Sóng gió quanh gói vũ khí Mỹ- Đài Loan
Saturday, December 19, 2015
Trung Quốc cực lực phản đối thương vụ vũ khí lớn đầu tiên của Mỹ với Đài Loan trong hơn bốn năm qua.
Trong số vũ khí kể trên được Mỹ bán cho Đài Loan thì chỉ có trực thăng Apache là hàng mới, còn toàn bộ số vũ khí còn lại đều đã được quân đội Mỹ sử dụng
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/12 đã chính thức đệ trình Quốc hội nước này một gói vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD bán cho Đài Loan (Trung Quốc).
Động thái này diễn ra một năm sau khi Quốc hội Mỹ thông qua "Dự luật chuyển giao tàu chiến hải quân", cho phép chính quyền của Tổng thống Obama bán cho Đài Loan 4 chiếc tàu hộ vệ lớp Perry.
Dự luật chuyển giao tàu chiến lớp Perry cho Đài Loan được Hạ viện Mỹ trình lần đầu tiên hồi tháng 11/2013 và thông qua hồi tháng 4/2014 trong khi Trung Quốc luôn bày tỏ sự phản đối gay gắt. Phía Đài Loan và Mỹ cũng đã trao đổi cụ thể về chương trình chuyển giao và dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tháng tới.
Tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan
"Gói vũ khí này sẽ giúp Đài Loan tăng cường năng lực phòng thủ theo cách sáng tạo và phi đối xứng", ông David McKeeby, người phát ngôn Cục Chính trị-Quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết. "Thông báo này phù hợp với Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan, cũng như sự ủng hộ của chúng tôi đối với Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ thích hợp".
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng cho biết trong một tuyên bố rằng các loại vũ khí mới sẽ được chuyển giao theo từng đợt trong vài năm và sẽ cho phép Đài Loan duy trì và phát triển hệ thống tự vệ đáng tin cậy.
Hãng tin Reuters cho biết gói vũ khí trên bao gồm hai tàu hộ tống lớp Perry, tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa chống tăng TOW 2B, tàu đổ bộ tấn công AAV-7, các hệ thống chỉ huy, trinh sát, kiểm soát Syun-An C4ISR, hệ thống Link 11/Link 16 trên tàu hải quân, các gói nâng cấp radar MIDS/NTAMS/Fuzes cho chiến đấu cơ F-16, các hệ thống phòng không tầm gần Phalanx và tên lửa đất đối không Stinger.
Theo website của Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, mỗi tàu hộ tống lớp Perry sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực MK-92 Mod 6, hệ thống tác chiến chống ngầm SQQ-89V, pháo MK-75 76 mm, hệ thống phòng không tầm gần Phalanx 20 mm, hệ thống phóng tên lửa dẫn đường MK-13, hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32, radar SPS-49, thiết bị thủy âm kéo SQR-19 cùng các phụ tùng kèm theo.
Tàu hộ tống lớp Perry là một loại tàu chiến cỡ nhỏ giá rẻ được Mỹ thiết kế và chế tạo từ thập niên 1970 để bảo vệ các tàu đổ bộ hoặc tham gia vào cụm tàu sân bay chiến đấu. Tàu có chiều dài 136 m, rộng 14m, lượng giãn nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 176 người. Với hai động cơ General Electric LM2500-30, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý.
Đáp ứng sự mong đợi của Quốc hội Mỹ
Các Thượng nghị sỹ hàng đầu của Mỹ tuyên bố hoan nghênh bước đi này, đồng thời kêu gọi thường xuyên tiến hành các thương vụ như thế này hơn trong tương lai. Quốc hội nước này cũng đã thúc giục chính quyền tiến hành phê duyệt bán vũ khí cho Đài Loan, giống như các nước láng giềng trong khu vực Bắc Á đã thúc đẩy chi tiêu quân sự của họ để phản ứng với sự gia tăng quân sự của Trung Quốc và chính sách đối ngoại bành trướng hơn trong khu vực.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ John McCain kêu gọi "thường xuyên hóa tiến trình" bán vũ khí cho Đài Loan, cho rằng điều này cần thiết nhằm giảm thiểu các giai đoạn kéo dài mà "năng lực phòng vệ của Đài Loan không được đáp ứng vì quan ngại ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Trung".
Ông McCain cũng kêu gọi “một tiến trình chuẩn hóa hơn” nhằm tính tới các yêu cầu bán vũ khí cho Đài Bắc “để tránh tình trạng tâm lý lo ngại quan hệ Mỹ-Trung Quốc xấu đi có thể gây phương hại cho khả năng phòng vệ của Đài Loan.”
Trước đó, Chính quyền Obama đã bị cáo buộc về việc trì trệ tiến trình bán vũ khí cho Đài Loan vì lo ngại sự ảnh hưởng quan hệ song phương Mỹ và Trung Quốc. Các hợp đồng bán vũ khí những năm vừa qua của Mỹ cho Đài Loan đều bị chính quyền Bắc Kinh kịch liệt phản đối.
Các nhà phân tích và các nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cũng nhận định rằng Nhà Trắng muốn duy trì mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới như một đối tác kinh tế quan trọng.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce cho rằng Mỹ “nên giải quyết các vụ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan giống như điều Washington làm với bất kỳ đối tác an ninh mật thiết nào khác.”
Trung Quốc phản đối
Trung Quốc luôn nhận định Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc, có thể dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết, và phản đối mọi hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngày 16/12, Trung Quốc đã yêu cầu Đài Loan không được gây tổn hại cho quan hệ giữa hai bờ eo biển cũng như đưa ra tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ "kiên quyết phản đối" mọi thương vụ vũ khí giữa nước ngoài với Đài Loan bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.
Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại biện lâm thời Mỹ tại Bắc Kinh Kaye Lee để phản đối việc chính quyền Mỹ cấp phép cho thương vụ bán vũ khí tổng trị giá 1,83 tỷ USD cho vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt những tập đoàn liên quan đến thương vụ này, Tân Hoa Xã cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịch Trạch Quang nêu rõ: “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Để bảo vệ các lợi ích quốc gia, Trung Quốc quyết định sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết, trong đó có trừng phạt nhằm vào các công ty liên quan đến thương vụ này.”
Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng cam kết nêu trong các thông cáo chung giữa lãnh đạo hai nước, hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí và ngừng tiếp xúc quân sự với Đài Loan nhằm tránh gây tổn hại thêm cho các mối quan hệ Trung-Mỹ cũng như sự hợp tác song phương ở nhiều khu vực.
Chỉ mang tính biểu tượng
Khi Lầu Năm Góc đề xuất bán gói vũ khí trị giá 6.4 triệu USD cho Đài Loan vào tháng 1 năm 2010, Trung Quốc đã ngưng trao đổi quân sự cấp cao với Mỹ trong khoảng một năm. Tuy nhiên, động thái này đã không tái diễn sau thương vụ vũ khí Mỹ- Đài Loan năm 2011 trị giá 5.3 tỷ USD.
Và hiện cũng chưa rõ lệnh trừng phạt từ phía Trung Quốc đối với các công ty liên quan trong thương vụ (hai nhà thầu chính là tập đoàn vũ khí RTN.N và Lockheed Martin, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết) sẽ có ảnh hưởng như thế nào.
Tuy nhiên, ông Koh Swee Lean Collin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định rằng việc bán hai tàu khu trục cho Đài Loan không có khả năng gây ra nhiều quan ngại trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Theo giới phân tích, hợp đồng trị giá 1,83 tỷ USD lần này khá khiêm tốn về quy mô và sức mạnh hỏa lực.
Trong số vũ khí mà Mỹ đồng ý bán cho Đài Loan lần này hoàn toàn không có loại nào có thể hỗ trợ cho chương trình tàu ngầm diesel-điện mà Đài Loan đang thực hiện để thay thế hai tàu ngầm cũ kỹ lớp Hai-lang mua của Hà Lan từ thập niên 1980, và yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 C / D mới của Đài Loan vẫn chưa được đáp ứng.
"Số vũ khí trong danh sách này chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phòng thủ", ông Eric Wertheim, chuyên gia phân tích hải quân Mỹ, phát biểu với trang USNI News hôm 16/12. "Rõ ràng là Mỹ không muốn làm Trung Quốc phật ý với việc cung cấp cho Đài Loan bất cứ thứ gì bị coi là ảnh hưởng đến thế cân bằng quyền lực trong khu vực hay mang tính tấn công".
Kể từ khi ông Mã Anh Cửu nhậm chức Tổng thống Đài Loan năm 2008, Mỹ đã đồng ý bán các loại vũ khí tự vệ cho Đài Loan trị giá 20 tỷ USD, trong đó bao gồm cả thỏa thuận mới nhất có trị giá 1,83 tỷ USD nói trên. Ngày 17/12, Đài Bắc đã bày tỏ sự hoan nghênh quyết định của Washington, Kyodo cho biết.
Dù gói vũ khí này chỉ dừng ở mức độ “phòng thủ” nhưng có thể nói rằng động thái này cũng phần nào thể hiện chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng vì những hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, theo Reuters.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment