TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ VỚI ĐỒNG BÀO THIÊN CHÚA GIÁO
Saturday, December 24, 2016
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm đến đồng bào tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các giáo dân và thực hiện đoàn kết tôn giáo. Trong tư tưởng của Người, xây dựng, củng cố và phát huy nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết với đồng bào thiên chúa giáo luôn là vấn đề sống còn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, quyết định sự tồn vong của dân tộc.
Ảnh Bác Hồ nói chuyện với đồng bào Công giáo Thạch Bích.
1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan và thử thách, Bác Hồ đã có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nền văn hoá phương Đông và phương Tây, và trong quá trình thâm nhập đời sống thực tế, nghiên cứu các học thuyết chính trị, các giáo lý tôn giáo tại chính quê hương của nó, Người đã tiếp thu, kế thừa, đã chắt lọc những giọt tinh tuý của từng học thuyết tôn giáo. Người nhận thức rằng, Thiên chúa giáo cũng như các giáo lý tôn giáo khác đều hướng đến việc mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Vì vậy, Thiên chúa giáo bên cạnh ý nghĩa chính trị còn mang đậm yếu tố văn hoá, đạo đức. Với ý nghĩa đó, Thiên chúa giáo đã trở thành nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân lao động.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam - nơi có nhiều cộng đồng cư dân cùng sinh sống, nơi tín ngưỡng giữa đạo và đời đồng hành ngự trị trong đời sống tâm linh của người dân, Bác Hồ đã nhìn thấy những điểm chung của các bậc tiền nhân sáng lập Thiên chúa giáo. Người gạn lọc những tinh hoa trong kho tàng giá trị của đạo Thiên chúa những điều cần thiết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh dường như bao la, nhân ái hơn khi hoà đồng, kết hợp tâm hồn, đạo đức và cốt cách của con người Việt Nam với tư tưởng “cứu thế, độ dân, hy sinh cho tự do” của Đức Chúa GiêSu, để không chỉ giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thực hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo, mà còn luôn thực hiện đoàn kết với đồng bào đồng bào Thiên chúa giáo trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Là lãnh tụ của cách mạng, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng: đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, nên muốn huy động sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết, muốn toàn thể đồng bào cùng hiệp lực chống kẻ thù chung, thì tất yếu không thể không quan tâm đến vai trò của đồng bào Thiên chúa giáo. Ngay từ những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến Thiên chúa giáo, đến các giáo dân và động viên họ góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng. Vì vậy, ngay sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám 1945, cùng với việc tuyên bố Việt Nam độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã thực hiện một trong 6 nhiệm vụ cấp bách, đó là tuyên bố: “TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết” (1).
Tiếp đó, tập trung thực hiện khẩu hiệu: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp bàn về tôn giáo, bàn biện pháp để chống khiêu khích, bảo vệ khối đại đoàn kết giữa Lương và Giáo để giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo. Người từng nhấn mạnh: “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia, và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam, và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”(2).
Bác Hồ, dù bộn bề công việc quốc gia đại sự vẫn không quên gửi thư chúc mừng đồng bào công giáo mỗi dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh, đồng thời kêu gọi các giáo dân hãy vì “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết” mà ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trên tinh thần “thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do”, Người đã luôn thực hành nguyên tắc “vì đại cục” để kiên trì thực hiện đoàn kết giữa Giáo và Lương trong suốt những năm kháng chiến và kiến quốc.
2. Thực hiện sự chia rẽ khối đoàn kết của toàn dân, thực dân Pháp và các thế lực phản động luôn dùng chiêu bài kích động Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung với tôn giáo. Không để kẻ thù chia rẽ và phá hoại sức mạnh của khối đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo, Bác Hồ không chỉ quan tâm đến vấn đề tôn gióa, mà còn mềm dẻo trong cách ứng xử với với các vị chức sắc tôn giáo, với các giáo dân. Nôen năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chúc đến Giám mục Lê Hữu Từ, “kính chúc cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”, đồng thời “nhờ cụ chuyển lời tôi chúc phúc cho toàn thể đồng bào công giáo”(3).
Người thành tâm “đề nghị toàn thể đồng bào công giáo trong kỳ lễ Nôen này cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi”(4).
Sau đó, trong bức thư gửi đồng bào công giáo toàn quốc nhân lễ Thiên chúa giáng sinh năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Đồng bào hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Tôi cầu nguyện Chúa luôn luôn ban phúc lành cho đồng bào”(5). Đặc biệt, khi thực dân Pháp tấn công xứ đạo Bùi Chu, Phát Diệm, Nôen năm 1949, Người đã gửi thư chia sẻ những mất mát của các giáo dân vì đất Thánh bị xâm phạm, và đồng bào “đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man”.
Vào những thời điểm nhạy cảm, Người đã linh hoạt trong từng quyết sách, từng bước giải quyết mâu thuẫn, giải quyết những xung đột nảy sinh giữa Lương và Giáo, giữa giáo dân và chính quyền cách mạng để củng cố và phát triển sự đoàn kết giữa Giáo và Lương. Mềm dẻo, đi sâu vào lòng người, luôn tôn trọng niềm tin của người dân vào giáo lý, Bác Hồ đã bằng tấm lòng thành, tầm nhìn xa, biện pháp linh hoạt để không chỉ giáo dục, giác ngộ tín đồ Thiên chúa giáo, mà còn thực hiện thành công chiến lược đoàn kết với đồng bào Thiên chúa giáo. Trên tinh thần đó, một mặt, Người kiên quyết với những kẻ đầu sỏ, chống đối cách mạng, trở thành kẻ thù của cách mạng, mặt khác, Người khoan dung, nhân ái với những người nhẹ dạ, cả tin, và vì thiếu hiểu biết mà bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường sai trái.
Xót xa, đồng cảm với những con chiên nhẹ dạ, cả tin, vì không hiểu mà bị dụ dỗ, rời miền Bắc đi theo “Chúa di cư vào Nam”, để rồi phải sống những tháng ngày khổ cực, thậm chí bị bắn, bị giết hại, dùng bút danh C.B, Bác Hồ viết và chỉ rõ những điều giả dối và tội ác của chính quyền họ Ngô trong bài báo: “Tội ác của Ngô Đình Diệm” đăng trên báo Nhân dân, ngày 29/9/1954. Nội dung bài báo như sau:
“Diệm là người công giáo cũng như xưa kia Giu-da là người công giáo. Diệm được thực dân Pháp dung túng, đã lợi dụng đạo Chúa để dụ dỗ và ép buộc một số đồng bào công giáo nhẹ dạ bỏ quê hương vào Nam.
Diệm hứa hẹn với họ: Vào Nam mỗi người sẽ được 3 mẫu ruộng, 2 con trâu, mỗi ngày được 35 đồng bạc, và được …lên Thiên đường.
Những khi lên Hà Nội, xuống Hải Phòng, thì nhiều đồng bào ấy đã lâm vào một cuộc đời lênh đênh, cực khổ. Lúc vào đến Nam lại càng vất vả. Chẳng thấy ruộng đâu, trâu đâu, mà cơm gạo hàng ngày nhiều khi cũng thiếu.
Không những thế, nội bộ bọn Diệm tranh quyền, đoạt lợi, xung đột lẫn nhau. Diệm mưu đẩy Hinh, Hinh muốn lật Diệm, chúng xúi dục những đồng bào ấy biểu tình, ủng hộ tên này, phản đối tên kia. Rồi chúng bắn xả vào đám đồng bào vô tội, làm nhiều người chết và bị thương, như đã xẩy ra trong những ngày gần đây.
Lợi dụng đạo Chúa để làm ô danh Chúa, lợi dụng đồng bào rồi giết hại đồng bào. Tội các của bọn Diệm thật là:
Chẻ hết tre rừng không chép hết
Tát khô nước bể khó rửa xong!”
Mặt khác, để khẳng định niềm tin của giáo dân vào chế độ XHCN ở miền Bắc, Người khẳng định: “Đồng bào công giáo các giới hăng hái tham gia mọi công việc xây dựng nước nhà... và con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng” (6). Đó chính là tấm lòng của Bác Hồ với tôn giáo nói chung, với đồng bào Thiên chúa giáo nói riêng, thể hiện quan điểm đại đoàn kết - điểm cốt lõi trong hệ thống quan điểm tôn giáo của Người.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động, lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề tôn giáo. Tấm lòng, sự quan tâm của Bác Hồ thể hiện trong nhiều bức thư, nhiều bài viết. Trong đó, Người động viên các giáo dân hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy “sống theo Đảng chết theo Chúa”, vì trong tư tưởng của Người, lòng yêu quê hương đất nước, yêu CNXH không đối lập, và dù là Lương hay Giáo thì mỗi người dân “con Rồng, cháu Lạc” đều có thể vừa là công dân tốt, vừa là tín đồ chân chính.
3. Từ những bức thư, từ sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Thiên chúa giáo, có thể cảm nhận được tấm lòng của Người với các giáo dân, dù họ đang sinh sống ở miền Nam hay miền Bắc, dù đã giác ngộ hay còn chưa được giác ngộ, đều chân thành và nhân ái, bao dung và thân tình. Có niềm tin mãnh liệt vào con người, tình cảm, tấm lòng của Bác Hồ với các tôn giáo nói chung, Thiên chúa giáo nói riêng dường như làm cho bao la nhân ái Hồ Chí Minh sâu sắc, đậm nét hơn. Và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được nhân lên, mạnh hơn lên khi có sự góp sức của đồng bào Thiên chúa giáo. Nguồn sức mạnh to lớn đó đã không chỉ làm nên thành công của cuộc cách mạng tháng tám 1945, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn đưa đất nước Việt Nam XHCN ngày một phát triển và giàu mạnh.
Bác Hồ đã đi xa, nhưng tấm lòng của Người với đồng bào Thiên chúa giáo vẫn còn sâu đậm mãi. Vì dù đã đi xa, song những bức thư của Bác Hồ chúc mừng các giáo dân nhân dịp Lễ Thiên chúa Giáng sinh lúc sinh thời vẫn có ý nghĩa tinh thần to lớn đối với các con chiên của Đức Chúa. Năm 1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: "Tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?", Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định thái độ của những người cộng sản đối với tôn giáo: "Không. ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy".
Độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam không chỉ là sự lựa chọn đúng, mà còn là con đường phát triển hợp quy luật thời đại. Dù là ai, nói thế nào và bằng phương cách gì, theo tôn giáo nào thì cũng vẫn thuộc về một dân tộc, vẫn không ngoài một khát khao được sống trong độc lập, tự do, hòa bình và được mưu cầu hạnh phúc.
Cùng với thời gian, tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Thiên chúa giáo vẫn không phai mờ. Ngày 12/6/1987, tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Huế” do Thành ủy Huế tổ chức, linh mục Nguyễn Văn Ngọc đã kể lại sự quan tâm của Bác đối với đồng bào công giáo như sau: Năm 1949, khi Việt Minh bao vây thành phố Huế, linh mục Nguyễn Văn Ngọc lúc đó đảm đương việc ruộng đất của nhà chung tại giáo xứ Lương Văn có trách nhiệm cung cấp lương thực cho 600 linh mục, chúng sinh của dòng tu của thành phố Huế. Nhưng vì Huế đang bị bao vây nên không có cách nào chở gạo vào cho nhà chung. Linh mục đã gặp cán bộ Việt Minh có trách nhiệm, các đồng chí khuyên linh mục nên viết thư xin phép Bác Hồ. Linh mục đã đánh bạo viết thư gửi Bác mà không dám hy vọng nhận được thư trả lời. Nhưng một tháng sau, các đồng chí chuyển cho linh mục Ngọc một tấm thiếp có chữ ký, con dấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung sau:
Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được chở 9000 thúng lúa lên thành phố Huế trong vòng 1 tháng để cấp cho nhà chung; Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của nhà chung, tiếp tục trồng cấy, không được để ruộng đất bỏ hoang. Nhờ có “tấm giấy phép đặc biệt” của Bác Hồ, linh mục Nguyễn Văn Ngọc đã cứu nguy cho hơn 600 linh mục, giáo dân của thành phố Huế.
Bác Hồ là vị lãnh tụ cách mạng, là nhà hiền triết phương Đông, ở Người có sự kết hợp hoàn chỉnh giữa “đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”(7), và suốt đời phấn đấu hy sinh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân Việt Nam và nhân loại cần lao hạnh phúc trong hòa bình.
Thực hiện đoàn kết tôn giáo bằng cách “luôn luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng..., thực hiện đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và trong nội bộ từng tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”(8), để “tập hợp đông đảo các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”(9) theo những kinh nghiệm, những chỉ dẫn của Bác Hồ luôn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ôn lại tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ đối với đồng bào Thiên chúa giáo trong dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh năm nay, là thêm một lần thiết thực Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- đạo đức nhân văn và bao dung vì hạnh phúc con người ./.
Thái Thu Hà
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t. 4, tr. 9
(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 2006, t.3, tr.10
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 312
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 333
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 538
(6) Hồ Chí Minh , Sđd, t.11, tr. 314
(7) Trích theo Phạm văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, Nxb. Sự Thật, H.1991, tr.19
(8) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7-BCHTW khoá IX, Hà Nội 2003, tr89, tr46
(9) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7-BCHTW khoá IX, Hà Nội 2003, tr89, tr46
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment