Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngày 06-4-2017. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, phân tích tổng thể, nhiều chuyên gia cho rằng, giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề “hóc búa” mà việc giải quyết nó không thể “một sớm, một chiều”. Trước tiên là vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nhằm giải quyết “ổn thỏa”. Song, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đối phó với Bình Nhưỡng đã bị Bắc Kinh phản đối quyết liệt, coi đây là nhân tố “đe dọa đến an ninh của Trung Quốc”. Thứ nữa, vấn đề thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức kỷ lục (hơn 310 tỷ USD). Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích Trung Quốc đang cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Do đó, kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại sẽ hứa hẹn là một cuộc “mặc cả” đầy cam go giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng với đó, vấn đề eo biển Đài Loan, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và một số nội dung khác đều là những vấn đề “nổi cộm”, tiềm ẩn gây “sóng gió” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.Nhiều chiến lược gia của Mỹ cho rằng, trong quan hệ các nước lớn, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là khó khăn nhất. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh cần phải kiềm chế, ngăn chặn, nhưng Mỹ cũng cần Trung Quốc như một đối tác không thể thiếu cho sự phát triển. Theo các thống kê quốc tế, tỷ trọng thương mại hai chiều giữa hai nước luôn ở mức hàng đầu thế giới và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi nước. Trung Quốc hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Những năm qua, thành công trong chiến lược “Trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đã trở thành cường quốc có vai trò và ảnh hưởng ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với những va chạm lợi ích địa chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ là thực tế không thể tránh khỏi và ngày càng gay gắt, phức tạp hơn. Bởi vậy, quan niệm “đối thủ” và “đối tác” đan xen chằng chéo là đặc trưng nổi bật nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc mà lãnh đạo hai nước này phải “đau đầu” tính toán, giải quyết trong thời kỳ thế giới toàn cầu hóa.Quan hệ Nga - Trung Quốc: tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nga và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có bề dày quan hệ hợp tác hữu nghị trong chiến tranh ái quốc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Những năm gần đây, khi mà “sức ép” của Mỹ và phương Tây ngày càng tăng, cả Nga và Trung Quốc đều coi việc tăng cường mở rộng, nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa Nga - Trung Quốc đã và đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu; trên bình diện song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, quân sự, v.v. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,73 tỷ USD. Hai nước cũng đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, như: dầu khí, điện tử, năng lượng hạt nhân, hàng không, văn hóa, giáo dục, v.v. Thông qua các cơ chế hợp tác khu vực, quốc tế, như: Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),... hai nước cũng ủng hộ quan điểm của nhau trong giải quyết những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tăng cường, mở rộng hợp tác về an ninh, quốc phòng, quân sự, nhất là tổ chức các cuộc tập trận chung để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, xuất nhập khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, v.v. Thời gian tới, hai nước có nhiều dự án hợp tác được đánh giá là có giá trị khổng lồ trên các lĩnh vực trọng yếu. Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận định mối quan hệ Nga - Trung Quốc đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong cả lịch sử quan hệ hai nước và có thể được coi là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ giữa các nước lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga, Trung Quốc đều khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc dựa trên nguyên tắc chung sống hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với mục tiêu chính trị, lợi ích quốc gia của mỗi nước. Quan hệ Nga - Trung Quốc kiên quyết không hình thành liên minh quân sự, không nhằm để chống nước thứ ba, nhất là không để đối đầu với Mỹ. Đây được coi là nền tảng chiến lược để quan hệ Nga - Trung Quốc phát triển bền vững.Dư luận kỳ vọng, Mỹ, Nga, Trung Quốc đều là các cường quốc có vai trò quan trọng trên trường quốc tế; cần tăng cường hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm của nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn các thách thức, nguy cơ, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
ĐỨC MINH
Comments[ 0 ]
Post a Comment