Cụ thể, năm 2016, Viện triển khai thực hiện 9 dự án (chủ trì 4 dự án Bộ Quốc phòng, tham gia 5 dự án), 10 đề tài, 12 nhiệm vụ KHCN, 65 nhiệm vụ kỹ thuật ở các cấp, các dự án nhiệm vụ được đánh giá cao về chất lượng và tính thực tiễn.
Điển hình, nổi bật trong loạt đề tài mà Viện Kỹ thuật PK-KQ thực hiện đó là công tác nghiên cứu chế tạo một phần các linh kiện sử dụng trên máy bay Su-27/30 và Su-22M4 hiện đại của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Ví dụ, Viện KT PK-KQ đang thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm máy trả lời MTL-VN2 trên máy bay Su-22M4, máy trả lời MTL-VN3 trên tàu hải quân, thiết bị 6110-VN2 trên máy bay Su-30MK2 đúng tiến độ, đạt kết quả tốt.
….Song song với thực hiện các dự án lớn, Viện KT PK-KQ đã tổ chức nghiệm thu ở các cấp 5/8 đề tài. Các đề tài đã nghiệm thu đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, tiêu biểu là các đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo màn hình đa năng có tích hợp dẫn đường vệ tinh và ghi lưu dữ liệu thay thế khối chỉ thị trực tiếp IPV-1, thiết bị dẫn đường vệ tinh TNL-1000 trong hệ thống điều khiển vũ khí trên máy bay Su-27”, cấp Bộ Quốc phòng đạt mức A…
…. “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công cụm khối CB-5V70-CM của máy tính SIMVOL-GIB trên máy bay Su-27SK”...
Bên cạnh những đề tài đã nghiệm thu và đang triển khai theo kế hoạch, năm 2016, Viện đã bảo vệ thành công đầu vào đề cương 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng năm 2017 là “Hệ thống chỉ thị mục tiêu và dẫn đường HTMD Su-22M4”,…
Ngoài ra, Viện cũng đã chỉ đạo sản xuất kịp thời các loại máy bay không người lái làm mục tiêu cho huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật cho các lực lượng tên lửa và pháo phòng không của Quân chủng năm 2016.
Trong năm 2016, Viện đã triển khai đúng tiến độ và chất lượng các dự án, đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó nổi bật là: Dự án đầu tư tiềm lực giai đoạn II; Dự án chế tạo RV-02 phục vụ dẫn đường không quân; Nhiệm vụ chế tạo máy bay không người lái tốc độ cao UAV-01, UAV-02 làm mục tiêu cho Su-30MK2 và tên lửa S-300 PMU1…
Có thể nói, Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân nói riêng và nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung đang có những tiến bộ vượt bậc. Không có nhiều quốc gia trên thế giới tự nghiên cứu sản xuất các linh kiện máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Và cũng không nhiều quốc gia hiện đã làm chủ quy trình sửa chữa lớn các dòng máy bay tiêm kích thế hệ 4 nhập khẩu. Những năm vừa qua, nhà máy A32 (Quân chủng PK-KQ) đã đại tu thành công các máy bay tiêm kích Su-27UBK hiện đại.
Trước đó, nhà máy A32, A41 cũng đã làm chủ đại tu sửa chữa lớn các máy bay tiêm kích bom Su-22M4, tiêm kích MiG-21, vận tải An-26, máy bay huấn luyện L-39, trực thăng Mi-8/17.
Việc tự sản xuất một phần linh kiện cho máy bay chiến đấu góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho Đảng và Nhà nước. Hi vọng rằng, trong những năm tới, chúng ta sẽ dần làm chủ việc sản xuất các hệ thống lớn (radar, cảm biến, động cơ) trên máy bay Su-27/30 và Su-22M4.
An Ninh (tổng hợp báo PK-KQ, kênh QPVN)
Báo Kiến Thức
Comments[ 0 ]
Post a Comment