Ai phô diễn 'sức mạnh cứng' ở Biển Đông?
Sunday, December 27, 2015
Ngày 22-12, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài bình luận của ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập tại đảo Hải Nam, theo đó Bắc Kinh nên coi chuyện "xây dựng sức mạnh cứng" trên Biển Đông là nhiệm vụ cấp bách sau khi máy bay B-52 Mỹ bay áp sát bãi đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ 2 hải lý.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị
Theo nhận định của ông Ngô Sĩ Tồn, Mỹ lo ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa bởi Washington tin những hòn đảo này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, thách thức trực tiếp lợi ích địa - chính trị, quân sự và quyền lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ngôi vị "bá chủ đại dương toàn cầu".
Bên cạnh đó, việc Mỹ lấy cớ Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo làm thay đổi hiện trạng Biển Đông để thường xuyên điều tàu chiến, máy bay tiến vào “khu vực 12 hải lý” nhằm thể hiện sức mạnh quân sự độc nhất vô nhị của Washington đối với thế giới. Đồng thời thúc đẩy chiến lược bao vây Trung Quốc, để khiến Bắc Kinh không thể hiện thực chiến lược “giấc mơ Trung Hoa” và “Con đường tơ lụa trên biển”.
Ông Ngô Sĩ Tồn cũng khuyến cáo, thời gian tới, Mỹ sẽ không ngừng tuần tra và bay qua “vùng phụ cận đảo nhân tạo". Và một khi Washington tập kết quân ở Biển Đông, Bắc Kinh nên coi xây dựng sức mạnh cứng ở Biển Đông là nhiệm vụ hàng đầu. Tiếp đến phải đề phòng nổ ra xung đột trên biển. Và phải coi nhiệm vụ xây dựng cơ chế an toàn ở Biển Đông là nhiệm vụ ưu tiên.
Thời báo Hoàn Cầu cũng cho rằng, so với vụ tàu khu trục USS Lassen tiến vào “khu vực 12 hải lý” quanh bãi đá Xu Bi hôm 27-10, thì vụ máy bay B-52 áp sát bãi đá Châu Viên chỉ 2 hải lý nguy hiểm hơn nhiều. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại tuyên bố, cho dù có quân sự hóa đảo nhân tạo mạnh hơn nữa thì cũng không đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xung đột Trung - Mỹ ở Biển Đông!
Do đó, Bắc Kinh cứ yên tâm đưa chiến đấu cơ, radar, tên lửa tới các đảo nhân tạo… Và điều này đồng nghĩa với việc xu thế quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và được cổ súy mạnh mẽ.
Theo nhận định của ông Joseph Bosco, đến từ Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, cải cách đã thành công trong việc làm cho quân đội Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn và có khả năng chiến đấu thực sự.
Ngày 19-12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Wright thừa nhận, một máy bay ném bom chiến lược B-52 đã bay vào “khu vực 12 hải lý”. Đồng thời đưa ra bình luận giống với tuyên bố hôm 18-12 của Trung tá Hải quân Mỹ Bill Urban, khi cho rằng, hải quân thường xuyên thực hiện những cuộc huấn luyện trong khu vực và chuyến bay đó không phải là một hoạt động “tự do hàng hải” - chuyến bay này có thể đã bay chệch hướng.
Cũng trong ngày 18-12, tờ The Wall Street Journal dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho biết, họ đang điều tra lý do tại sao một trong hai chiếc B-52 lại bay gần bãi đá Châu Viên hơn so với kế hoạch bay ban đầu, bất chấp việc giải thích của một quan chức quốc phòng Mỹ trước đó - thời tiết xấu đã khiến chiếc B-52 này phải điều chỉnh đường bay, nên đã đi vào khu vực tranh chấp.
Trong khi đó, ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã khiếu nại chính thức lên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề này. Trước đó, Bộ Quốc phòng Australia cũng cho biết, một chiếc máy bay quân sự của nước này đã tuần tra tại Biển Đông (từ 25-11 đến 4-12).
Ngày 21-12, Hãng Reuters cho hay, Ngoại trưởng John Kerry đã điện đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị về việc một máy bay ném bom B-52 của Mỹ "vô tình" áp sát bãi đá Châu Viên chỉ 2 hải lý. Và người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị, nếu Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc thì phải tôn trọng “lợi ích cốt lõi”, cũng như các mối quan tâm quan trọng của Bắc Kinh.
Đồng thời yêu cầu, tàu thuyền và máy bay Mỹ không được tuần tra gần các thực thể Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang lợi dụng triệt để khả năng “Tổng thống Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ” nên không dám mạnh tay đẩy mạnh chiến lược quân sự hóa Biển Đông, hiện thực hóa “đường lưỡi bò”.
Và điều này sẽ khiến cho phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan (dự kiến đưa ra vào giữa năm 2016) gặp trở ngại.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính sách quốc phòng Harry Kazianis của tờ National Interest, Trung Quốc có những động cơ rõ ràng để quyết tâm đóng thêm tàu sân bay.
Thứ nhất, chương trình phát triển tàu sân bay nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận Trung Quốc - chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Và đa số người dân Trung Quốc đều cho rằng, để trở thành cường quốc trên thế giới mà Bắc Kinh không có nổi một tàu sân bay là điều không thể tưởng tượng nổi, do đó việc sở hữu tàu sân bay là “tất yếu lịch sử” đối với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Andrew Scobel của USNWC, Trung Quốc coi sự thống trị của tàu sân bay Mỹ là biểu hiện của ngoại giao pháo hạm, và hiện Bắc Kinh vẫn ở "chiếu dưới" trong lĩnh vực này. Thứ hai, phù hợp với chiến lược và tham vọng vươn ra "biển xanh" của Hải quân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chiến lược biển của Trung Quốc được đẩy mạnh trong thế kỷ XXI khi Bắc Kinh cho rằng, lợi ích của họ đang bị Mỹ đe dọa. Nhất là khi Mỹ khởi xướng chiến lược "xoay trục", Bắc Kinh đã coi những động thái của Washington ở Châu Á - Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế và bao vây Trung Quốc.
Theo giới quân sự, cho tới nay Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới phát triển 2 loại tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay là DF-21D và DF-26 nhằm phục vụ chiến lược "chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực". Và gần đây, Trung Quốc còn khiến dư luận lo ngại khi thể hiện tham vọng sở hữu thêm tàu sân bay.
Trang USNI News của Mỹ từng dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc đang gấp rút đóng một chiếc tàu sân bay có hình dáng khá giống với tàu Liêu Ninh tại cảng Đại Liên. Nhưng cho tới nay Trung Quốc chưa công khai bất cứ thông tin nào về dự án này.
Tuấn Quỳnh-Năng lượng Mới 486
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment