Mặc dù cùng theo đuổi một mục tiêu, rất có thể Trump sẽ sử dụng những biện pháp khác người tiền nhiệm của mình.
Hai tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis (trái) và USS Ronald Reagan tập trận phối hợp, ảnh chụp ngày 18.6.2016 trên biển Philippines. Ảnh: Hải quân Mỹ/ Thanh niên
Sẽ không “đảo chiều”?
Mặc dù Trump từng nhiều lần phát ngôn "gây sốc" trên quãng thời gian tranh cử, nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm sắp tới dù có thể thay đổi nhưng sẽ không "đảo chiều". Và Biển Đông sẽ vẫn là trọng tâm trong Chiến lược Châu Á của Mỹ.
Thứ nhất, lịch sử cho thấy, lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ gần như không thay đổi bất kể ai lên làm tổng thống. Mỹ chưa bao giờ nhượng bộ một đối thủ chiến lược nào khi điều đó đe doạ an ninh quốc gia và vị trí siêu cường số một của mình. Nhìn từ Washington, một khi bị Trung Quốc đe doạ vị trí độc tôn, thì đối với Mỹ, Trung Quốc sẽ không khác Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là bao.
Thứ hai, gần như chưa có tổng thống Mỹ nào thay đổi hoàn toàn chính sách của người tiền nhiệm. Đa số sẽ gỡ bỏ một phần, sửa đổi một phần và giữ lại một phần. Dưới thời Trump, khả năng cao xu hướng đơn phương và cứng rắn trong chính sách ngoại giao Mỹ sẽ mạnh hơn, nhưng không có nghĩa là Trump sẽ hủy bỏ toàn bộ những gì Obama đã đạt được.
Nhìn chung, nhiều khả năng Trump sẽ kế tục phần nào chính sách "xoay trục về Châu Á" của Obama và theo dõi sát sao tình hình tranh chấp ở Biển Đông, tuy cách tiếp cận và các quyết sách cụ thể có thể sẽ khác. Nếu Mỹ nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông và hải quân Mỹ đánh mất khả năng tự do đi lại của mình ở vùng biển này, khả năng tác chiến của quân đội Mỹ ở Châu Á sẽ bị suy giảm đáng kể.
Điều này có thể đe doạ nghiêm trọng an ninh của các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản hay Philippines nếu có xung đột vũ trang xảy ra giữa họ và Trung Quốc. Một khi các đồng minh không thể hoàn toàn tin tưởng vào sự đảm bảo về an ninh của Mỹ nữa, họ sẽ buộc phải gia tăng chi tiêu quốc phòng. Trên thực tế, điều này đã và đang xảy ra. Hệ quả tiềm tàng là một cuộc chạy đua vũ trang làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Đây là điều Mỹ không muốn.
Mục tiêu cũ, cách chơi khác?
Mặc dù cùng theo đuổi một mục tiêu, rất có thể Trump sẽ sử dụng những biện pháp khác người tiền nhiệm của mình.
Thứ nhất là các chính sách về thương mại. Bởi việc rút ra khỏi TPP là một trong những lời hứa hẹn lớn nhất của Trump với cử tri khi tranh cử, nên kể cả Mỹ có không đơn phương rút ra khỏi hiệp định này sau khi Trump nhậm chức, thì việc hoãn thông qua TPP trong thời gian trước mắt gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Mặc dù vậy, về lâu dài áp lực để phê chuẩn sẽ vẫn tồn tại trong chính trị Mỹ do gắn kết lợi ích với nước Mỹ và Đảng Cộng hòa. Kể cả khi không theo đuổi TPP nữa thì trụ cột kinh tế - thương mại vẫn không thể bị gỡ bỏ. Vẫn có khả năng Trump sẽ triển khai đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương ở Châu Á để mở rộng thị trường cho nền kinh tế Mỹ và củng cố vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Thứ hai là sự suy giảm vai trò của các cơ chế đa phương. Chính sách đối ngoại của Trump nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh các mối quan hệ song phương và coi nhẹ các thể chế đa phương hơn so với thời Obama. Vì vậy, nếu Mỹ có tiếp tục coi trọng Biển Đông, khả năng cao là nước này sẽ không tận dụng các kênh ngoại giao đa phương như ASEAN, ARF, EAS, mà sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia có tranh chấp. Điều này có thể sẽ gây bất lợi cho những quốc gia nhỏ.
Thứ ba là con bài hoà hoãn (détente) Mỹ - Nga. Với những lời khen mà Trump đã dành cho Putin trong thời gian vừa qua, rất có thể Trump sẽ tìm cách "tái khởi động" lại mối quan hệ với Nga để tạo ra thế "Nixon đảo ngược". Nói cách khác, thay vì dùng "lá bài Trung Quốc" để tạo thế đối trọng với Liên Xô như Nixon từng làm trong Chiến tranh Lạnh, Trump sẽ dùng "lá bài Nga" để đẩy Trung Quốc vào thế yếu và buộc Trung Quốc phải hoà hoãn.
Ngoài ra, quan hệ tốt với Nga sẽ giúp Trump dễ dàng hơn trong xử lý vấn đề Trung Đông như đã hứa với cử tri trước đó. Trừ khi Nga tiếp tục có những động thái khiến Mỹ và các đồng minh NATO cảm thấy bất an, gần như chắc chắn một sự thoả hiệp Mỹ - Nga sẽ xảy ra, đặc biệt khi các đòn trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga trong suốt thời gian vừa qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Do đó, đối với các quốc gia ở Biển Đông, tác động từ chiến thắng của Trump vẫn còn là một câu hỏi. Bắc Kinh chắc chắn không ưa chính sách ngoại giao cứng rắn của Hillary nhưng buộc phải dè chừng trước sự khó đoán của Trump. Đặc biệt khi những tuyên bố từ trước tới nay của Trump nhằm vào Trung Quốc là rất gay gắt, ít nhất là về tiền tệ và thương mại.
Các nước nhỏ hơn trong khu vực có lẽ sẽ trông đợi vào Trump để tạo ra một sự chuyển biến đủ lớn để hoá giải thế bế tắc hiện nay ở Biển Đông, song cũng sẽ thấy bất an trước một khả năng không thể loại trừ là Mỹ-Trung bắt tay hoà hoãn. Tuy nhiên do Mỹ-Trung vẫn đang ở thế đối đầu hết sức gay gắt, khả năng hoà hoãn là rất thấp.
Do đó, có thể sẽ là một gợi ý khôn ngoan cho các bên còn lại trong tranh chấp ở Biển Đông là khai thác triệt để mâu thuẫn Mỹ - Trung, đồng thời thuyết phục Bắc Kinh nhượng bộ, trong bối cảnh các cơ chế đa phương trong khu vực được dự đoán sẽ mất vai trò chủ đạo như đã nói ở trên.
NCS. Ngô Di Lân, ĐH Brandeis, Hoa Kỳ
(cùng nhóm nghiên cứu thuộc Sáng Kiến Việt Nam)
Theo Tuần VietNamNet
Comments[ 0 ]
Post a Comment