Mỹ: Liên minh để tạo sức nặng với Trung Quốc
Tuesday, November 10, 2015
Cho dù tòa có quyết định thế nào, thì Mỹ cần mạnh mẽ ủng hộ các bạn bè và đồng minh ở châu Á. Cả Mỹ và EU cần đứng lên chống lại chủ nghĩa bành trướng, bá quyền, và tiến tới phê chuẩn UNCLOS.
Trung Quốc nhiều năm sử dụng cụm từ “lợi ích cốt lõi” nhưng kể từ năm 2004 bắt đầu mở rộng hơn. Năm 2010, một số quan chức ngoại giao Trung Quốc đã đưa Biển Đông vào khái niệm này. Gần đây nhất, đô đốc Trung Quốc Sun Jianguo nói với người đồng cấp Mỹ Harry Harris rằng: “Chúng tôi hy vọng Mỹ tôn trọng tới mối quan tâm, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tránh các lời lẽ và hành động làm tổn hại quan hệ song phương, và giảm bớt các hành xử gây hiểu lầm”.
Về bản chất, lợi ích cốt lõi giống như “vạch đỏ” để Trung Quốc đem ra cảnh báo đối phương. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi. Ông Tập Cận bình hiểu việc này sẽ gặp rủi ro.
Để khiến Mỹ không đi xa hơn trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần đến cả cây gậy và củ cà rốt.
Hình ảnh đá Vành Khăn do TQ xây dựng. Ảnh: ABC
Lực lượng hạt nhân và thông thường của Trung Quốc đều nhỏ hơn Mỹ, một hình thức ít chi phí hơn – chiến tranh ảo – vẫn khiến Mỹ ảnh hưởng và có thể đem ra mặc cả.
Washington cáo buộc các hacker Trung Quốc đã ăn cắp số lượng lớn những dữ liệu thương mại, công nghệ, nhân sự và quân sự của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 25/9, ông Tập cam kết giải quyết vấn đề này, và dường như đổi lại, Tổng thống Obama đã không phàn nàn quá nhiều về vấn đề Biển Đông cũng như các lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc (như Tân Cương, Tây Tạng).
Chủ nghĩa dân tộc
Một trong những nguyên nhân Trung Quốc gia tăng hành xử gây hấn đó chính là sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc, với nguyên cớ duy trì ổn định nội bộ. Để làm điều này, Bắc Kinh gây sức ép khiến các sử gia Trung Quốc viết lại lịch sử có lợi cho các toan tính của mình.
Tại Nhà trắng ngày 25/9, ông Tập Cận Bình khẳng định “Các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Quốc”. Đây là ví dụ mới nhất cho sự hồi sinh chủ nghĩa dân tộc, viết lại lịch sử của Trung Quốc.
Trung Quốc đã chọn lựa một cách có chọn lọc lịch sử, để tạo nên lợi thế cho mình, không chỉ với trong nước mà còn trước quốc tế. Ví như chuyện đổi tên thành “G77 và Trung Quốc”. Gốc gác nhóm G77 đã gồm cả Trung Quốc, nhưng họ thích đứng riêng. Bắc Kinh xem họ là đặc biệt và ngoại lệ, muốn phần còn lại của thế giới công nhận sự hiện diện và ảnh hưởng của mình.
Thậm chí còn tìm kiếm thay đổi hệ thống quốc tế, như tuyên bố của ông Tập: “Trung Quốc là người xây dựng, đóng góp, phát triển, tham gia và hưởng lợi từ hệ thống quốc tế hiện hành. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các nước khác để giữ vững thành quả của chiến thắng Thế chiến II, duy trì hệ thống quốc tế, thúc đẩy nó phát triển theo hướng công bằng hơn”.
Trong thực tế, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự hiện tồn. Bắc Kinh muốn thế chân Ngân hàng thế giới bằng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng, thay Luật Biển bằng cách đàm phán song phương với các nước tuyên bố chủ quyền. Những tờ báo ủng hộ Trung Quốc thậm chí có chiến lược dài hạn để tuyên truyền việc nước này sẽ vượt qua Mỹ trở thành siêu cường ưu việt
Giải pháp
Sáng kiến Khuôn khổ Hòa bình và An ninh Thái Bình Dương mà Diễn đàn Toàn cầu Boston đưa ra cung cấp các giải pháp cho tranh chấp Biển Đông trong đó nhấn mạnh tính đa chiều, để phù hợp với bản chất phức tạp và nghiêm trọng của vấn đề này và mỗi quốc gia có thể theo đuổi cách tiếp cận, chọn lựa hình thức hợp tác, giải quyết vấn đề khác nhau.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ. Ảnh: CNN
- Luật quốc tế: Luật pháp quốc tế không thể thiếu được trong một giải pháp toàn diện cho tranh chấp Biển Đông, không áp dụng luật pháp quốc tế ở Biển Đông sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh.
Với Biển Đông, luật pháp quốc tế được ghi nhận chính là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã ký thông qua.
Không may là Mỹ không phê chuẩn UNCLOS còn Trung Quốc đang tận dụng những sơ hở trong công ước này, mà trước mắt là trốn tránh phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc do yêu sách chủ quyền thái quá ở Biển Đông.
Cho dù tòa có quyết định thế nào, thì Mỹ cần mạnh mẽ ủng hộ các bạn bè và đồng minh ở châu Á. Cả Mỹ và EU cần đứng lên chống lại chủ nghĩa bành trướng, bá quyền, và tiến tới phê chuẩn UNCLOS. Nếu không làm như vậy, hệ thống pháp luật quốc tế sẽ bị xói mòn và các hành xử gây hấn trong những khu vực hàng hải ngày càng gia tăng.
- Phát triển chung: Một trong những giải pháp mà Trung Quốc yêu thích với tranh chấp Biển Đông là “phát triển chung”, hay theo ngôn ngữ của họ là “giải pháp cùng có lợi”. Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc muốn chia sẻ lợi ích ở chính những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước khác trên Biển Đông. Dĩ nhiên, những nước này từ chối bởi đó là sự xâm phạm chủ quyền, là vi phạm luật pháp quốc tế.
Mỹ và EU cần bác bỏ chọn lựa này của Trung Quốc. Theo UNCLOS, quyền phát triển chỉ thuộc về những nước có EEZ tính từ đường bờ biển, chứ không phải ranh giới tự vẽ ra trên bản đồ, kiểu như hình chữ U mà Trung Quốc đưa ra.
Nếu có phát triển chung, phải là từ chia sẻ công nghệ và các nguyên tắc thị trường chứ không phải “bản quyền” theo yêu sách chữ U của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cung cấp công nghệ phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, họ sẽ được hưởng khoản phí theo giá cả thị trường như Exxon và Total vẫn có. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu phát triển mà Trung Quốc nghĩ đến.
- Tăng cường liên minh: Trung Quốc đã công khai bác bỏ phiên tòa quốc tế tại Hague nghĩa là họ tự đặt mình ra khỏi luật pháp quốc tế và tiếp tục gây hấn, thông qua việc làm đảo nhân tạo, xây các cơ sở quân sự trên đó, làm tổn hại đến lợi ích của các nước tuyên bố chủ quyền.
Để nâng cao sức mạnh tập thể và giảm bớt nguy cơ xung đột, các quốc gia cần phải liên kết, củng cố liên minh. Chính quyền Manila đã tích cực hành động để gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ. Họ cũng nâng cao sự hiện diện hàng hải khi mua 10 tàu tuần tra mới từ Nhật, thảo luận việc cho phép tàu hải quân, máy bay Nhật sử dụng các căn cứ ở Philippines… Các nước khác trong khu vực cũng tăng cường hợp tác với Mỹ.
Một mạng lưới liên minh chặt chẽ ở châu Á, sẽ có sức nặng hơn so với từng nước đơn lẻ trong hành xử với Trung Quốc, có thể gây áp lực cho Bắc Kinh trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Một liên minh như vậy sẽ gọi là Liên minh An ninh Thái Bình Dương (PSA). Liên minh ấy sẽ sẵn sàng thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, trước mắt nên bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, VN, Philippines và Australia. Trung Quốc có thể được mời nếu chứng minh lời nói và hành động phù hợp với quy chuẩn, quy định và quy tắc quốc tế để gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực.
- Tác nhân ổn định quốc tế: Mỹ, EU, Nhật, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc đều có một lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định ở khu vực, nhất là Biển Đông. Vì thế, các nước này đều có lợi ích khi ủng hộ những quốc gia tuyên bố chủ quyền xác lập quyền của họ với các EEZ. Từng nước không nên đơn độc đứng lên chống lại cái gọi là sức mạnh Trung Quốc trong kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Để ủng hộ các nước có chủ quyền ở Biển Đông, những quốc gia nói trên có thể tham gia vào quá trình xây dựng lòng tin như diễn tập, tuần tra hải quân chung. Sau đó có thể lập một hội đồng khẩn cấp tháo gỡ căng thẳng. Các sứ mệnh giám sát chung có thể phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xung đột trước khi bùng phát.
Tóm lại, một liên minh an ninh Thái Bình Dương sẽ cung cấp hòa bình và an ninh ở các vùng biển khu vực, để các nước gồm cả Trung Quốc tiếp tục tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tuần tra quốc tế là tâm điểm đảm bảo thực thi hòa bình và an ninh.
Giải pháp cùng thắng là một khu vực tập trung vào phát triển hòa bình, tuân thủ tinh thần luât pháp quốc tế và một cấu trúc an ninh khu vực mới như PSA. Các quốc gia cùng tìm kiếm quan hệ thương mại, đầu tư và ngoại giao hữu nghị đều là người thắng cuộc. Và cộng đồng quốc tế hoan nghênh Trung Quốc ra nhập câu lạc bộ này.
Minh Tâm-VietNamNet
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment