Trung Quốc đã lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông?
Wednesday, December 16, 2015
Phải chăng Trung Quốc đã lẳng lặng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông? Đây là câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra sau lời tố cáo rõ ràng của một nhà báo Anh trong một phóng sự vừa được đài BBC công bố hôm 15/12/2015.
Bãi Đá Ga Ven - một trong những điểm mà phóng viên BBC bay qua trong chuyến bay tiếp cận các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa
Trong bài phóng sự có title “Bay trên các đảo mới của Bắc Kinh tại Biển Đông”, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đã kể lại hành trình mà ông vừa thực hiện trên chiếc phi cơ dân sự Cessna 206, đi từ đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát, qua những vùng gần các thực thể địa lý như Đá Ga Ven, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, đều là những đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa.
Điểm được nêu bật là mỗi lần chiếc máy bay chở nhà báo Anh tiến gần đến các đảo này, dù ở xa cả 20 hải lý, cũng đều bị Hải quân Trung Quốc bên dưới cảnh cáo qua radio và đe dọa, buộc phải rời khỏi khu vực.
Một ví dụ cụ thể là khi chiếc phi cơ tiến gần đến Đá Ga Ven thì lập tức nghe được qua radio: “Máy bay quân sự không nhận diện ở phía tây của bãi Nam Huân (tên Trung Quốc gọi bãi Đá Ga Ven), đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa tới an ninh của trạm chúng tôi! Để ngăn ngừa tính toán sai lầm, rời khỏi khu vực này ngay lập tức!”.
Lời cảnh cáo được nhắc đi nhắc lại bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung.
Kịch bản tương tự cũng diễn ra khi chiếc phi cơ chở nhà báo Anh tiến vào vùng cách Đá Chữ Thập khoảng 20 hải lý, hay sau đó, khi cách Đá Vành khăn 12 hải lý.
Cách hành xử của quân đội Trung Quốc đối với chiếc phi cơ dân sự chở đội phóng viên BBC, cũng tương tự như đối với phi hành đoàn chiếc phi cơ do thám Mỹ P8-Poseidon vào tháng 5/2015 vừa qua.
Liên kết các sự kiện này, câu hỏi đặt ra là phải chăng Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong khuôn khổ một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông? Nói cách khác là phải chăng Bắc Kinh đã cho thiết lập vùng này trong thực tế, cho dù chưa tuyên bố công khai ?
Dẫu sao thì từ khi các hành vi cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bị phát lộ, nhiều nhà quan sát quốc tế đã dự báo rằng việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sớm muộn gì cũng xảy ra. Việc này nằm trong mưu đồ của Bắc Kinh hòng độc chiếm Biển Đông, mà bước đầu tiên là bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và xây dựng trên đó các cơ sở quân sự cho phép kiểm soát không phận toàn vùng.
Một quan chức quốc phòng cao cấp của Nhật Bản vào hôm 14/12/2015 đã cảnh báo rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông sẽ là cơ sở để Bắc Kinh tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không tại vùng biển có nhiều tranh chấp này.
Theo hãng tin Kyodo, ông Masanori Nishi, cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, đã cho rằng Trung Quốc sẽ đặt radar và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo của họ ở Biển Đông, và điều đó sẽ dự báo cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Ông Nishi thậm chí còn dự báo: Những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo là “ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”
Đối với ông Masanori Nishi, Tokyo, Washington và các đồng minh khác cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề Biển Đông để ngăn không cho Trung Quốc chơi trò leo thang.
Linh Phương - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment