Việc tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur thực hiện “tự do hàng hải” khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là động thái thực địa mới nhất của hải quân Mỹ tại Biển Đông.
Tàu khu trục có trang bị tên lửa USS Curtis Wilbur của Mỹ với sự hỗ trợ của trực thăng - Ảnh: Reuters
Thông tin báo chí Mỹ dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu USS Curtis Wilbur tiến vào Hoàng Sa nhằm “thách thức những chủ quyền phi lý”. Ngoài ra, khi USS Curtis Wilbur thực hiện “quyền tự do đi lại vô hại của mình trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn”, cũng theo lời người phát ngôn, “không có bất kỳ cản trở nào từ phía hải quân Trung Quốc”.
Chúng ta cần thêm thông tin để có thể đánh giá chính xác hành động vừa rồi của tàu khu trục Mỹ. Những tranh luận về khái niệm “tự do hàng hải” hay “đi qua vô hại” của sự kiện tàu khu trục USS Lassen cuối tháng 10 năm ngoái cho thấy một bức tranh tương đối phức tạp đan xen cả về pháp lý lẫn địa chính trị, mà ngay cả tên gọi hay khái niệm đầu tiên cũng cần điều chỉnh dựa trên những bằng chứng từ thực địa.
Những soi sáng về học thuật cần chờ một độ lùi nhất định về thời gian, nhưng với vụ việc tàu USS Curtis Wilbur, điểm đặc biệt không nằm ở tranh luận tháp ngà. So với những đồn đoán hay kỳ vọng ban đầu, khu vực Trường Sa (đặc biệt là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây cất trái phép) mới là trọng điểm, thì USS Curtis Wilbur lại xuất hiện tại Hoàng Sa. Khu vực này tồn tại hai loại tranh chấp.
Một là về chủ quyền, hai là về phân định biển giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trong đó vào năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm trái phép các đảo của Việt Nam lúc đó dưới quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Từ “chủ quyền cướp đoạt”, Trung Quốc mở rộng ra vùng biển xung quanh, xây dựng cái mà chúng tôi gọi là “một trật tự loại trừ” tại Biển Đông. Đặc tính của trật tự này là mở đóng tùy theo ý định của một quốc gia, chứ không theo nguyên tắc chung của luật quốc tế được đồng thuận từ các nước.
Trong những năm kế tiếp, cách tiếp cận “xác quyết, nhưng phi quân sự” mà Bắc Kinh theo đuổi đều cố gắng hạn chế hay che giấu xu hướng dùng “quân sự hóa” để thiết lập luật chơi tại các khu vực tranh chấp. Tàu cá, giàn khoan khổng lồ 981, tàu hải giám, thiết lập cái gọi là “chính quyền Tam Sa”, đảo nhân tạo... là những công cụ lần lượt được tung ra.
Với Mỹ, những hành động Bắc Kinh đang tiến hành dấy lên lo ngại về việc trật tự hàng hải do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đang bị Trung Quốc thách thức. Vụ đụng chạm giữa tàu khảo sát thủy văn Impeccable của Mỹ với tàu tuần tra Trung Quốc cách đảo Hải Nam 120km là một thí dụ điển hình.
Trụ cột quan trọng nhất đang bị đe dọa chính là nguyên tắc tự do hàng hải, với quan điểm “đại dương mở” không phải là độc quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.
Một mặt, Trung Quốc cho rằng họ tôn trọng và tuân theo các điều khoản trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về việc “đi qua không gây hại”. Tuy nhiên, các lý giải từ phía Trung Quốc cũng nhiều lần lập luận rằng việc đi qua không gây hại trong vùng biển 200 hải lý tính từ đường cơ sở phải được kiểm soát hoặc phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển để không gây ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
Về căn bản, luận điểm cho rằng hoạt động giám sát quân sự có thể được giới hạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia ven biển thường dựa trên hai trụ cột.
Một là giả định rằng hoạt động quân sự nói trên không nhằm “mục đích hòa bình” - khái niệm chưa được định nghĩa một cách chi tiết trong UNCLOS.
Hai là việc sử dụng các công nghệ giám sát nhằm mục đích “nghiên cứu khoa học hải dương” - một khái niệm mơ hồ khác trong UNCLOS, nhưng là một khái niệm mà các quốc gia ven bờ có quyền tự quy định trong vùng EEZ của mình. Như vậy, thay vì cần làm rõ hơn những gì chưa rõ trong UNCLOS thì Trung Quốc đánh vào sự “mập mờ” này nhằm “loại trừ” quyền đi lại tự do của thuyền bè các quốc gia khác.
“Thử lửa” tại Hoàng Sa là một cuộc chơi nhắm vào các “thách thức những chủ quyền phi lý” của một quốc gia, mà cái tên chắc ai cũng có thể đoán. Nhưng ẩn ý đằng sau sự kiện tàu USS Curtis Wilbur cần được nhìn rộng hơn. Một liên minh hay (ít nhất) là hợp tác pháp lý giữa các nước chia sẻ cùng lợi ích hàng hải tại Biển Đông sẽ là điều kiện cần thiết để tạo ra sức ép chung tới quốc gia đang dùng cơ bắp để lấn áp tinh thần thượng tôn của luật pháp quốc tế.
Các cơ chế tham vấn chính sách chung giữa Mỹ và các nước ASEAN có tranh chấp sẽ bắt đầu cả từ hai mức độ: tầm kỹ thuật ở các chuyên gia, và tầm chính trị lãnh đạo. Đồng thuận giữa các khái niệm “tự do hàng hải” hay “đi qua vô hại” là câu chuyện đầu tiên. Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN giữa tháng 2 sắp tới tại Sunnylands (Mỹ) sẽ quay lại câu chuyện thứ hai với Biển Đông là tâm điểm.
Phản ứng của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 30-1, hải quân Mỹ thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.
Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS (điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
(giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV, TP.HCM)
Theo Báo Tuổi Trẻ
Comments[ 0 ]
Post a Comment