Đài Loan sẽ công bố hồ sơ “đường lưỡi bò”
Monday, April 11, 2016
Ngày 2-4, tờ China Times (Đài Loan) đưa tin, sau khi chính thức thay thế ông Mã Anh Cửu (20-5), trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên ở Đài Loan, Mỹ muốn bà Thái Anh Văn công bố hồ sơ “đường lưỡi bò”.
Bộ trưởng Ashton Carter
Bởi để buộc Trung Quốc phải làm rõ hoặc từ bỏ yêu sách phi lý, phi pháp về “đường lưỡi bò”, Washington muốn xem bản gốc của nó đang lưu trữ tại Đài Loan cùng hệ thống hồ sơ chưa được công bố.
Trước đó, giới truyền thông Đài Loan đưa tin, 10 giờ sáng 30-3, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và bà Thái Anh Văn đã gặp nhau và làm việc khoảng 70 phút tại Khách sạn Đài Bắc. Trong đó cho rằng, Đài Loan không bắt tay với Trung Quốc trong “vấn đề đảo Ba Bình” ở Trường Sa. Và bà Thái Anh Văn hy vọng, sẽ nhanh chóng được tiếp xúc với kho hồ sơ, dữ liệu về Biển Đông.
Ngày 1-4, tờ Taipei Times dẫn lời quan chức an ninh Đài Loan cho rằng, Trung Quốc chưa có đủ khả năng quân sự để thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Trong khi đó, giới chức quân sự Đài Loan nhận định, căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông giữa lúc các nước trong khu vực chạy đua vũ trang.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Trường đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) khuyến cáo, trước khi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được ký, Bắc Kinh sẽ tận dụng thời gian còn lại để củng cố sức mạnh ở Biển Đông.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean cũng khẳng định, Trung Quốc đang tiến hành những bước chuẩn bị cho việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Đồng thời cho rằng, phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) trong vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Do đó, Mỹ và các nước hữu quan, đặc biệt là ASEAN, cần kiên định duy trì nền tảng luật pháp quốc tế và đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao nhằm hạn chế hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó (31-3), tờ Inquirer dẫn bình luận của Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio về 3 kịch bản mà PCA có thể đưa ra trong năm nay về vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Trường hợp xấu nhất là PCA không bác bỏ được “đường lưỡi bò” và khi đó các bên tranh chấp và Philippines chỉ còn cách mua tàu chiến, máy bay và tên lửa để bảo vệ các vùng biển của mình. Kịch bản trung tính - PCA sẽ phán quyết “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chỉ tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý và không ra phán quyết về các vấn đề khác. Trường hợp tốt nhất - PCA ra phán quyết “đường lưỡi bò” vô giá trị. Indonesia công khai khẳng định, sẽ ra tuyên bố về phán quyết của PCA. Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, phán quyết của PCA có tính ràng buộc với Philippines và Trung Quốc.
Theo giới truyền thông, Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-62, chiến đấu cơ JH-7, J-11 ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa; radar cao tần ở bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa và xây 3 đường băng quân sự ở bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, việc triển khai tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là việc làm hợp lý và hợp pháp của Bắc Kinh!?
Nhưng dư luận lại coi việc làm của Trung Quốc không những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn đe dọa an ninh trong khu vực. Và bất chấp sự quan ngại của các nước trong khu vực, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vẫn tập trận bay tầm thấp với mục đích nâng cao năng lực chiến đấu hồi hạ tuần tháng 3.
Ngày 3-4, tờ The Straits Times đưa tin, dư luận quan tâm tới cuộc tranh luận giữa cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh và Tiến sĩ Jeffrey Bader, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về các vấn đề châu Á, diễn ra tại hội thảo về Phát triển châu Á do Trường Rajaratnam Endowment tổ chức ở Singapore.
Bởi Trung Quốc chỉ trích Mỹ phản ứng thái quá, làm tăng căng thẳng trên Biển Đông, còn Washington nói yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông đầy tham vọng, mơ hồ và trong một số trường hợp có vấn đề về pháp luật. Tuy nhiên, 2 nhà lãnh đạo kể trên vẫn thống nhất nhận định, Trung - Mỹ khó có khả năng xảy ra chiến tranh tại Biển Đông.
Ngày 4-4, Tân Hoa xã coi cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) giữa Mỹ và Philippines (bắt đầu từ ngày 4-4, với sự tham dự của 80 lính Australia. Nhật Bản tham dự với tư cách quan sát viên, nhưng gửi đội tàu đến dự) là “chơi trò nguy hiểm” của Manila khi đưa “người ngoài” vào Biển Đông. Tân Hoa xã còn liệt kê việc Philippines ký hiệp định cho Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự tại Biển Đông, thuê máy bay quân sự của Nhật Bản, mua chiến đấu cơ và radar của Hàn Quốc và “đơn phương” kiện Trung Quốc tại PCA.
Trong khi đó, Chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, Trung tướng John Toolan cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến Philippines để theo dõi cuộc tập trận bắn đạn thật. Và ông Ashton Carter là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ tới theo dõi các cuộc tập trận Balikatan.
Tờ Sputnik vừa dẫn báo cáo của một nhóm chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, kể từ khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân - chuyển từ phòng thủ bị động sang trạng thái báo động chiến đấu cao, sẵn sàng khai hỏa tên lửa hạt nhân nếu phát hiện một cuộc tấn công phủ đầu đang diễn ra.
Theo Ankit Panda, chuyên gia về an ninh quốc phòng của tờ The Diplomat, Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân chiến lược khá khiêm tốn, nên Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách răn đe hạt nhân ở mức tin cậy tối thiểu.
Còn theo Gregory Kulacki, chuyên gia về chính sách quản lý Trung Quốc ở Hội liên hiệp các nhà khoa học Quan tâm (UCS), ông Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt để sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh, không đơn thuần chỉ là ngăn chặn. Và điều này đặt lực lượng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Bởi Bắc Kinh tin rằng, Mỹ và Nga đều đặt tên lửa hạt nhân của họ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Tuấn Quỳnh-Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment