Sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông chưa phải sự đã rồi nhưng Mỹ phải thực hiện một chiến lược chống cưỡng chế khẩn cấp hơn để duy trì trạng thái cân bằng quyền lực có lợi cho mình.
Tàu Hải quân Malaysia và Mỹ tham gia tập trận chung CARAT 2008. Ảnh: US Navy
Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống tàu và đất đối không, cũng như chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động này là bàn đạp để Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay tới quần đảo Trường Sa. Giờ đây, ngày càng có những quan ngại rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Để không bị phản đối, Trung Quốc đang theo kế hoạch tạo ra "những vùng nhận dạng nhỏ" và gây áp lực lớn hơn chống lại các nước láng giềng Đông Nam Á. Nếu xu hướng này tiếp tục, Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà của Trung Quốc" trước năm 2030.
Làm hạ thấp những lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là chính sách hữu hiệu - việc xây đảo là một thực tế và việc thiếu lực lượng khiến Washington khó có thể khiến Trung Quốc rút lực lượng khỏi những nơi nó chiếm đóng. Do đó, Washington cần phải tập trung nỗ lực ngăn Bắc Kinh trục xuất các nước khác khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp. Một bộ phận trong chiến lược của Mỹ là cần mở rộng các chương trình hỗ trợ quân sự cho các đối tác Đông Nam Á. Các nước ven biển Đông Nam Á rất cần khả năng nhận thức về biển, tàu hải quân và hải cảnh, bảo vệ bờ biển cũng như huấn luyện thêm để chống lại sự áp bức trên biển từ Trung Quốc - tất cả những điều này Mỹ đều có thể cung cấp.
Kể từ khi tuyên bố xoay trục sang châu Á vào năm 2011, Mỹ đã đưa ra một số sáng kiến để xây dựng năng lực cho đối tác tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và đàm phán một Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường với Philippines. Quân đội Mỹ cũng duy trì các chương trình tương đối nhỏ đang diễn ra để cung cấp nhận thức trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường khả năng tuần tra cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam
Tuy nhiên, mặc dù chiến lược của chính quyền hiện nay ưu tiên cho châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ vẫn chỉ dành 1% Quỹ tài chính quân sự nước ngoài (FMF) cho châu Á, con số này không tương xứng với lợi ích của họ trong khu vực. Chính phủ tiếp theo cần phải tăng cường các nỗ lực hỗ trợ quân sự nếu họ hy vọng cung cấp cho các đối tác của Mỹ một lực cản đáng tin ở mức tối thiểu.
Có 3 chính sách chính nên được cân nhắc để xây dựng năng lực cho các đối tác của Mỹ:
Thứ nhất, Mỹ cần cung cấp vũ khí bổ sung và huấn luyện để tăng cường khả năng hoạt động trên biển của các đối tác. Trong năm tài chính 2014, cả 3 nước Indonesia, Philippines và Việt Nam mới chỉ nhận được 74 triệu USD trong quỹ FMF. So sánh, Ai Cập nhận được 1,3 tỷ USD từ FMF mỗi năm. Chính quyền cũng dành 500 triệu USD cho chương trình trang bị và huấn luyện quân nổi dậy tại Syria (không phải chương trình FMF) nhưng cuối cùng nó đã bị hủy bỏ xem như thất bại. Phải thừa nhận rằng sự so sánh này là khập khiễng nhưng điều đó cho thấy Mỹ tiếp tục chỉ dành "một hạt bụi giữa sa mạc ngân sách" để hỗ trợ các đối tác châu Á trong việc chống lại sự áp chế của Trung Quốc trên biển.
Đối với Luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm tài chính 2016, Ủy ban Quân vụ Thượng viện do Thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu, đã đề xuất Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI) và phân bổ 425 triệu USD trong 5 năm để huấn luyện nhiều hơn, xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng, tàu thuyền cho các đối tác Đông Nam Á. Tuy nhiên, Quốc hội cuối cùng lại chỉ cho phép 50 triệu USD trong năm tài chính 2016 chứ không phải là toàn bộ chương trình 5 năm. Điều này khiến Bộ Quốc phòng Mỹ khó lòng lên kế hoạch cho các dự án kéo dài nhiều năm. Trong yêu cầu tài chính năm 2017, Lầu Năm Góc đã đòi 60 triệu USD cho MSI và khẳng định lại kế hoạch giải ngân toàn bộ 425 triệu USD trong 5 năm. Trong trận chiến ngân sách sắp tới, việc Quốc hội quyết định có tài trợ toàn bộ chương trình này hay không sẽ là thước đo quan trọng cho cam kết duy duy trì hòa bình của Mỹ tại châu Á. Cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ sẽ đều chờ xem.
Một chính quyền mới có thể bắt đầu bằng việc mở rộng Sáng kiến An ninh Hàng hải cũng như đề xuất cung cấp một gói Hàng hóa Quân sự Nước ngoài lớn dành cho Philipines ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức. Vào tháng 4/2001, Tổng thống Bush tuyên bố một gói viện trợ quân sự đáng kể cho Đài Loan như một tín hiệu cho thấy sự ưu tiên của chính quyền. Tổng thống tiếp theo nên xem xét một động thái tương tự với Manila mặc dù điều này phù hợp với nhu cầu và khả năng của Lực lượng Vũ trang Philippines. Mỹ hỗ trợ cho Philippines, như với bất cứ đối tác nào khác, cần cân bằng giữa lực lượng lao động, bảo trì và hậu cần dành cho vũ khí quốc phòng thực tế.
Tăng FMF cho châu Á - Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng phải chú ý nhiều hơn để vượt qua những rào cản về chính trị và quan liêu đáng kể, liên quan tới việc đóng băng hoặc giảm mức FMF ở các khu vực khác.
Thứ hai, Mỹ cần phối hợp với Nhật Bản một cách rõ ràng hơn trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh cho các đối tác ở Đông Nam Á. Tokyo đã trở nên chủ động hơn trong khu vực, do lo ngại khả năng Trung Quốc cắt đứt các tuyến đường thương mại trên biển mà Nhật Bản coi là huyết mạch kinh tế.
Thủ tướng Shinzo Abe đã hướng Nhật Bản tới một chính sách ngoại giao tích cực hơn khi tăng ngân sách quốc phòng và nới lỏng các hạn chế trong hiến pháp để cho phép Lực lượng Tự vệ nước này hợp tác với các đối tác trong các nhiệm vụ an ninh hạn chế. Vào tháng 4/2014, Tokyo cũng đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí có từ lâu. Kể từ đó, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận quốc phòng R&D với Australia và Anh. Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi đã đấu thầu để xây dựng tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Australia.
Dưới chính sách "đóng góp tích cực cho hòa bình" của ông Abe, Tokyo đã ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược với Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Nhật Bản cũng đã đồng ý cung cấp tàu tuần tra và máy bay cho các nước này. Tháng 5/2015, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên. Gần đây, Việt Nam cũng đã đồng ý tham gia tập trận hải quân chung với Nhật. Cuối năm nay, Nhật Bản đã lên kế hoạch tham gia cuộc tập trận 3 bên với hải quân Mỹ và Ấn Độ tại biển Philippines.
Tiến về phía trước, Mỹ cần phải phối hợp nỗ lực xây dựng năng lực rõ ràng hơn với Nhật Bản. Trong năm 2015, Washington đã thành lập nhóm hợp tác song phương với cả Indonesia và Việt Nam để giúp làm rõ những nhu cầu quốc phòng trên biển của họ. Nhật Bản nên tham gia vào các cuộc tham vấn để ngăn chặn những nỗ lực dư thừa hoặc mâu thuẫn. Ở một số lĩnh vực, Nhật Bản sẽ có thể cung cấp vũ khí với mức giá cạnh tranh hơn. Ví dụ như máy bay tuần tra trên biển Kawasaki P-1 của Nhật giá 90 triệu USD, rẻ hơn so với một chiếc P-8 Poseidon của Mỹ.
Ngoài việc chuyển giao vũ khí trực tiếp, Nhật là một nhà cung cấp tích cực "Hỗ trợ phát triển chính thức - ODA" chiến lược, liên kết trợ giúp và lợi ích an ninh. Trong năm 2014, Nhật đã sửa đổi điều lệ ODA, cho phép cấp vốn cho các chương trình an ninh của các nước ASEAN. Nếu đúng kế hoạch, việc Nhật Bản rót vốn cho lưới điện, sân bay, cầu cảng có thể vừa là cơ sở hạ tầng kinh tế, vừa phục vụ cho quốc phòng. ODA sử dụng với 2 mục đích kín đáo hơn so với chuyển giao vũ khí trực tiếp, vì thế nó sẽ xoa dịu những người dân theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản và làm giảm cơ hội để Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích.
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải thiết lập được những tiêu chuẩn thực tế cho bất cứ chương trình mở rộng năng lực đối tác nào tại Đông Nam Á. Các đối tác của Washington tại Đông Nam Á hiện nay có lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển yếu.
Đặt sự thiếu cân bằng quân sự này vào viễn cảnh tương lai sẽ thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều lính hải quân hơn so với Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia gộp lại.
Ngay cả những đối tác sẵn sàng, như Philippines, cũng thiếu năng lực để tiếp thu công nghệ cao của Mỹ một cách nhanh chóng. Lực lượng Vũ trang Philippines trong nhiều thập kỷ đã chịu sự quản lý yếu kéo và đấu đá nội bộ quan chức: hiện tại họ còn không có nổi ngân sách cho riêng mình. Giúp Philippines đạt được vị thế ngăn chặn đáng tin tối thiểu sẽ là chủ trương của đời tổng thống Mỹ tiếp theo.
Trong thời gian tới, chính quyền Mỹ tiếp theo nên tập trung nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong khả năng giám sát, trinh sát và tình báo hàng hải (ISR) của các đối tác ở Đông Nam Á. Nếu các nước ven biển châu Á không thể nhìn thấy hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển của mình, họ sẽ khó lòng mà ngăn chặn việc Bắc Kinh chiếm thêm đảo ở Trường Sa.
Các máy bay không người lái công nghệ thấp, những xuồng ca nô đã cũ của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ và mạng lượng chia sẻ thông tin của Mỹ sẽ phải đi một chặng đường dài để tăng cường nhận thức tình huống cho các đối tác Mỹ. Mỹ thậm chí có thể xem xét sử dụng chương trình FMF của mình để khuyến khích các đối tác trong khu vực Đông Nam Á tham gia chia sẻ thông tin nhận thức hàng hải.
Khi cán cân quyền lực ở Biển Đông tiếp tục dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc, mở rộng xây dựng năng lực đối tác phải là một thành phần trong phản ứng chiến lược lớn hơn của Mỹ. Chỉ viện trợ quân sự sẽ không thay đổi được khả năng của đối tác một cách nhanh chóng nhưng sẽ mở rộng được khả năng quốc phòng của họ, đảm bảo được sức mạnh của Mỹ trong khu vực và khiến việc quân sự hóa vùng duyên hải châu Á của Trung Quốc phải trả giá.
Bảo Linh (National Interest)
Theo Người đưa tin
Comments[ 0 ]
Post a Comment