Khi Nga trở thành “đồng minh tốt nhất” của Pháp
Thursday, December 24, 2015
Cuối tháng 11/2015, Tổng thống Pháp François Hollande sang Nga để thảo luận với Tổng thống Putin thành lập liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trung tuần tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đến Moskva để thuyết phục người đồng nhiệm Nga Serguei Choigou đẩy mạnh tấn công IS tại Syria. Sau loạt tấn công tại Paris, Pháp đang dần nghiêng về Nga hơn Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Và đây là lý do khiến giới chính khách châu Âu lên tiếng “báo động”.
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Pháp Hollande trong một cuộc gặp
Trong cuộc phỏng vấn báo Le Figaro ra ngày 23/12, cựu Thủ tướng Italia, Enrico Letta, vừa nhậm chức lãnh đạo Trường quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), lên tiếng hối thúc châu Âu chung sức với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông cảnh báo: “Các nước châu Âu không thể chỉ bằng lòng với việc hát bài quốc ca Pháp - La Marseillaise. Châu Âu phải chứng minh rằng mình tồn tại, và không thể phó thác mọi sáng kiến cho 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ”. Cựu Thủ tướng Italia nói thêm: “Châu Âu cần tránh để cho Nga trở thành ‘đồng minh tốt nhất của Pháp’. Và điều này sẽ để lại những hệ quả tồi tệ đối với tương lai của tình liên đới của khối”.
Việc châu Âu không có quan điểm riêng được chính Tổng thống Nga Putin mới đây lên tiếng báo động. Tuyên bố trong phim tài liệu "Trật tự thế giới" phát sóng hôm 20/12 trên kênh truyền hình Nga Rossiya 1, ông Putin cho rằng vấn đề của châu Âu hiện nay nằm ở chỗ không thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, và về thực chất họ đã từ bỏ chính sách này và chuyển giao một phần chủ quyền của mình cho NATO cũng như Mỹ.
Theo ông Enrico Letta, xây dựng một châu Âu đoàn kết là hướng đi duy nhất cho phép các quốc gia châu Âu đứng vững được trong 10, hay 15 năm nữa, đối mặt với các cường quốc.
Nhận định về quan điểm “thân Nga” của Pháp, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrin cho rằng kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp đã tìm được tiếng nói chung với nước Nga. Trong mục tiêu diệt trừ IS, Nga can thiệp vào Syria, một phần vì tại đây có hàng ngàn người gốc Kavkaz. Những người này có thể trở về Nga để gây ra các vụ khủng bố. Pháp cũng muốn đánh IS để trả thù các vụ tấn công ở Paris.
Trong một thời gian dài, quan điểm của phương Tây, Mỹ, đặc biệt là Pháp, coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Như nay quan điểm này của Pháp đã bị từ bỏ, do các đòi hỏi của tình hình cụ thể, mang tính khẩn cấp.
Ông Vedrin cho rằng, trong khi các nước phương Tây khác tỏ ra chậm chễ trong việc phối hợp nỗ lực chung với Nga trong cuộc chiến chống IS, Pháp đang cho thấy những dấu hiệu thể hiện họ có cách tiếp cận thực tế hơn rất nhiều trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Nh.Thạch-Petrotimes
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment