Cho đến mùa thu năm 1408, một dải giang sơn từ Nghệ An đến Hóa Châu đã được nhà Hậu Trần khôi phục lại chủ quyền. Sức người sức của trong vùng giải phóng đủ cho Giản Định đế hoàn thành công cuộc đánh đuổi giặc Minh.
Phục dựng binh lính Việt thế kỷ 14-15
Khi quyết định rút đại quân về nước, Trương Phụ đặt nhiều kỳ vọng vào ngụy quan Phạm Thế Căng. Thực tế Phạm Thế Căng không làm được gì nhiều ngoài việc tự tung ra oai trong vùng. Y tự xưng là Vũ Duệ Đại Vương, đóng đại doanh ở núi An Đại (thuộc Lệ Thủy, Quảng Bình ngày nay), muốn dùng phủ Tân Bình làm chỗ chắn ngang đường nhà Hậu Trần tiến quân của ra bắc. Nhưng với đặc thù của vùng phía nam Đại Việt là hẹp về đường bộ, rộng về đường biển thì sự phòng giữ của Phạm Thế Căng trở nên vô ích. Khi Trương Phụ rút về bắc, Đặng Tất giao hậu phương Hóa Châu lại cho hai người em trai Đặng Đức, Đặng Quý cai quản. Còn bản thân Đặng Tất cùng vua Giản Định đem thủy quân vượt biển tiến thẳng ra chiếm lại Nghệ An.
Thành Nghệ An bấy giờ do ngụy quan Phan Quý Hữu đóng giữ. Tuy quân lực trong thành không bằng quân Hậu Trần, nhưng nếu dựa vào thành trì mà chống giữ thì cũng có khả năng gây thương vong đáng kể cho quân công thành. Biết được điều đó, Đặng Tất một mặt cho quân phô trương thanh thế, mặt khác thảo thư chiêu hàng Phan Quý Hữu. Lời lẽ trong thư chiêu hàng của Đặng Tất hết sức khiêm nhường, được giao cho chính người con trai trưởng của ông là Đặng Dung đem thư chuyển tận tay Phan Quý Hữu. Thư viết :
“… Đệ cùng với đại huynh nguyên là thần tử nhà Trần. Bởi mệnh trời đổi trở thành bề tôi họ Hồ, mới đây mới khuất thân về với Thiên triều [chỉ giặc Minh]. Từ đó ngày đêm đau đáu niềm tủi hổ, thân làm quốc sĩ mà phải chịu phận hàng thần, đắc tội với xã tắc, mang tiếng xấu ngàn thu.
Nay đệ quản Hóa Châu, sĩ tốt có hơn 10 ngàn. Nếu được đại huynh dùng tướng hùng binh mạnh của Hoan Châu chung sức chung lòng thì một dải từ Mã Giang đến Hải Vân Sơn lo gì không trở thành đất Ba Thục của nhà Hậu Hán [tức nước Thục của Lưu Bị thời Tam Quốc].
Đệ liều chết dâng thư này, bộc bạch ruột gan, nên chăng thế nào mong đại huynh chỉ giáo.” (theo sử gia Đặng Duy Phúc)
Các ngụy quan đa phần chỉ là những người xuôi theo kẻ mạnh. Phan Quý Hữu cũng nằm trong số đó. Nhận được thư của Đặng Tất, Phan Quý Hữu ban đầu còn phân vân chưa chịu hàng. Sau lại thấy lực lượng quân Hậu Trần hùng mạnh nên đã cùng con trai là Phan Liêu mở cổng thành ra hàng. Nhờ vậy mà nghĩa quân có được đất Nghệ An dễ dàng, đỡ tốn nhiều xương máu.
Cùng với việc chiêu hàng Phan Quý Hữu, Đặng Tất còn dụ hàng ngụy quân, ngụy quan ở các nơi dọc đường tiến quân từ Hóa Châu ra Nghệ An. Hầu hết các ngụy quan đều buông giáo quy hàng. Duy chỉ có Phạm Thế Căng giữ phủ Tân Bình là ra mặt chống lại. Y trù tính rằng Đặng Tất có sở trường dùng bộ binh, nên đã tăng cường xây đắp thành lũy ở núi An Đại để phòng thủ, lại bố trí phục binh ở các chỗ hiểm để đón đánh quân Hậu Trần. Thủy quân của Phạm Thế Căng thì đóng phòng tuyến ở cửa biển Nhật Lệ, chắn ngang đường đi lại của quân Hậu Trần giữa hai vùng cứ địa Nghệ An và Thuận Hóa. Thái độ của Phạm Thế Căng buộc vua tôi nhà Hậu Trần phải kiên quyết đánh dẹp.
Tháng 7.1408, quân nhà Hậu Trần chia đường thủy bộ tiến đánh phủ Tân Bình. Quân thủy do Đặng Tất chỉ huy nhân ngày gió thuận căng buồm chèo nhanh đánh thẳng vào khối quân chính của Phạm Thế Căng đang phòng giữ cửa biển Nhật Lệ. Mặc dù đã có phòng bị, Phạm Thế Căng cũng không thể nào chống nổi quân của Đặng Tất có tinh thần chiến đấu cao hơn hẳn. Quân đội của Phạm Thế Căng chỉ giao chiến được một lúc đang thi nhau tan chạy, chỉ có một số ít chống cự và nhanh chóng bị giết. Phạm Thế Căng cùng cháu là Phạm Đống Cao bị bắt sống tại trận. Đặng Tất cho giải Thế Căng và cháu y về Nghệ An, bị vua Giản Định cho xử chém. Phủ Tân Bình được giải phóng. Nghĩa quân thừa thắng kéo xuống Thuận Châu (Quảng Trị ngày nay). Ngụy quan giữ Thuận Châu liệu thế không thể chống cự, liền mở cổng thành đầu hàng quân nhà Hậu Trần.
Cho đến mùa thu năm 1408, một dải giang sơn từ Nghệ An đến Hóa Châu đã được nhà Hậu Trần khôi phục lại chủ quyền. Sức người sức của trong vùng giải phóng đủ cho Giản Định đế hoàn thành công cuộc đánh đuổi giặc Minh. Quốc công Đặng Tất được giao nhiệm vụ đem lực lượng tiến ra bắc chiếm lại Đông Đô. Tình hình chuẩn bị của toàn quân ta rất khẩn trương. Khắp nơi hào kiệt thi nhau hưởng ứng, quyết cùng chung sức đánh giặc.
Trong bối cảnh đó, Minh triều cố gắng tìm biện pháp đối phó lại sự lớn mạnh của phong trào giải phóng đất nước của quân dân Việt. Tháng 8.1408, hạm đội quân Minh gồm 1 vạn quân dưới trướng của Đô chỉ huy sứ Tôn Toàn từ Quảng Đông được phái sang nước ta tăng viện cho quân chiếm đóng. Nhưng bấy nhiêu quân đó không thể đủ làm nên sự khác biệt trên chiến trường. Đặng Tất cất quân bắc tiến, đánh chiếm lại được phủ Trường Yên, Phúc Thành (Ninh Bình), các quan thuộc cũ của nhà Trần, nhà Hồ và anh hùng hào kiệt không ai không theo về. Nghĩa quân tiến công đến tận Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), Bình Than (thuộc Nam Sách, Hải Dương), Thượng Hồng (thuộc Hải Dương). Các toàn quân Hậu Trần tập kích quân Minh ở khắp nơi. Tại vùng Tam Giang (Phú Thọ, Tuyên Quang ngày nay), nghĩa quân chặn đường tải lương của quân Minh từ Vân Nam đến Đông Quan. Ngay xung quanh thành Đông Quan, đã xuất hiện những toán quân tác chiến độc lập của nhà Hậu Trần thừa cơ đánh tỉa quân Minh.
Các tướng Minh gồm Lữ Nghị, Hoàng Phúc, Hoàng Trung hễ cất quân đi đánh là thua, chỉ còn cách đóng chặt cửa thành cố thủ và gởi thư về nước xin thêm viện binh: “Nghịch tặc Giản Định cùng bọn Đặng Tất tụ tập dân chúng làm loạn, xin tăng thêm binh để tiễu bình”. Một thư xin cứu viện khác thẳng thắn thừa nhận: “… thế lực của giặc [chỉ quân ta] mỗi ngày một mạnh. Quan quân nhiều lần đánh không nổi …” (Minh Thực Lục)
Minh Thành Tổ Chu Đệ vốn là một bạo chúa hiếu danh, không thể để yên cho nhà Hậu Trần phá tan “kỳ công” của hắn. Nhận được báo cáo từ bọn tướng Minh ở thành Đông Quan, Chu Đệ liền cử ngay Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem quân sang tăng viện. Khoảng đầu tháng 9.1408, Mộc Thạnh lĩnh ấn “Chinh Di tướng quân” đem 5 vạn quân tiến sang nước ta, hội với quân Minh ở thành Đông Quan bấy giờ còn trên dưới 5 vạn tên, trong đó có 2 vạn thủy quân. Quân Minh ở thành Đông Quan cả mới lẫn cũ cộng lại có hơn 10 vạn tên, bắt đầu lên kế hoạch phản công lại quân Hậu Trần.
Bên cạnh việc liên tiếp điều quân tăng viện, Chu Đệ còn dùng biện pháp ngoại giao hòng lung lạc tinh thần quân ta. Sứ giả Minh triều đem thư của Chu Đệ đến cho Giản Định để chiêu hàng. Thư viết:
“Mới đây cha con giặc họ Lê [chỉ nhà Hồ gây việc soán đoạt, buông tuồng bạo lọan, độc hại người trong nước, chiếm đoạt biên cảnh, bèn mệnh xuất sư điếu phạt, bọn ác đầu sỏ bị bắt, dư đảng bị tiêu diệt, rồi thiết lập quận huyện, vỗ về thiện lương, một phương nhân dân đều được yên nghiệp. Chỉ riêng các ngươi ương ngạnh, lập đảng chống cự triều mệnh, cướp bóc dân chúng. Quần thần xin hưng sư tiêu diệt, Trẫm nghĩ dưới lằn tên mũi đạn, sợ liên lụy đến dân vô tội mà những kẻ bất thiện như các ngươi cũng còn được cơ hội để có thể sửa đổi, nên ban sắc dụ này.
Phàm cử sự cần phải hợp đạo trời, cha con giặc họ Lê tội ác đầy rẫy , trời đã phế thì không thể giữ được. Các ngươi là đám tàn dư, trái đạo, nghịch mệnh trời , thì cũng đợi để tiêu diệt mà thôi! Tuy nhiên vui được sống, ghét chết là sự thường tình của con người ta. Nếu trước đây các ngươi chưa nghĩ kỹ nên làm việc bội nghịch trái đạo, hoặc do bọn quan lại hà khắc phải liều lĩnh mưu đồ tự tồn, lòng muốn hối cải nhưng còn nghi ngờ chưa dám quyết! Phàm con người ai mà không sai, sai mà biết sửa, còn gì tốt bằng. Bọn các ngươi hãy nhân lúc này, minh định lẽ nghịch thuận, xem xét cơ duyên họa phúc, tìm yên ổn có lợi cho bản thân, bảo vệ được gia tộc, mưu đồ kế vĩnh cữu.
Hãy dốc lòng thành quy phụ, sự sai lầm trong quá khứ được tha hết không hỏi đến, còn được giao chức quan, trả lại đất để cai trị, con cháu đời đời được thế tập . Lời Trẫm phát xuất từ tâm lòng, thông với trời đất; nếu các ngươi chấp mê không theo, họa sẽ đến với bản thân và gia đình, lúc đó hối cũng không kịp!” (theo Minh Thực Lục)
Chu Đệ còn xuống chiếu cho quan lại nước Minh và dân chúng trong nước ta rằng:“Còn nghĩ bọn dư chúng vốn là ngu muội, hoặc vì đói nghèo bức bách, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình cũng đáng thương, nếu nhất loạt bắt tội cả, trẫm thực không nỡ. Khi chiếu thư này tới, đều tha cho cả. Quan lại ở các nha môn, quân dân thuộc đất Giao Chỉ hãy thể lòng chí nhân của trẫm phải khoan hồng thương xót, chớ làm ráo riết, chớ vơ vét của dân, hết thảy những việc không cần kíp phải ngừng bỏ cả”. (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Chu Đệ tuy nói lý lẽ nhưng vẫn khỏa lấp những lý lẽ cơ bản. Giản Định đế Trần Ngỗi là con cháu hoàng tộc Trần, nếu xét về tình về lý thì quân Minh phải trả nước cho Giản Định làm vua như lời chúng đã rêu rao khi xâm lược nước ta là “phù Trần diệt Hồ”. Nhưng bởi vốn chúng đã manh tâm lừa dối để cướp nước người, nên trước sau vẫn chỉ coi Giản Định là tàn dư “nghịch mệnh trời”. Lời lẽ của quân giặc trước sau bất nhất, mặc dù có đem lợi lộc ra dụ dỗ, đem vũ lực ra răn đe cũng khó mà khiến người ta tin mà nghe theo.
Tất nhiên, vua tôi nhà Hậu Trần đã bỏ ngoài tai những lời dối trá của Chu Đệ. Quân Hậu Trần biết Mộc Thạnh kéo quân sang, đã tích cực chuẩn bị đánh những trận sống mái với giặc.
Quốc Huy
Comments[ 0 ]
Post a Comment