Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền trong điều kiện kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc. Sau 30 năm phát triển chạy theo tốc độ, còn gọi là phát triển thô, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhân dân Nhật báo ngày 21/12/2014 viết: “Khủng hoảng lòng tin đã trở thành vấn đề lớn nhất của xã hội Trung Quốc hiện nay”.Về chiến lược, ông Tập quyết tâm chỉ đạo đi sâu cải cách toàn diện, xem đó là con đường duy nhất để giải quyết mọi tồn tại, phát triển là đạo lý cứng, đặt xây dựng kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị.Để lãnh đạo thì phải gia cố quyền lực. Tình hình đặc biệt thì có giải pháp đặc biệt. Trung Quốc hiện có 22 loại tiểu tổ, Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu 8 tiểu tổ quan trọng, ngoài 3 chức cao nhất Đảng, Nhà nước, quân đội.Chủ trương quan trọng đầu tiên của ông Tập Cận Bình là đổi mới hình ảnh của Đảng trong con mắt dân chúng. Cuộc họp đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 18 ngày 04/12/2012 thông qua “Quy định 8 điểm về cải tiến tác phong làm việc, liên hệ mật thiết với quần chúng”. Chỉ rõ: muốn xây dựng tác phong phải làm từ Bộ Chính trị, muốn yêu cầu người khác làm, bản thân mình phải làm trước, muốn yêu cầu người khác không làm, bản thân mình phải kiên quyết không làm. Hàng tá lãnh đạo địa phương đã bị kỷ luật vì tổ chức linh đình đám cưới con hoặc “mừng con vào đại học”. Nếu như một lãnh đạo cấp cao trong một cuộc chiêu đãi khách nước ngoài uống 4 chai rượu ngoại trị giá 40 triệu đồng Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã công bố tên tuổi và kỷ luật lãnh đạo ấy rồi. Ủy ban này ở Trung Quốc do Đại hội đảng toàn quốc bầu ra, là một cơ quan độc lập, có quyền như “Thượng phương bảo kiếm” tiền trảm hậu tấu. Ủy ban lập trang web hàng ngày công khai thông báo danh sách quan chức vi phạm kỷ luật.
Chống tham nhũng là một trong công việc trọng điểm xây dựng, chỉnh đốn đảng. Lãnh đạo Trung Quốc xem tham nhũng là thách thức đến từ bên trong, liên quan đến tồn vong của đảng và nguy hiểm hơn cả thách thức đến từ bên ngoài “diễn biến hòa bình”. Mục tiêu chống tham nhũng không phải chỉ là “thu về được bao nhiêu tiền”, mà thực hiện 16 chữ: “Trị ngọn lẫn gốc, xử lý tổng hợp, trị - phòng đồng thời, chú trọng dự phòng”.
Về chỉ đạo kinh tế, ông Tập Cận Bình đã đưa ra các nhận định và yêu cầu gồm 10 điểm: (1) Tăng cường và cải thiện điều tiết vĩ mô, đẩy nhanh điều chỉnh kết cấu kinh tế, chuyển biến phương thức phát triển kinh tế, làm cho phát triển kinh tế lành mạnh bền vững được đặt trên cơ sở mở rộng nội nhu; (2) Phải kiên trì “ổn trung cầu tiến”, thúc đẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả, tích cực phát hiện và bồi dưỡng các điểm tăng trưởng mới, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế phải được giữ trong khuôn khổ hợp lý; (3) Đi sâu điều chỉnh mang tính chiến lược đối với kết cấu sản nghiệp (ngành nghề), nâng cao tố chất toàn diện của sản nghiệp; (4) Ưu hóa không gian phát triển kinh tế, hoàn thiện chính sách khu vực, thúc đẩy các khu vực phát triển hài hòa, hiệp đồng phát triển, cùng phát triển; (5) Bảo đảm vật gía ổn định, tạo môi trường tốt cho thúc đẩy cải cách và điều chỉnh kết cấu; (6) Nắm chắc công tác “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển nông nghiệp, tăng cường cơ sở nông nghiệp, bảo đảm cung ứng sản phẩm nông nghiệp; (7) Thúc đẩy phát triển nhất thể hóa thành thị - nông thôn, thúc đẩy một cách tích cực, ổn thỏa quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị hóa; (8) Kiên trì thực hiện chiến lược “khoa giáo hưng quốc”, nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội; (9) Kiên trì đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, thực hiện “ưu tiên dân sinh, thúc đẩy công bằng xã hội, đẩy mạnh công tác bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân, làm cho thành quả của phát triển đến với người dân càng nhiều, càng công bằng hơn; (10) Thực hiện tích cực chủ động hơn chiến lược mở cửa, tạo ra ưu thế cạnh tranh mới, nâng cao toàn diện trình độ kinh tế mở.
Bài học nổi bật của 4 năm chấp chính Tập Cận Bình là đổi mới chiến lược đi cùng với giải pháp và biện pháp thực hiện toàn diện, đồng thời quyết tâm, quyết liệt và kiên trì thực hiện từ trung ương đến địa phương, nhưng quyết tâm của ban lãnh đạo cấp cao nhất là quan trọng nhất. Trong suốt 4 năm qua, quyết tâm chính trị không bị lung lay, trọng tâm kinh tế không bị dao động, dù tình hình có nhiều biến động.
4 năm qua mới chỉ là chặng đường đầu tiên. Nhiều tồn tại vẫn chưa giải quyết được.
Năm 2017 với Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc là cột mốc trọng yếu trên chặng đường sẽ quyết định ông Tập Cận Bình để lại dấu ấn gì trong lịch sử Trung Hoa./.
Nguyễn Ngọc Trường
Theo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment