Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong trận Như Nguyệt (năm 1077)
Thursday, January 19, 2017
Cách đây 940 năm, quân và dân Đại Việt đã đánh tan 30 vạn quân Tống xâm lược, kết thúc chiến tranh. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, trong đó nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng là nét nổi bật, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt tại xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). (Ảnh: baobacgiang.com.vn)
Những năm đầu thập niên thứ 7, thế kỷ thứ XI, nhằm thực hiện âm mưu thôn tính Đại Việt, nhà Tống lại phát động chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng đã huy động khoảng 30 vạn quân (10 vạn bộ binh, 20 vạn vận chuyển lương thực và thủy binh) tiến vào nước ta. Theo đó, lực lượng bộ binh tiến theo hướng Lạng Sơn - Thăng Long; lực lượng thủy quân theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng và dự định hội quân ở bờ Bắc sông Như Nguyệt, sau đó dùng thuyền vượt sông, đánh chiếm Thăng Long. Về phía ta, lực lượng khoảng 7,5 vạn quân, gồm quân của triều đình và thổ binh, hương binh. Nhà Lý tổ chức hai tuyến phòng thủ. Tuyến thứ nhất, chạy theo hình cánh cung trên vùng biên giới phía Bắc và ven biển Đông Bắc, dài khoảng 200 đến 300 km; tuyến thứ hai - tuyến phòng thủ chủ yếu, từ chân núi Tam Đảo dọc theo Nam ngạn sông Như Nguyệt đến Vạn Xuân, dài khoảng 30 km. Lực lượng ở tuyến phòng thủ từ xa có nhiệm vụ quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt và ngăn chặn địch; tuyến phòng thủ chủ yếu thực hiện ngăn chặn, không cho chúng tiến công vào kinh thành, khi xuất hiện thời cơ đánh trận quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh.
Thực hiện kế hoạch, ngày 11 tháng Chạp năm 1077, đại quân Tống chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào nước ta. Ở trên bộ, địch nhanh chóng vượt biên giới Lạng Sơn, tiến sâu vào nội địa, nhưng phải đến ngày 18-01-1077, quân Tống mới đến bờ Bắc sông Cầu. Tại đây, chúng chia quân thành hai cánh: cánh phải do Triệu Tiết chỉ huy, hạ trại ở khu vực bến Như Nguyệt; cánh trái do Quách Quỳ chỉ huy, hạ trại ở Thị Cầu. Trong khi đó, quân thủy bị đánh chặn không thể tiếp tục tiến quân phải rút về đồn trú ở cửa Đông Kênh (Tiên Yên ngày nay). Chờ mãi không thấy thủy quân đến, quân Tống tổ chức đóng bè, kết mảng, vượt sông tiến vào Thăng Long, nhưng đều bị quân ta quyết liệt đánh chặn. Cùng với đó, Lý Thường Kiệt tổ chức nhiều trận đánh nhỏ, lẻ cả phía trước, phía sau, thậm chí đánh thẳng vào trại quân Tống, nhằm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Khi xuất hiện thời cơ, Ông tổ chức phản công chiến lược, kết thúc chiến tranh. Như vậy, sau gần hai tháng chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt trên 19 vạn quân chiến đấu và tải lương, gần 6.000 ngựa của địch1, buộc quân Tống phải rút chạy về nước và thừa nhận nền độc lập của Đại Việt. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu sa và quan trọng nhất, đó là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch.
1. Tổ chức lực lượng phù hợp, phát huy được sở trường, thế mạnh của từng bộ phận, đánh địch rộng khắp, từ xa đến gần. Với phương châm “lấy đoản binh chế trường trận”, Lý Thường Kiệt tổ chức bố trí lực lượng rộng khắp ở các địa phương đón đánh địch. Lực lượng đánh địch từ xa, gồm: hương binh và thổ binh của các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới. Lực lượng này do năm đạo quân thượng du vùng Đông Bắc đảm nhiệm, tuy nhỏ nhưng có nhiều lợi thế, như: nắm chắc địa bàn, địa hình, cơ động linh hoạt, giỏi đánh du kích để kiềm chế, tiêu hao, tiêu diệt địch, làm chậm bước tiến quân của chúng. Những trận đánh địch liên tục, từ xa này, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho quân chủ lực tiếp tục củng cố thế trận phòng ngự đảm bảo kiên cố, liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng chờ, đón đánh địch; mặt khác, làm giảm đáng kể áp lực tiến công của địch trên phòng tuyến Như Nguyệt. Đồng thời, việc tác chiến ngăn chặn đường vận chuyển, tiếp tế lương thảo đã làm địch nhanh chóng bị suy sụp khi buộc phải đánh dài ngày; sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực đánh những trận lớn và khi phản công. Cùng với đó, Lý Thường kiệt còn tổ chức lực lượng thủy binh mạnh (gồm: 02 vạn quân và 400 chiến thuyền) bố trí ở sông Lục Đầu, sẵn sàng tiếp ứng, chi viện và bảo đảm vượt sông cho các bộ phận đánh địch từ bờ Bắc sông Như Nguyệt; chặn, bẻ gẫy mũi tiến công thọc sâu, đột kích của địch; và thủy binh của Lý Kế Nguyên chặn đánh thủy binh địch, v.v. Chính vì thế, quân thủy do Dương Tùng Tiên chỉ huy theo đường biển tiến vào nước ta đã bị lực lượng này đánh bại, đẩy đạo quân đường bộ của Quách Quỳ và Triệu Tiết vào thế cô lập.
Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt tổ chức lực lượng tập trung khoảng 06 vạn quân. Đây là quân chủ lực tinh nhuệ, thiện chiến, do Ông trực tiếp chỉ huy, nhằm ngăn chặn, bẻ gãy mọi đợt tiến công của địch, giữ vững phòng tuyến, không để chúng vượt sông tiến về Thăng Long. Ở đây, Ông tổ chức thành ba bộ phận, đóng ở ba vị trí: Như Nguyệt, Thị Cầu và Phấn Động. Ở mỗi vị trí, ngoài bộ binh, Lý Thường Kiệt còn tổ chức lực lượng thủy binh, được chia thành từng đội nhỏ, trang bị chiến thuyền nhẹ để tuần tiễu, sẵn sàng tiêu diệt các toán quân do thám và ngăn chặn địch vượt sông. Bên cạnh đó, Lý Thường Kiệt còn tổ chức lực lượng cơ động, sẵn sàng tăng cường, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh địch. Lực lượng cơ động chủ yếu là bộ binh, kỵ binh, những binh lính khỏe mạnh, giỏi bắn cung, nỏ và phi ngựa, do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, triển khai ở phủ Thiên Đức, cách sông Như Nguyệt về phía Nam khoảng 06 km. Khu vực đó thuận lợi cho bộ binh, kỵ binh và thủy binh cơ động, khống chế mọi ngả đường tiến về Thăng Long và kịp thời chi viện cho các hướng.
Với cách tổ chức lực lượng phòng ngự có trọng tâm, trọng điểm đó, nên đã vừa phát huy được sở trường, thế mạnh của từng lực lượng, vừa tạo được thế trận cài xen,… đánh địch rộng khắp cả phía trước, phía sau và hai bên sườn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.
2. Sử dụng lực lượng linh hoạt, tạo sức mạnh hơn hẳn địch, đánh tan đạo quân xâm lược. Để làm giảm tốc độ tiến công của quân Tống, Lý Thường Kiệt sử dụng lực lượng hương binh, thổ binh mai phục đánh địch ở những địa bàn trọng điểm, vị trí hiểm yếu, như: cửa ải, nơi yết hầu và một số vị trí có giá trị về quân sự, nhằm khống chế các tuyến đường độc đạo mà địch buộc phải đi qua. Lực lượng này thường sử dụng chiến thuật phục kích đánh vào hai bên sườn, phía sau đội hình tiến quân của chúng; thậm chí đánh cả lúc chúng dừng chân, hạ trại tạm nghỉ và đánh vào đội quân tải lương, cắt đứt nguồn lương thảo, làm cho quân Tống ngày càng khốn quẫn, thiếu lương thảo, thuốc men, tinh thần chiến đấu giảm sút, v.v. Một điển hình trong việc sử dụng lực lượng là, nhà Lý đã điều lực lượng thủy quân tinh nhuệ do hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy, phối hợp với quân bộ mai phục đánh chặn đội thủy quân của nhà Tống, làm cho chúng không thể tiến quân, buộc phải rút chạy về cửa sông Đông Kênh chờ lệnh. Vì thế, kế hoạch hội quân trên sông Như Nguyệt của quân Tống bị phá sản. Với tầm nhìn xa, trông rộng, khi thiết lập tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt còn sử dụng lực lượng chủ lực cùng với nhân dân trong khu vực đắp lũy cao dọc bờ sông, đóng nhiều lớp cọc tre làm bãi cản trở, nhất là các bến sông: Như Nguyệt, Thị Cầu và Vạn Xuân mà địch có thể lợi dụng để vượt qua. Ông cũng sử dụng những bộ phận nhỏ, lẻ đánh sang trại địch ở phía Bắc, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và cướp, phá lương thảo,… làm cho chúng mệt mỏi, hoang mang, không còn ý chí chiến đấu.
Nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng còn được thể hiện khi nhà Lý tổ chức phản công chiến lược. Theo đó, để vận dụng nghệ thuật tác chiến: “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, Lý Thường Kiệt đã nghi binh, lừa địch bằng cách sử dụng một phần lực lượng đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng hiểm yếu trên hướng chủ yếu của địch. Khi ta tiến công vào đó, buộc chúng phải điều quân từ hướng thứ yếu đến chi viện, bộc lộ sơ hở trên hướng đó. Đồng thời, Ông sử dụng lực lượng lớn, tinh nhuệ, thiện chiến, tạo sức mạnh hơn hẳn địch để đánh vào mục tiêu thứ yếu trong điều kiện vô cùng thuận lợi, nắm chắc phần thắng. Bộ phận thứ yếu này bị tiêu diệt, cô lập hoàn toàn bộ phận chủ yếu của địch, trong thế bị động, sức mạnh giảm sút. Thực hiện kế hoạch này, Lý Thường Kiệt sử dụng toàn bộ lực lượng trên hướng thứ yếu, gồm: quân bộ và quân thủy tiến công vào cụm quân chủ yếu của địch, nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch; đồng thời, vừa giam chân, vừa thu hút chúng tại đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận trên hướng chủ yếu của ta bất ngờ tiến công, tiêu diệt cụm thứ yếu của địch. Trận đánh này có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc phản công chiến lược, nên Lý Thường Kiệt không những sử dụng toàn bộ lực lượng trên hướng chủ yếu, mà còn tăng cường lực lượng cơ động từ phía sau và do Ông trực tiếp chỉ huy. Như vậy, ta không dùng lực lượng chủ yếu để giao chiến với lực lượng chủ yếu của địch, mà dùng sức mạnh vượt trội tiến công lực lượng thứ yếu của chúng để giành chắc phần thắng, đẩy bộ phận chủ yếu địch vào cảnh “thế cùng lực kiệt”. Cho nên, khi bộ phận thứ yếu của ta từ Vạn Xuân, ngược sông Như Nguyệt tiến công doanh trại của Quách Quỳ, buộc Triệu Tiết phải vội vàng điều lực lượng đi tiếp ứng; trong khi đó, ta khôn khéo lui quân về bờ Nam, bảo toàn lực lượng. Giữa lúc quân địch đang bị thu hút về mặt Đông và nhầm tưởng về “chiến thắng” vì đã đánh lui quân ta, ngay tối hôm đó, ở mặt Tây, Lý Thường Kiệt chỉ huy bộ phận chủ yếu, vượt sông tập kích vào trại quân Triệu Tiết. Bị đánh úp vào ban đêm, quân địch trên hướng thứ yếu hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng đối phó. Trước sức mạnh như vũ bão của ta, quân địch mười phần thì bị tiêu diệt đến năm, sáu phần, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình hình đó, ta có thể tập trung lực lượng tiêu diệt địch, kết thúc chiến tranh; nhưng không, với truyền thống hòa hiếu là kế sách giữ nước bền lâu, Lý Thường Kiệt đã chủ động cho biện sĩ sang “giảng hòa”, mở lối thoát cho quân Tống. Đó là cách kết thúc chiến tranh “mềm dẻo” để “không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”2.
Chiến thắng trên sông Như Nguyệt đã lùi xa, nhưng còn để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự. Trong đó, bài học về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là trong hoạt động tác chiến phòng thủ các cấp, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS. DƯƠNG HỒNG ANH, Viện Lịch Quân sự Việt Nam
_____________
1 - Hoàng Minh Thảo - Tìm hiểu về tổ tiên ta đánh giặc, Nxb QĐND, H. 1985, tr. 25.
2 - Văn bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) của sư Pháp Bảo đời Lý.
Theo Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment