Các công ty quốc phòng sẽ trưng bày các sản phẩm tại triển lãm vũ khí chuyên dụng duy nhất của Nhật Bản vào ngày mai 12/6, nơi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy quan hệ quân sự nhằm gia tăng ảnh hưởng của Tokyo tại Đông Nam Á.
Một máy bay P-3C Orion của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tham gia cuộc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (Ảnh: Reuters)
Reuters hôm nay đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời các đại diện từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tới một hội thảo quân sự riêng rẽ để đảm bảo sự tham dự tại Triển lãm Công nghệ và hệ thống phòng thủ hàng hải hàng không châu Á (MAST) gần Tokyo kéo dài 3 ngày, 2 nguồn tin tiết lộ.
“Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì hội thảo ngay sau khi MAST kết thúc”, một nguồn tin nói.
Chính phủ của Thủ tướng Abe muốn thúc đẩy việc hợp tác công nghệ quân sự và mua bán vũ khí là một điểm nhấn mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản tại Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông.
Ước tính lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD qua lại Biển Đông mỗi năm, nhiều trong số đó đi và đến Nhật Bản.
Vào năm 2014, chính phủ Nhật Bản đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài nhiều thập niên, một phần để cắt giảm chi phí mua sắm bằng cách mở rộng sản xuất vũ khí, nhưng cũng nhằm cho phép Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, dùng công nghệ vũ khí làm đòn bẩy để thúc đẩy các mối quan hệ quân sự thân thiết hơn.
Thị trường vũ khí Đông Nam Á đang gia tăng, khi sự tăng trưởng kinh tế thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Nhật Bản nhiều khả năng cũng muốn cạnh tranh với các lời chào mời của Trung Quốc nhằm cung cấp thiết bị quân sự cho khu vực.
“Điều duy nhất thực sự được quan tâm tại Đông Nam Á là giá cả và Trung Quốc sẽ đưa ra giá rẻ”, chuyên gia Paul Burton, giám đốc về an ninh, quốc phòng và hàng không vũ trụ tại công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ở Singapore, nhận định.
Các hãng chế tạo vũ khí hàng đầu
Tại triển lãm MAST đầu tiên vào năm 2015, các công ty Nhật Bản vẫn ngần ngại quảng cáo các sản phẩm quốc phòng của họ với công chúng do lo ngại về nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt trở lại. Chỉ có tập đoàn NEC trưng bày sản phẩm, trong khi các công ty khác co cụm lại với nhau trong cuộc triển lãm duy nhất.
Sự ngần ngại giờ đây dường như đã tiêu tan. Ít nhất 16 công ty của Nhật Bản sẽ tham gia triển lãm năm nay, từ các hãng chế tạo vũ khí hàng đầu như Mitsubishi Heavy Industries cho tới Kawasaki Heavy Industries - hãng chế tạo máy bay tuần tra săn ngầm P-1, và ShinMaywa Industries - hãng chế tạo thủy phi cơ US-2.
“Chúng tôi dự định trưng bày một loạt các sản phẩm và công nghệ với những người tham gia sự kiện”, một phát ngôn viên của Mitsubishi cho hay.
Các sản phẩm được trưng bày bao gồm một mô hình tàu khu trụ tên lửa dẫn đường, một mô hình nguyên mẫu phương tiện đổ bộ, công nghệ dò mìn và các màn trình diễn hệ thống giám sát radar laze.
Triển lãm kéo dài 3 ngày còn có sự tham gia của các công ty nước ngoài, như hãng chế tạo máy bay chiến đấu F-35, tập đoàn Thales SA của Pháp. Khu vực trưng bày triển lãm cũng sẽ gấp đôi triển lãm vào năm 2015, một phát ngôn viên của nhà tổ chức tiết lộ.
An Bình
Dân Trí
Comments[ 0 ]
Post a Comment