khởi nghĩa về sau.
Ngoài ra, cuộc chiến đấu của nhà Hậu Trần đã làm chậm tiến trình đồng hóa của quân Minh, và đôi lúc buộc chúng phải có một số chính sách nhượng bộ nhất định trong cai trị. Không thể chỉ trông chờ vào quân viễn chinh và không thể diệt chủng người Việt, giặc Minh phải buộc lòng phải xây dựng một bộ máy ngụy quyền đồ sộ để cai trị, chấp nhận nới lỏng một số quyền tự trị đối với các thổ hào địa phương để làm dịu bớt sự chống đối.
Chính trong số các thổ hào này, một nhân vật kiệt xuất mới đã xuất hiện, chính là Lê Lợi – lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại. Trương Phụ và quân tướng nước Minh những tưởng rằng đánh dẹp được nhà Hậu Trần là xong việc, nhưng kỳ thực đó chỉ là thắng lợi tạm thời đối với chúng mà thôi. Kẻ gieo gió rồi sẽ gặp bão. Chẳng bao lâu sau, những phong trào khởi nghĩa mới của người Việt lại bùng lên mà không cần phải nhân danh một dòng họ nào nữa.
Quốc Huy
Một Thế Giới
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment