Một tàu lặn tự hành (UUV) của Hải quân Mỹ vừa bị tàu chiến Trung Quốc chiếm đoạt khi đang trên đường quay về tàu mẹ ở gần vịnh Subic, Philippines ngày 15.12. Loại UUV này hoạt động như thế nào?
Một UUV loại "tàu lượn đại dương" của Hải quân Mỹ, tương tự loại mà Lầu Năm Góc nói bị Trung Quốc chiếm đoạt, đang được thu hồi từ lòng biển vào tháng 10.2016 ở ngoài khơi Scotland.
Vụ việc xảy ra lúc 13 giờ 45 chiều 15.12. Lúc đó tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Hải quân Mỹ đang trên Biển Đông, cách vịnh Subic của Philippines khoảng 80 km và đang trong quá trình thu hồi hai chiếc UUV. Bám theo tàu Mỹ là tàu cứu hộ tàu ngầm ASR-510 lớp Dalang III của Trung Quốc. Tàu Trung Quốc đã thả 1 xuồng cùng thuỷ thủ "tóm" lấy một chiếc UUV của Mỹ khi đang tiến về tàu mẹ. Vụ việc xảy ra ngay trước mắt người Mỹ, khi tàu của hai nước chỉ cách nhau khoảng 500 m, theo thông báo của Lầu Năm Góc ngày 16.12 (giờ Mỹ).
Dù tàu Mỹ liên lạc bằng điện đàm yêu cầu trả UUV nhưng tàu Trung Quốc không trả lời và bỏ đi lập tức.
Lầu Năm Góc cũng nói thêm rằng loại UUV bị Trung Quốc chiếm đoạt thường được gọi là "tàu lượn dưới nước", giá khoảng 150.000 USD/chiếc. Loại này dài từ 1,5 - 3 m, sơn màu vàng.
Wall Street Journal ngày 16.12 cho biết UUV bị Trung Quốc chiếm thuộc loại tàu lặn tự hành gọi là Cảm biến thăm dò chiến trường ven biển, chế tạo cho Bộ chỉ huy các hệ thống tác chiến hải quân và không gian (SPAWAR). UUV loại này thường được chở trên các tàu thăm dò đại dương như chiếc Bowditch.
Một UUV loại "tàu lượn đại dương" của Hải quân Mỹ
Còn theo trang tin USNI News ngày 16.12, loại UUV mà Trung Quốc chiếm của Mỹ không phải loại hiện đại nhất, và thường được sử dụng để thăm dò lòng biển như đo đạc nhiệt độ nước, độ sâu đáy biển, dòng chảy… Các dữ liệu này được Hải quân Mỹ thu thập và có thể dựng nên biểu đồ về vùng biển đó, giúp tàu ngầm di chuyển dễ dàng.
Loại UUV này thường được gọi là tàu lượn đại dương, có dạng hình trụ như 1 quả ngư lôi, có 2 cánh bên thân và 1 cánh đuôi vuông góc với thân (dùng để truyền tín hiệu lên vệ tinh). Loại UUV này không có động cơ để di chuyển như các UUV hiện đại sau này, mà được lập trình điều khiển các cánh nương theo dòng chảy để di chuyển lên - xuống và tiến tới. Tốc độ di chuyển của UUV rất chậm chạp, chỉ vài km/giờ. Chúng được các tàu mẹ như USNS Bowditch thả ra và theo dõi hành trình.
Một chiếc UUV loại này có thể hoạt động từ 4 - 6 tháng nhờ nguồn pin dự trữ trong thân, thu thập các dữ liệu và sau đó trồi lên mặt biển, truyền tín hiệu đến vệ tinh (thường là hệ thống vệ tinh thương mại Irridium), tín hiệu truyền đến Trung tâm không gian Stennis ở bang Mississippi. Xử lý các thông tin do UUV gửi về là các nhân viên dân sự được Hải quân Mỹ thuê mướn. Thông tin từ UUV không được xếp vào loại mật.
Sơ đồ hoạt động của UUV loại "tàu lượn đại dương" của Hải quân Mỹ, USNI
Ông Eric Wertheim, biên tập tạp chí Combat Fleets của Học viện Hải quân Mỹ nói với USNI News rằng tuy UUV là loại thiết bị không tân tiến, nhưng Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho mảng thiết bị lặn tự hành nên bất cứ thông tin nào họ lấy được của nước ngoài về lĩnh vực này đều có ích.
Hải quân Mỹ được cho có khoảng 150 UUV thăm dò lòng biển.
Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc can thiệp vào các thiết bị của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, theo Defense News ngày 16.12. Ngày 8.3.2009, nhiều tàu cá Trung Quốc được cho là lực lượng dân quân biển đã bao vây tàu trinh sát thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ đang ở khu vực cách phía nam đảo Hải Nam khoảng 100 km, cố cắt cáp nối thiết bị thăm dò sóng âm của tàu Mỹ thả ra nhưng không thành.
Vật thể lạ mắc lưới tàu cá ngư dân Ninh Thuận được kéo vào lạch Thái Ai, xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải (Ninh Thuận) ngày 8.4.2016CTV
Hồi đầu năm 2016, một UUV của Hải quân Mỹ mắc vào lưới một tàu cá Việt Nam, sau đó thiết bị này đã được giao lại cho Mỹ, cũng theo Defense News.
Anh Sơn
Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment