LTS: Tuy là đầu năm, nhưng vẫn còn vương vất một vài cảm nghĩ cá nhân vào những ngày cuối năm không mấy phấn khởi. Mong rằng qua thời gian, những cảm xúc nhất thời sẽ nguôi dần để đưa về nhiều nét tích cực nổi bật của Tổng Thống Obama đã ghi vào lịch sử Hoa Kỳ trong suốt hai nhiệm kỳ của ông. (SH)
Putin và Obama ở G20 hội nghị thượng đỉnh 15 November, 2015 Ảnh CNN
Thời buổi này ít ai có thì giờ viết những bài "nhận định" dài vì mọi chứng cứ chi tiết về mọi chuyện xưa nay trên trời dưới nước đã có các browsers của internet ghi lại đầy đủ cho người muốn tham khảo. Nhưng nhịn không được đành phải lên tiếng, ngắn thôi. Không ai muốn bỏ thì giờ đọc những bài tràng giang đại hải; vả lại bài dài quá thì điểm nhấn dễ bị lạc dẫn.
I. Mưu Vặt:
Chuyện đáng nói là vào lúc Obama cùng đám gánh hát tùy tùng Đảng Dân Chủ chuẩn bị dọn khỏi Nhà Trắng thì chàng đã làm một việc vụng về, chằng mã thượng tí nào; trở thành trò cười cho thiên hạ và giới chính trị thế giới. Đó là hôm 29 tháng 12, Obama ra lệnh trừng phạt 4 cá nhân và 5 tổ chức Nga bị cáo buộc dính líu đến vụ xâm nhập máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Ngoài ra, 35 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình họ sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ trong vòng 72 giờ. Mỹ còn đóng cửa 2 tòa nhà nghỉ dưỡng của nhân viên ngoại giao Nga ở New York và Maryland.
Nhiều bình luận gia chính trị cho rằng Obama đã bị Đảng DC hay Nhóm Clinton Team làm áp lực nặng nề cho việc thất cử của bà Clinton và các ứng cử viên quốc hội của Đảng DC bằng cách dựng lên một hình nộm để đâp phá cho hả giận. Con ngáo ộp đáng kể lúc này còn ai ngoài Nga và Putin. Với cá nhân Obama đây là cơ hội 1 đá chọi 2 chim với 2 kẻ thù trong và ngoài nước, lại vừa làm đẹp lòng (hẹp hòi) của Đảng.
1) Với tân tổng thống Mỹ Donald Trump (mà vài người VN trào phúng gọi là Đỗ Nam Trung): Dưới mắt Obama, Trump là một kẻ "chó nhảy bàn độc" của nền chính trị Mỹ. Ngược lại, dưới mắt Trump, Obama là một vết nhơ của Mỹ cần được rửa sạch. Trong lần tranh cử 4 năm trước, Trump và báo chí phụ họa đã lôi lý lịch không mấy tốt đẹp của Obama ra chế giễu, ngay cả chuyện cho rằng Obama không phải là công dân Mỹ.
Việc Trump đắc cử làm nhiều người nghĩ rằng Mỹ đã cạn kiệt nhân tài xuất sắc vì hệ thống lưỡng đảng chọn người một cách kềm kẹp bá đạo và do tiền điều khiển. Chưa lần nào trong lịch sử Mỹ 2 tổng thống kế nhiệm nhau (như Obama và Trump) lại lời qua tiếng lại không mấy lịch sự với nhau như thế.
Khi ký lệnh tống xuất nhân viên ngoại giao Nga, Obama muốn gây trở ngại cho mối giao hảo Mỹ-Nga mới với nhiều hứa hẹn hòa hoản dưới thời Trump-Putin.
2) Với Tổng Thống của Liên Bang Nga, Vladimir Putin: thì mối quan hệ giữa Obama và Putin vốn đã không tốt đẹp, còn có thể xem là thù địch trong suốt 2 nhiệm kỳ của Obama, vì Putin đã từng bước phá vỡ những mưu toan của Obama quyết thống trị vùng Trung Đông, bằng đủ cách như "cách mạng màu", "gây rối nội tình với bọn dân chủ giả hiệu đánh thuê", "tuyên bố không gởi lính Mỹ nhưng gởi bọn đặc nhiệm và vũ khí tạo cuộc nội chiến", "mục tiêu cuối cùng đã lộ là phải lật đổ tổng thống Bashar al-Assad của Syria, trước khi dứt điểm Iran theo đúng cẩm nang của bọn Zionists" vv… Ngoài ra Putin đã bất ngờ và nhanh tay chiếm Crimea trong vụ khủng hoảng Ukrainia, vị trí chiến lược sống còn của an ninh Nga. Mọi cuộc trả đủa bằng phong tỏa cấm vận kinh tế của Nga do Mỹ cầm đầu với chư hầu châu Âu đều vô hiệu… Thành công tuyệt vời của Putin là đã dứt khoát trợ giúp chinh quyền Syria dần lật ngược thế cờ sa lầy do Mỹ và chư hầu cài đặt mà đạt thế thượng phong, gạt các đối thủ ra khỏi bàn hội nghị tái lập hòa bình không những ở Syria mà cả vùng Trung đông. Dĩ nhiên Mỹ và chư hầu nào chịu ngồi yên, sẽ phá đám đến cùng.
Putin là một nhà chính trị tài ba của thời đại. Sau khi lệnh tống xuất nhân viên ngoại giao Nga của Obama ban ra, ai cũng nghĩ rằng Putin sẽ bị mắc lừa, trả đủa "ăn miếng trả miếng" vụn vặt và làm tình thế thêm phức tạp cho Trump, nhưng ai ngờ được sự tính toán khôn ngoan của Putin khi hôm sau Tổng thống Nga tuyên bố Nga sẽ không trục xuất bất cứ người Mỹ nào, mặc dù Bộ Ngoại giao Nga đề xuất. Thực là bẽ bàng cho Obama, và làm cho săc lệnh của Obama trở thành trò chơi trẻ con trước mắt thế giới.
Câu “người tính không bằng trời tính” đã ứng vào vở tuồng này. Rõ ràng Putin là khắc tinh của Obama, làm ta nhớ đến câu than của Chu Du trong thời Tam Quốc bên Tàu: “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng”? (Chu Du và Gia Cát Lượng). Tại sao “trời sinh Obama lại còn sinh Putin” làm cho ngôi sao Obama tối hẳn? Rốt cuộc kẻ biến mất khỏi sân khấu chính trị thế giới một cách bẽ bàng thê thảm lại là Obama.
II. Vì Đâu Nên Nỗi:
1) Chắc chắn là thế giới đợi đến sau ngày bàn giao chức vụ tổng thống Mỹ vào 20 tháng Giêng 2017 sẽ thấy nhiều phê phán không mấy tốt đẹp ngay cả chê trách Obama về nhiệm kỳ của chàng. Đã bảo thói đời là thế. Giậu đổ bìm leo. Hiện giậu chưa đổ nên bìm chưa giám leo vội.
2) Riêng tôi thì về mặt tâm lý hành xử và nhân tướng học thì Obama không phải là một nhà chính trị xuất sắc. Có lẽ do nguồn gốc nhân thân không mấy vẻ vang như những gia tộc Kennedy, Johnson, Bush vv… nên Obama có khá nhiều mặc cảm khi trở thành tổng thống nước Mỹ và đối mặt với những nhà lãnh đạo thế giới nhất là ở các nước tiên tiến. Riêng với các địch thủ chính trị nặng ký thì Obama không giấu được nét hằn học, thiếu thân thiện trong bộ điệu, trong ánh mắt, mất vẻ trầm tỉnh nên có … Điều đó đã làm giảm phong cách của một nhà chính trị tầm cở thế giới, và cũng chứng tỏ lối suy nghĩ của Obama bị đong cứng không uyển chuyển, thường làm hỏng nhiều việc lớn. Obama có vẻ chỉ thoải mái với những kẻ thần tượng mình trong nội bộ đảng DC, hay giao tiếp lãnh đạo các nước nhỏ mà thôi. Obama chưa học được nghệ thuật biểu hiện sắc diện của một chính trị gia kỳ cựu, tựa Kissinger. Cứ xem thần thái của Putin và Obama khi phải đối diện với những việc nước khó khăn thì rõ ngay.
3) Obama đã hứa nhiều nhưng lại làm không được bao nhiêu, dĩ nhiên là bởi do nhiều lý do và yếu tố chủ quan và khách quan. Obama đã từng chỉ trích Bush gây nhiều chết chóc cho nhân loại và lính Mỹ, nhưng rồi bàn tay của Obama cũng đã nhuộm nhiều máu của thường dân vô tội của các nước Trung đông, nhất là ở Syria.
4) Obama đã tiếp nhận di sản nền chính trị đế quốc của Mỹ, vốn coi trời bằng vung, xem thế giới là của mình, sắp đặt ‘nền trật tự mới’ theo ý mình, nhìn lãnh đạo các nước khác như những tên múa rối, thích thì giữ ghét thì dẹp, chuyên ra lệnh kẻ khác theo kiểu võ biền ‘theo ta hoặc chống ta’ hay ‘làm theo những gì ta bảo, nhưng không được bắt chước điều ta làm’; luôn chỉ biết giải quyết những mối giao tế khó khăn bằng vũ lực xâm lược lật đổ, dần quên đi những lối ngoại giao mềm dẽo thuyết phục tinh tế. Vì thế nước Mỹ dần không còn tồn tại những chính trị gia xuất sắc khéo léo như thời mới lập quốc. Mỹ cũng mất dần bạn bè trên trường quốc tế bởi chính sách tri hành bất nhất của mình, ích kỷ chỉ biết quyền lợi của riêng mình.
Thực ra từ ngày Liên Xô sụp đổ vào ngày 26 tháng 12, 1991, thế giới không còn đối trọng nên Mỹ lên ngôi bá chủ; chẳng ai dại gì lên tiếng chống đối để rước hại vào thân. Mọi quốc gia lớn bé đều ngậm miệng ăn viện trợ (còn hơn là ăn đạn). Ngay cả Nga Hoa còn phải run rét. Nhưng nay thời thế không còn giống thời thập niên 90s nữa với sự trổi dậy ngoạn mục của Nga và Hoa làm Mỹ không kịp tìm ra sách lược mới để đối phó.
5) Obama, lẽ ra xuất thân từ gốc gác da màu phải biết vận dụng nét uyển chuyển của đa văn hóa khi tiếp xúc với lãnh đạo các cường quốc để làm được những việc lớn cho nhân loại. Khi khiêm nhường thì lại hạ mình thái quá không thích nghi trước những vua chúa phong kiến như Hoàng đế Nhật, Nữ hoàng Anh vv…
Tương tác ngày nay giữa lãnh đạo các nước lớn đã khác xa thời Nixon-Mao Trạch Đông, Carter-Đặng Tiểu Bình, Reagan-Gorbachev, Clinton-Yeltsin vv… Vai trò của Mỹ trên trường thế giới cũng đã bị xuống cấp; nên nếu cứ tiếp tục hành xử thô bạo, coi thường quyền lợi của các nước lớn khác thì luôn phải gánh lấy thất bại ê chề là điều tất nhiên.
Dĩ nhiên lich sử của nhân loại đã cho thấy từ trước đến nay một nước không thể có 2 vua, thế giới không thể có 2 hay 3 siêu cường ngang ngửa, nên thế giới đang vận chuyển đến chỗ phải có cuộc tranh hùng (qua thế chiến) để phân cao thấp. Đợi đến lúc ấy (chắc gì nhân loại còn tồn tại) thì ngay bây giờ ta hãy cố chung sống hòa bình đi cái đã.
Mong Trump và Putin sẽ làm được điều đó. Xin chúc lành cho toàn thế giới.
Cuối năm 2016
Tác giả Milu Dau
Theo Sách Hiếm (sachhiem.net)
Comments[ 0 ]
Post a Comment