Tạp chí uy tín của Pháp ngữ ra số đặc biệt về Biển Đông
Friday, December 30, 2016
Tờ tạp chí uy tín của Pháp ngữ đã ra số đặc biệt với các hình ảnh, bài viết, tham luận và các bài phỏng vấn liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Trang bìa của tờ tạp chí
Biển Đông, vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ đề chính của tạp chí "Francophonie Actualités", một tạp chí tiếng Pháp có uy tín về tình hình quốc tế, số ra mới đây.
Nổi bật trên trang bìa là hình ảnh chiến sỹ Hải quân đứng gác bên bia chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam tại đảo lớn Trường Sa.
Phần đầu 77 trang của tạp chí dành trọn cho chủ đề Biển Đông với tập hợp các bài viết, tham luận, các trả lời phỏng vấn của giới chuyên môn và các nhân chứng về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là về những tham vọng của Trung Quốc tại khu vực và phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về "Đường 9 đoạn".
Tạp chí được minh họa sinh động bởi hình ảnh các bản đồ cổ và ảnh vệ tinh mới chụp về Hoàng Sa, Trường Sa.
Được bố cục rõ ràng, phần "Toàn cảnh" được đặt trên cùng, nêu khái quát lịch sử Biển Đông và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng các cứ liệu và các văn bản quốc tế, mà gần đây nhất là Hội nghị San Francisco năm 1951.
Tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông xuất phát từ tham vọng bá quyền của Trung Quốc với yêu sách "Đường 9 đoạn".
Việc nước này đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam, bồi đắp, thay đổi nguyên trạng vì mục đích quân sự.
Phần "Góc nhìn lớn" tiếp theo gồm tập hợp các tham luận và phỏng vấn của giới chuyên môn về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau bài viết "Nơi thấm sâu hồn thiêng Việt Nam" là các bài trả lời của ông Nguyễn Nhã, một luật sư và một nhà sử học, tác giả của nhiều cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa.
Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học và lịch sử thành phố Đà Nẵng, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Đại học Khoa học xã hội TP.HCM, Tăng Công Ngữ - nguyên Trưởng quần đảo Hoàng Sa, Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu tốt nghiệp đại học Yale (Mỹ), Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng khoa Luật quốc tế Đại học Hà Nội... cũng có bài trả lời trên tạp chí "Francophonie Actualités".
Các tác giả đề cập đến vấn đề Biển Đông theo nhiều góc độ, dựa trên các luận cứ khoa học về tự nhiên và lịch sử, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa, tính thiếu căn cứ của cái gọi là "Vùng nước lịch sử" và sự tham lam của "Đường 9 đoạn" hay "Đường lưỡi bò" Trung Quốc tự vạch ra nhằm thâu tóm trên 80% diện tích Biển Đông.
Phần "Công pháp quốc tế" và "Quan điểm chuyên gia" gồm những bài viết và phát biều của giới chuyên môn về nguyên nhân gây nên tình hình căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề bảo về Luật biển 1982 ý nghĩa phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, những đánh giá về sự phát triển của tình hình khu vực cùng giải pháp phù hợp cho vấn đề.
Đó là cuộc trả lời phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quý Bình - tốt nghiệp khoa luật, đại học Harvard (Mỹ), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp quốc.
Các bài viết của nhà phân tích Didier Cormorand trên tờ "Le Monde Diplomatique" tháng 6/2016, của Giáo sư sử học Pierre Journoud trên tờ "Tribune số 808, của chuyên gia về Biển Đông, tướng Daniel Schaffer, của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu địa-chiến lược Quesbec Eric Mottet, của Tiến sỹ Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia châu Á thuộc Viên Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI).
Tạp chí cũng dành một phần để ghi lai các cuộc trao đổi với các nhân chứng liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Việt Nam gần đây.
Đó là cuộc trao đổi với thuyền trưởng Lê Đình Rê, từng tham gia trận hải chiến ác liệt chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/4/1974.
Hay cuộc trao đổi với ông Trần Thiên Phùng, chiến sỹ từng tham gia trận chiến chống Trung Quốc xâm chiến đảo Gạc Ma ngày 13/3/1988...
Người chủ trì số đặc biệt này của tạp chí "Francophonie Actualités" là ông Joseph Ahekoe, Giám đốc xuất bản và Chủ biên tạp chí.
Ông là người Pháp gốc Bờ Biển Ngà, đã sang thăm, làm việc tại Việt Nam nhiều lần và có cảm tình đặc biệt với đất nước, con người Việt Nam.
Việc ra số đặc biệt về Biển Đông này của tạp chí xuất phát từ mối quan tâm tới tình hình đất nước Việt Nam mà ông Joshep yêu mến, tình hình khu vực gắn bó với Khối Pháp ngữ mà ông quan tâm, cũng như đáp ứng mối quan tâm của độc giả Pháp và các nước trong khối Pháp ngữ.
Để tập hợp được những tư liệu có giá trị, khách quan cho chủ đề, ông và các đồng nghiệp đã mất nhiều tháng thu thập, tiếp xúc, phỏng vấn tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới./.
Thái Dương/VOV-Paris
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment