So với các khu vực khác, châu Á giành được sự quan tâm khá đặc biệt của chính quyền Trump.
Trump-Abe tại Trump Tower, New York, 26/11/2016: Shinzo Abe bị sốc vì nước Mỹ bầu Trump. Mối quan ngại của Nhật Bản đối với cam kết an ninh của Mỹ chưa phải đã hết.
Trong tháng 2 và 3, hai thành viên nội các hàng đầu đã đến Đông Bắc Á: Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Tokyo và Seoul; Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson thăm Seoul, Tokyo, Bắc Kinh. Còn phải kể đến việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Nhà Trắng chưa đầy một tháng sau khi ông Trump trở thành tổng thống. Trong tháng 4, có hai sự kiện quan trọng: Phó Tổng thống Mike Pence thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Úc; Donald Trung gặp Tập Cận Bình tại Florida (Mỹ).
Tại sao lại dồn dập như vậy?
Mặc dù các chương trình đối nội phục vụ cho ý tưởng “Nước Mỹ trên hết” cuốn hút sự chú ý rất lớn của Tổng thống Trump, nhưng châu Á-Thái Bình Dương vẫn là một vấn đề đối ngoại ưu tiên. Chính sách đối với Trung Quốc không thể trì hoãn.
Ông Trump đang học làm tổng thống. Đó là một nghề không ai không phải học. Nhưng một nhà buôn càng cần phải học.
Donald Trump từng bước nhận thức ra tầm quan trọng của các vấn đề châu Á đối với Mỹ. Shinzo Abe cho đến nay là nhà lãnh đạo châu Á duy nhất hai lần trực tiếp đối thoại với Donald Trump, nhận xét trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình rằng, Donald Trum đang “dần dần” hiểu ra tầm quan trọng của hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông ta đã phủ quyết. Sau cuộc gặp đầu tiên ngày 26/11/2016, tại tòa tháp Trump Tower ở Mahattan, Thủ tướng Nhật Bản đã đi không vững vì quá sốc, thốt lên rằng, chúng ta (Nhật Bản) đặt cược tất cả sinh mạng của chúng ta vào nước Mỹ, vậy mà nước Mỹ bầu con người này làm tổng thống thì chúng ta nguy to.
Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của nước Mỹ. Tổng thống mới của nước này phải xác định Trung Quốc có vị trí như thế nào trong bố cục chính sách châu Á của nước Mỹ: Đối tác? đối tượng? đối thủ cạnh tranh?
Dù là gì, Trung Quốc không phải là bên dễ chơi. Nhiều tổng thống được chuẩn bị tốt hơn ông Trump khi bước vào Nhà Trắng cũng bị Bắc Kinh dẫn dắt cuộc chơi. Sau khi Donald Trump tung ra nhiều đòn “giật gân”, như điện đàm với người đứng đầu chính phủ Đài Loan Thái Anh Văn, tuyên bố không nhất thiết phải duy trì chính sách “một Trung Quốc”, người Trung Quốc đã khôn khéo tiếp cận “hậu phương” của tổng thống mới, lấy những mối lợi kinh tế để lôi kéo người thân của tổng thống:
Tập đoàn tài chính Alba Group của Trung Quốc, do cháu rể Đặng Tiểu Bình sở hữu, tìm cách mua lại tòa nhà của tập đoàn do Jared Kushner, con rể của Trump - cố vấn thân cận của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, quản lý với giá 4 tỷ USD. Giá rất hời đối với Kushner, khi tòa nhà văn phòng cho thuê này đang gặp khó khăn tài chính. Nhưng Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, do Bộ trưởng tài chính đứng đầu, đã bác bỏ vụ giao dịch này vì tòa nhà gần một căn cứ hải quân Mỹ ở San Diego.
Sau khi biết Donald Trump không xét lại chính sách “một Trung Quốc”, 1.000 công ty Trung Quốc đã đăng ký mua sản phẩm thương hiệu của Invanka, con gái của Tổng thống.
Phải nói rằng quan hệ Mỹ-Trung hiện nay đã bước vào một thời kỳ khác thường. Mỹ có lẽ sẽ xem Trung Quốc vừa không phải là đối tác không thể chia tách (như dưới chính quyền Obama), vừa không phải là kẻ thù đọ sức trực tiếp, mà là một mối quan hệ cạnh tranh và đọ sức ổn định có thể kiểm soát. Bên cạnh lợi ích quốc gia, còn có lợi ích của gia đình chi phối chính sách Trung Quốc – đó là sự khác nhau giữa tập đoàn Trump với các tập đoàn khác ở Mỹ.
Các thế lực chính trị Mỹ đang tìm cách kiềm chế tính con buôn của chính quyền Trump trong chính sách với Trung Quốc. Ngày 24/3 vừa rồi, 4 thượng nghị sĩ và 1 hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ đã gửi thư cho phó Cố vấn pháp lý của Nhà Trắng và Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ đề nghị cung cấp thêm chi tiết về vụ giao dịch mà Tập đoàn bảo hiểm Anbang (có cở phần của chính phủ Trung Quốc) đầu tư vào Công ty gia đình Kushner. Bức thư của các nhà lập pháp Mỹ nêu rõ: “Vụ giao dịch này, nếu diễn ra, có khả năng tạo ra xung đột lợi ích (của nước Mỹ)”. Anbang đã phủ nhận có vụ giao dịch này, còn Kushner cho biết đã bán lại cổ phần của mình cho một thành viên gia đình (luật liên bang không cho phép quan chức chính quyền dính líu kinh doanh).
Các lợi ích chiến lược của Mỹ cho thấy nước này rất muốn cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tên gọi của chính sách mới là trở lại châu Á-Thái Bình Dương hay cân bằng với Trung Quốc? Chuyến thăm của Rex Tillerson tới Trung Quốc vừa rồi chỉ có tính thăm dò. Trong “hồ lô” của Ngoại trưởng Mỹ chưa có gì.
Hình hài chính sách của Mỹ đối với châu Á và Trung Quốc sẽ sớm bộc lộ qua chuyến thăm của Mike Pence và cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình./.
Người bình luận
Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment