Mâm cơm bỏ dở của lính đảo Trường Sa
Wednesday, December 9, 2015
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã bỏ dở mâm cơm tất niên Tết Giáp Ngọ, phát lệnh chiến đấu khi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền - Đây chỉ là một trong nhiều tình huống mà bộ đội Trường Sa phải đối mặt hàng ngày.
Đại tá Nguyễn Công Sơn kể chuyện về sự đổ máu của chiến sĩ vùng 4 hải quân. Ảnh: P.X.
Đại hội thi đua yêu nước lần 9 đã kết thúc, đọng lại nhiều câu chuyện xúc động của các điển hình tiên tiến. Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 hải quân trong bài tham luận dành nhiều thời gian để kể về câu chuyện giữ biển, giữ đảo của những người lính hải quân.
"Chúng ta sống trong một đất nước hòa bình và phát triển, nhưng biên giới mềm trên biển luôn bị các thế lực nhòm ngó và xâm phạm. Những người lính hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, nhận nhiệm vụ trước những diễn biến phức tạp", đại tá Sơn nhấn mạnh.
Ông nhắc lại sự kiện ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã vĩnh viễn nằm lại lòng biển khơi trong trận chiến ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Vị đại tá cũng nhắc đến lời phát biểu của đại tướng Lê Đức Anh tại quần đảo Trường Sa ngày 7/5/1988: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng".
Đại tá Sơn cho biết, cán bộ, chiến sĩ vùng 4 tuổi đời còn trẻ nhưng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ và được chứng minh bằng thực tế. Chiều 30 Tết Giáp Ngọ 2014, khi cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chuẩn bị ngồi xuống mâm cơm tất niên thì trực canh phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền.
Ngay lập tức, toàn đảo gác lại bữa cơm, phát lệnh báo động chiến đấu, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài. Chiến sĩ đảo hạ xuồng CV cùng với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng loa tuyên truyền, xua đuổi buộc tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
"Đây chỉ là một trong vô vàn tình huống phức tạp trên biển mà bộ đội Trường Sa thường phải đối mặt", đại tá Sơn nói.
Nói về gương chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, đại tá Sơn kể chuyện thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va. Trên người anh có 8 vết thương, máu chảy ướt cánh tay, được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, bị choáng do mất máu, nhưng thiếu tá Phúc vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Những năm qua, Vùng 4 hải quân đã tiếp nhận và đưa vào đội hình chiến đấu nhiều tàu, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu pháo, tàu vận tải... Nhiều cán bộ còn trẻ nhưng đã tiếp cận, nhanh chóng làm chủ tàu thuyền hiện đại. Các biên đội tàu tuần tra chung, phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn, giao lưu với hải quân các nước trong khu vực nhằm thể hiện năng lực đi biển xa, nâng cao vị thế của hải quân Việt Nam.
"Đầu năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa hải quân vùng 4 sẽ vượt hơn 5.000 hải lý, tham dự lễ duyệt binh tàu quốc tế tại Ấn Độ và thăm Singapore, tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của Hải quân Việt Nam", đại tá Sơn thông tin.
Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo trọng yếu là căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa, chốt giữ 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Đây là hai khu vực trọng điểm, tập trung nhiều lực lượng hiện đại của hải quân, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là những nơi có khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng gió, mưa bão nhiều.
Phương Hòa - VNExpress
Tags:
Biển Đông,
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment