Cả đời gắn bó với màu xanh biên thùy, chính ông cũng cảm thấy mình là người may mắn vì đã được trưởng thành trong lực lượng của những người lính mang quân hàm xanh.
Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình thăm hỏi bà con đồng bào dân tộc
Bởi mỗi khi nhớ tới bước chân thầm lặng, bền bỉ của đồng đội đang làm nhiệm vụ nơi núi cao rừng thẳm, trái tim luôn biết rung cảm yêu thương của ông lại ùa về những giai âm tha thiết. Để chính từ nguồn cảm xúc bất tận ấy, ông đã viết nên nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng hào sảng của người lính, của núi rừng biên ải.
Những nốt nhạc bật lên từ cuộc sống
Ông là Thiếu tướng, nhạc sỹ Vũ Hiệp Bình, Phó Chính uỷ Bộ đội biên phòng (BĐBP), người đã hơn 40 năm khoác trên vai màu xanh áo lính, và có rất nhiều tác phẩm giá trị trong kho tàng ca khúc viết về BĐBP nói riêng, hình tượng người lính nói chung.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất mỏ Quảng Ninh, năm 1971, ông nhập ngũ và từ đây, những nẻo đường biên cương xa thẳm và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã gắn bó với đường binh nghiệp của ông từ bấy đến giờ. Khi đã là một sỹ quan biên phòng dày dạn gió sương biên ải, những nốt nhạc đầu tiên của ông về người lính đã được vút lên trong dòng cảm xúc tự hào, kiêu hãnh: "...Chúng tôi đi /Hành trang giản dị/ Quân phục bạc màu nắng gió/ Tiếng hát bay dọc đường tuần tra/ Lấy cột mốc làm vạch nhịp bài ca/ Trọng âm dồn nhịp bước...".
Cũng trong thời gian này, ông đã có nhiều sáng tác ấn tượng có sức lan toả rộng khắp trong tuổi trẻ của lực lượng. Năm 1979, trong không khí sôi sục của thanh niên cả nước lên đường lên biên giới bảo vệ Tổ quốc, nhạc sỹ Vũ Hiệp Bình đã viết “Khúc hát lính biên phòng”. Dù là một trong những sáng tác đầu tay của ông, nhưng ngay sau khi bài hát ra đời đã được đông đảo các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biên giới đón nhận.
Dù sáng tác không nhiều song các ca khúc của ông luôn được giới chuyên môn đánh giá là có khúc thức chặt chẽ, đạt độ mỹ cảm cao và dễ đi vào lòng công chúng yêu nhạc. Đặc biệt là những sáng tác về đề tài biên giới và hình tượng người chiến sỹ biên phòng của ông, đã luôn tạo được ấn tượng đẹp, nó như một lời kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Có thể kể hàng loạt những cái tên như “Khúc hát lính biên phòng”, sáng tác năm 1979 được chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của BĐBP; “Chiều biên giới” sáng tác năm 1999, đạt giải Ba của Hội nhạc sỹ Việt Nam và được bình chọn một trong 10 ca khúc được yêu thích nhất về đề tài "Người lính và chiến tranh cách mạng" hay “Hành khúc người lính không mang quân hàm” sáng tác 2004 đạt giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc thi viết về "Người lính và chiến tranh cách mạng" do Tổng cục Chính trị và Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức…
Trọn đời gắn bó với biên cương
Không chỉ thành công với các ca khúc cách mạng, nhạc sỹ Vũ Hiệp Bình còn ghi được nhiều dấu ấn ở thể loại romance, hay còn được gọi bằng cái tên "Ca khúc nghệ thuật", là một thể loại âm nhạc hòa tấu thính phòng dành cho giọng ca và bè đệm đàn. Trong Giải thưởng âm nhạc của Hội nhạc sỹ Việt Nam năm 2011 vừa qua, tác phẩm “Tây Hồ hoài niệm” của ông được hội đồng giám khảo đánh giá cao và đã được trao giải C của thể loại này.
Tâm sự về con đường âm nhạc của mình, Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình nói rằng, trước khi là một nhạc sĩ, ông đã là chiến sĩ trưởng thành trong cái nôi văn nghệ quần chúng của BĐBP. Cuộc sống chiến sĩ cho ông cách cảm thụ, nhìn nhận cuộc sống, tình yêu cũng như những trăn trở, lo toan của một người lính. Điều kiện môi trường công tác khắc nghiệt, nhiều gian khó không chỉ đòi hỏi ở người cán bộ, chiến sỹ BĐBP phẩm chất dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo mà còn đòi hỏi ở họ một tinh thần lạc quan yêu đời, luôn luôn biết tìm mọi cách vượt lên hoàn cảnh. Và, trong một buổi chiều biên giới cách đây 13 năm, những nốt nhạc bật lên từ cuộc sống chiến sỹ, bật lên từ cây ghi ta gỗ mộc mạc đã làm nên một “Chiều biên giới” mang thương hiệu Vũ Hiệp Bình.
Những người lính biên phòng biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào dân tộc
Đảm trách công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng BĐBP, trên cương vị Phó Chính ủy, Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình luôn trăn trở là làm thế nào để có thể xây dựng và phát triển môi trường văn hoá, nghệ thuật tích cực, lành mạnh cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là ở các đơn vị trên biên giới, hải đảo.
Trọn một đời người gắn bó với biên cương và bà con các dân tộc trên biên giới, dù đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như giảng viên Học viện Biên phòng, Chủ nhiệm chính trị BĐBP Sơn La, Phó Chính uỷ BĐBP Quảng Ninh, Chủ nhiệm chính trị BĐBP… và hiện là Phó Chính uỷ BĐBP nhưng vị tướng mang quân hàm xanh này vẫn giản dị, mộc mạc như cây rừng, đất bản.
Ông ghi dấu ấn trong lòng đồng đội bởi nhân cách cao đẹp, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nhiệm vụ chính trị của mình nhưng vẫn luôn tinh tế, ấm áp, quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của đồng chí, đồng bào nơi biên ải. Nhạc sĩ - Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình đã mãi mãi ra đi vào ngày ngày 30/1/2013. Đối với rất nhiều văn nghệ sỹ trong lực lượng BĐBP hiện nay, Vũ Hiệp Bình đã và sẽ mãi là người thầy, người anh đáng kính.
TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông với tư cách là một sĩ quan chính trị nghiêm nghị, đĩnh đạc, nhạy bén linh hoạt, đầy “chất nghệ sĩ” mà cũng rất khiêm nhường, với ánh mắt, nụ cười, với những điều phát hiện mới lạ mà dí dỏm, tinh tế. Các ca khúc của ông đã bám sát, phản ánh khá sinh động đời sống chiến đấu và sinh hoạt của “lính biên phòng” với không gian đa thanh sắc của biên giới thiêng liêng, vóc dáng hiên ngang mà gần gũi, thân thiết của người lính Biên phòng. Ông sẵn sàng chơi đàn ghi-ta, hát cùng đồng đội, cùng những chiến sĩ trẻ, chia sẻ những giai điệu lãng mạn và cũng đầy hào sảng về tình yêu của người lính bảo vệ biên cương hoặc những giai điệu mê say vừa chợt “nảy” ra, cùng những người bạn, những người đồng chí. Những ca khúc của ông mang nặng tình yêu đối với quê hương, đất nước, người lính - những người lính mang quân hàm xanh, thông qua những bài hát, vần thơ mà ông đã sáng tác trên những chặng đường binh nghiệp. Chúng tôi luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp của ông cho âm nhạc, nhưng tiếc rằng ông đã ra đi sớm trong khi còn rất nhiều điều để viết...”
Comments[ 0 ]
Post a Comment