Học giả Mỹ: Nga-Việt tăng cường hợp tác ở Biển Đông, Bắc Kinh bất mãn
Saturday, September 21, 2013
Tiến sĩ Stephen Blank, thành viên cao cấp Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ chuyên nghiên cứu về Nga nhận định, Nga đang "xoay trục chiến lược" sang châu Á và việc Nga tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác chính trị - quân sự với Việt Nam khiến Trung Quốc lo ngại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Tạp chí The Diplomat ngày 19/9 đăng bài phân tích của tiến sĩ Stephen Blank, thành viên cao cấp Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ chuyên nghiên cứu về Nga nhận định, Nga đang "xoay trục chiến lược" sang châu Á và việc Nga tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác chính trị - quân sự với Việt Nam khiến Trung Quốc lo ngại. Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra yêu cầu (vô lý) Moscow phải chấm dứt hoạt động thăm dò khai thác năng lượng trên Biển Đông. Bất chấp những phàn nàn của Bắc Kinh, Nga vẫn âm thầm tăng cường hợp tác thăm dò khai thác năng lượng với Việt Nam, một cách thức có lẽ để tránh sự thù địch của Trung Quốc. Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận thăm dò khai thác 2 khu vực trong thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông được cấp phép. Kể từ đó Nga đã tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, động thái theo Stephen Blank sẽ khiến Trung Quốc "lo sợ". Mối quan hệ Nga - Việt đang phát triển mạnh "nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc", Stephen Blank nhận định, Việt Nam đã trở thành khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, chủ yếu là tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Nga và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2001 và quan hệ song phương được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Trao đổi thương mại song phương, giao lưu văn hóa - khoa học giữa 2 nước đang phát triển tích cực. Nga xếp thứ 18 trong số 101 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó Nga tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất, đặc biệt là năng lượng. Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là hợp tác quốc phòng.
Tiến sĩ Stephen Blank.
Trong năm 2012 Nga công bố mối quan tâm của mình đối với cảng Cam Ranh của Việt Nam, một vị trí chiến lược có thể kết nối với các dự án năng lượng hợp tác Nga - Việt ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Tiến sĩ Stephen Blank cho biết thêm, ngoài việc công khai bày tỏ sự quan tâm đến cảng Cam Ranh của Việt Nam, Nga đang giúp Việt Nam xây dựng một căn cứ tàu ngầm và sửa chữa xưởng đóng tàu để cung cấp dịch vũ bảo trì hải quân. Căn cứ tàu ngầm sẽ được tổ chức để các tàu ngầm Kilo Việt Nam mua từ Nga sẽ được triển khai để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Gần đây 2 bên đã bắt đầu thảo luận về một nội dung cho phép các tàu hải quân của Nga thường xuyên sang Việt Nam để bảo trì, mặc dù cảng Cam Ranh sẽ không trở thành một cơ sở quân sự của Nga. Việt Nam và Nga cũng đã công bố đợt thứ 3 của hợp đồng mua 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 có thể tiêu diệt các chiến hạm, mục tiêu trên không và mục tiêu mặt đất, trong khi Việt Nam cũng đặt mua của Nga 6 tàu ngầm Varshavyanka để thực hiện các nhiệm vụ chống tàu ngầm, chống hạm, trinh sát và tuần tra trên Biển Đông. Việc tăng cường hợp tác quân sự, củng cố năng lực phòng thủ của Việt Nam là để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông cũng như ngăn chặn các mối đe dọa đến lợi ích hợp pháp của Việt Nam mà tiến sĩ Stephen Blank gọi là sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiến sĩ Stephen Blank cũng nhận định, tất nhiên là không có gì trong mối quan hệ song phương Nga - Việt được thiết kế để nhắm mục tiêu vào một nước thứ 3, nhưng rõ rằng trong mối quan hệ này các thỏa thuận về mua bán vũ khí được đưa ra để ngăn chặn ý đồ và hành vi hung bạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Stephen cho rằng đây rõ ràng là một phần trục chiến lược của Moscow đến châu Á, trùng tên gọi với Mỹ và nhằm mục đích tiếp thêm sinh lực cho vị thế kinh tế, quân sự và chính trị của Nga như là một cường quốc châu Á độc lập. Bắc Kinh rõ ràng không hài lòng với các chính sách của Nga, các phương tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi các chính sách này là "bất chính" và nói rằng hợp tác năng lượng giữa Nga với Việt Nam (trên vùng biển chủ quyền, trong thềm lục địa của Việt Nam) là nằm trong khu vực tranh chấp?!
Hồng Thủy - Báo Giáo Dục Việt Nam
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment