Xung quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cuối tuần này, dư luận Việt Nam còn những nhận thức khác nhau. Tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ) gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông về vấn đề này. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của cá nhân tác giả.
Một sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam sắp diễn ra trong ngày 5, 6/11 này khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trên 2 cương vị, người đứng đầu đảng và nguyên thủ quốc gia Trung Quốc.
Chuyến thăm được nhiều kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển lành mạnh, đồng thời là cơ hội để hai bên thống nhất lại một lần nữa thỏa thuận nguyên tắc mang tính pháp lý phố biến, phản ánh tinh thần thật sự cầu thị, bình đẳng, cùng có lợi, nhằm định hướng và chỉ đạo cho hai bên tiếp tục đàm phán thực chất, giải quyết các mâu thuẫn bất đồng về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông vốn đang trở thành lực cản trong quan hệ hai nước.
Bởi lẽ có những bất đồng mâu thuẫn liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông cùng những hành động phá vỡ hiện trạng mà phía Trung Quốc tiến hành, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế nên khiến dư luận bất bình, lo ngại.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến một số quan điểm trong dư luận Việt Nam tỏ ra không thiện chí, thậm chí là phản đối chuyến thăm này. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng quan điểm này lợi bất cập hại.
Tình cảm thiêng liêng với chủ quyền quốc gia dân tộc của mỗi người con đất Việt đều đáng nâng niu, trân trọng, lắng nghe, nhưng cách thể hiện sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc, cho cộng đồng khu vực và quốc tế trong bối cảnh phức tạp như hiện nay mới là điều đáng bàn và nên thống nhất trong hành động.
Cha ông ta vẫn dạy rằng "cả giận mất khôn" để răn con cháu, trong tình huống khó khăn nào cũng phải cố giữ bình tĩnh, sáng suốt để xử lý các tình huống, đừng để cái nóng giận nhất thời nó lôi mình đi quá xa.
Đó là trong đời sống thường nhật của mỗi người, trong quan hệ giữa hai quốc gia mà lịch sử đã từng có nhiều khúc mắc, thăng trầm với nhau như Việt Nam và Trung Quốc, nhất là những khúc mắc khó khăn phức tạp như vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay, chúng ta càng cần phải tỉnh táo và sáng suốt hơn.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc có những giai đoạn hòa bình, hữu nghị, đồng chí anh em và cũng có những giai đoạn hai bên hai đầu chiến tuyến, xung đột và đổ máu. Những lúc quan hệ hai nước khó khăn, trục trặc, tâm lý xã hội, công tác tuyên truyền, áp lực dư luận ở mỗi nước có hảnh hưởng tác động rất lớn đến quyết sách của các nhà lãnh đạo.
Trong khi đó cả hai đều xác định, dù mâu thuẫn đến đâu thì nhà có thể chuyển chứ nước láng giềng thì bất di bất dịch. Do đó tìm cách chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ môi trường khu vực ổn định, bảo vệ công lý và lẽ phải mới là lựa chọn tối ưu.
Bởi vậy cá nhân tôi cho rằng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình, chúng ta với tư cách chủ nhà cần có sự tiếp đón trọng thị, lịch sự, văn minh theo đúng thể thức ngoại giao dành cho nguyên thủ quốc gia.
Thứ nhất, điều đó thể hiện truyền thống nhân văn, hiếu khách của người Việt Nam từ xưa đến nay.
Thứ hai là phù hợp với thông lệ quốc tế và cách ứng xử văn minh trong quan hệ đối ngoại quốc tế hiện nay.
Thứ ba là để đáp lễ về mặt ngoại giao đối với sự tiếp đãi trọng thị mà phía Trung Quốc đã dành cho lãnh đạo nước ta, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tháng 4 vừa qua.
Thứ tư và quan trọng hơn cả theo cá nhân tôi là, sự đón tiếp chân tình, trọng thị của chúng ta sẽ tạo ra bầu không khí hữu nghị, thân thiện để làm tiền đề cho việc hai bên ngồi vào bàn đối thoại với nhau một cách thiện chí, cầu thị, trên cơ sở pháp lý quốc tế để tìm cách tháo gỡ những bất đồng, mâu thuẫn, đặc biệt là vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam cũng như khu vực, quốc tế ở Biển Đông.
Muốn đàm phán hòa bình, đầu tiên phải có thiện chí đối thoại. Không ai muốn chiến tranh, xung đột, giải quyết mâu thuẫn bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là ưu tiên lựa chọn cho cả hai phía Việt Nam, Trung Quốc cũng như các bên có liên quan khác ở Biển Đông.
Muốn làm được điều này, các bên liên quan phải thực sự có thiện chí và cầu thị trong đối thoại. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình thiết nghĩ là cơ hội quý chúng ta không nên bỏ qua.
Đặc biệt lần này ông Tập Cận Bình sẽ có bài diễn văn đọc trước Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Thời điểm diễn ra chuyến thăm cũng là lúc Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đặt ra cho chúng ta.
Thiết nghĩ lúc này dư luận đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước nên đồng lòng cùng ủng hộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bang giao, chuẩn bị phương án đón tiếp và trao đổi với phía Trung Quốc. Làm sao để chúng ta bảo vệ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong khi vẫn giữ vững được hòa bình, ổn định cho chính chúng ta cũng như khu vực và quốc tế.
Trước khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Trợ lý Trưởng ban Liên lạc đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức họp báo về nội dung chuyến thăm, trong đó có đề cập đến vấn đề Biển Đông, tất nhiên là theo quan điểm và cách hiểu của Trung Quốc.
Thiết nghĩ các cơ quan tham mưu của Việt Nam cũng nên có động thái tương tự để dư luận hiểu hơn, đồng cảm, chia sẻ với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong vấn đề đấu tranh gìn giữ chủ quyền, bảo vệ hòa bình phát triển.
Một bộ phận dư luận lo lắng, thậm chí bức xúc dẫn đến những hành động phản đối gây bất lợi cho chuyến thăm có thể là do thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin về cách thức Việt Nam chúng ta xử lý vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào, có đề cập vấn đề này với lãnh đạo Trung Quốc hay không và đề cập ra sao.
Do đó việc tuyên truyền, giải thích những nội dung này để tạo môi trường đồng thuận, hiểu biết, chia sẻ của xã hội cũng là việc nên làm, vừa thể hiện sự tôn trọng lắng nghe ý kiến người dân, vừa thể hiện sự tôn trọng với khách.
Tôi tin rằng, hơn ai hết người Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đạo đất nước, sẽ biết cách để ứng xử khôn khéo, thích hợp nhất và có hiệu quả nhất trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Bởi vì, chúng ta đã có khá nhiều bài học lịch sử trải qua 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc!
Theo GDVN
Comments[ 0 ]
Post a Comment