6 tàu tuần tra mới Nhật cung cấp cho Việt Nam trị giá bao nhiêu?
Tuesday, January 17, 2017
6 tàu tuần tra đóng mới mà Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam bằng nguồn vốn vay ưu đãi giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trọng tâm là hợp tác trên biển.
Thủ tướng Abe trong cuộc họp báo tại Hà Nội - Ảnh: Reuters
Tối 16-1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 17-1 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp mặt báo giới Nhật Bản và Việt Nam.
Tại buổi họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ trong chuyến thăm Việt Nam lần này, căn cứ buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam và nguyện vọng của phía Việt Nam, Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, đồng thời, Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác của các cơ quan chấp pháp trên biển của 2 nước.
Trong buổi gặp mặt hẹp với báo chí tối cùng ngày, ông Kawamura Yasuhisa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết tổng trị giá 6 tàu đóng mới Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vào khoảng 38,5 tỉ yen Nhật, bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam.
Trước đó, trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều cùng ngày, Thủ tướng Abe cam kết cung cấp thêm khoản ODA vốn vay trong tài khóa 2016 cho Việt Nam trị giá khoảng 123 tỉ yen (tương đương 1,05 tỉ USD) trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát nước và xử lý nước thải.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết trong chuyến công du lần này tới 4 nước (Indonesia, Philippines, Úc và Việt Nam), phía Nhật Bản đã thống nhất với Chính phủ các nước trên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực trọng tâm là trên biển, các hợp tác cụ thể để nâng cao năng lực cơ quan thi hành luật pháp trên biển về an ninh quốc phòng.
“Dòng sông Hồng chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông rồi tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không có gì có thể ngăn chặn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do. Philippines, Indonesia, Úc, các quốc gia trong chuyến đi của tôi lần này đều là các nước láng giềng quan trọng, cùng chia sẻ vùng biển rộng mở có tên là Thái Bình Dương và cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản” – Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng. Và để thực hiện được điều đó, việc thượng tôn pháp luật sẽ phải được quán triệt một cách đầy đủ. Đó là nhận thức đã được tất cả các nước hoàn toàn nhất trí cùng Nhật Bản. Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần tra, hỗ trợ thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam hay Philippines. Với Tổng thống Indonesia, Nhật Bản đã đồng ý thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, phát triển hải đảo. Với Thủ tướng Úc, Nhật Bản đã nhất trí củng cố hợp tác an ninh quốc phòng như xây dựng khuôn khổ mới về cung cấp lẫn nhau về vật tư và hậu cần trong phòng vệ.
Nhật Bản, Úc, Mỹ, Ấn Độ đã cùng xác nhận tầm quan trọng của sự liên kết hợp tác giữa các nước, cùng chia sẻ giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược. Dựa trên nền tảng vững chắc là quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, Nhật Bản sẽ xây dựng một nền hòa bình ở châu Á, vành đai Thái Bình Dương, giữa các nước gắn kết với Nhật Bản bằng biển cả và xa hơn nữa là khu vực Ấn Độ Dương. Để làm được như vậy, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện vai trò to lớn của mình trên tinh thần Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Từ xưa, dân tộc các nước châu Á đều được hưởng thụ sinh hoạt phong phú thông qua việc đi lại tự do trên biển. Hôm nay, hòa bình và thịnh vượng của khu vực vẫn có quan hệ rất mật thiết đến vấn đề bảo vệ phát triển và duy trì vững bền tự do mở rộng. Việt Nam, Nhật Bản cũng như các nước khác chia sẻ tinh thần thượng tôn luật pháp, về bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Đây là các nguyên tắc căn bản và chúng tôi muốn nó sẽ trở thành vững chắc, không gì thay đổi được. Với nguyên tắc vững chắc đó sẽ có sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực của chúng ta”- Thủ tướng Shizo Abe nói.
Chính sách ngoại giao của Chính phủ Nhật Bản năm thứ 5 đã khởi đầu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cần triển khai chính sách ngoại giao tích cực với chân trục đặt vững chãi tại khu vực này và với tầm nhìn bao phủ giống như đang nhìn vào quả địa cầu trước mặt. Với quan điểm đó, quốc gia đầu tiên ông đến thăm khi nhận chức Thủ tướng nhiệm kỳ này 4 năm trước là Việt Nam, “Sau 4 năm tôi lại quay lại với Hà Nội. Trước hết, từ đáy lòng mình, tôi xin được bày tỏ cảm ơn nhân dân Việt Nam, những người đã dành cho tôi sự đón tiếp nồng ấm không thay đổi như trong chuyến thăm trước đây” – Thủ tướng Nhật nói và cho biết ông rất mong chờ cơ hội được đến Việt Nam một lần nữa vào mùa thu năm nay, khi Việt Nam là nước chủ tịch APEC.
“Ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại”
Trong bài phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh để có được sự phồn vinh cộng hưởng, nền tảng chính là thương mại tự do. Chúng ta sẽ phải xây dựng một thị trường tự do dựa trên các luật lệ công bằng và bình đẳng. Nền tảng của tự do thương mại chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc xúc tiến nhanh chóng để TPP có hiệu lực đã được xác nhận qua chuyến công du Việt Nam lần này. Thành quả của TPP là trụ cột để hướng đến các hiệp định mức độ lớn hơn, chất lượng lớn hơn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhật Bản sẽ luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại.
Báo Người Lao Động
Tags:
VietNam-Japan
Comments[ 0 ]
Post a Comment