Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, máy bay chiến đấu trên boong J- 15 đã thực hiện chương trình bay thành công từ tàu sân bay Liêu Ninh với vũ khí treo ngoài.
Chuyên gia của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Vasily Kashin cho rằng, cất hạ cánh trên tàu sân bay với vũ khí treo ngoài là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của chương trình tàu sân bay Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh quan trọng của thử nghiệm này vẫn chưa được công bố. Hiện chưa thể đánh giá tiềm năng chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc, vì chưa có dữ liệu bổ sung.
Truyền thông Trung Quốc có những phương án khác nhau cho vũ khí treo ngoài máy bay với tên lửa không đối không trong các kết hợp khác nhau gồm: 2 tên lửa không đối không và 2 đạn tên lửa chống tàu YJ- 83K; 2 tên lửa không đối không tầm ngắn và 4 bom. Như vậy, khối lượng của vũ khí treo ngoài là khoảng hơn 2 tấn.
Hạn chế về trọng lượng cất cánh của máy bay là một điểm yếu “cố hữu” trong chương trình cất cánh từ tàu sân bay kiểu boong phóng nhảy cầu, không cần máy phóng của Liên Xô.
Trên kiểu boong này, máy bay chỉ có thể dựa trên động cơ của mình để tăng đột ngột tốc độ. Tải trọng càng lớn thì động cơ càng khó đạt tốc độ cần thiết tại thời điểm tách ra khỏi boong phóng. Vấn đề có thể được giảm nhẹ nếu tàu sân bay sẽ đạt tốc độ tương đối cao và di chuyển ngược chiều gió, nhưng vì lý do này hay lý do khác, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện điều đó.
Vì J -15 được phát triển từ cấu trúc tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô nên có thể giả định rằng nó cũng chịu sự hạn chế tương tự. Trên giấy tờ, Su- 33 có trọng lượng cất cánh tối đa là 32,2 tấn và có thể chở hơn 6 tấn vũ khí. Trọng lượng tối đa nhiên liệu trên máy bay là 9,5 tấn. Trong thực tế, máy bay gần như không bao giờ lấy đầy nhiên liệu, còn tải trọng chiến đấu tối đa khi bay từ tàu sân bay là chuyện không đề cập đến.
Su-33 cất cánh từ boong phóng kiểu nhảy cầu trên tàu Kuznetsov, ảnh nhỏ là J-15 trên Liêu Ninh.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được cải tiến từ tàu sân bay Liên Xô Varyag. Mà Varyag là con tàu thứ hai trong lớp tàu sân bay độc nhất hiện nay của Nga là Đô đốc Kuznetsov. Các tàu sân bay này có 3 vị trí xuất phát, được trang bị vách ngăn khí và các thiết bị cản đặc biệt, nhờ đó mà máy bay không chuyển động cho đến khi động cơ có được lực đẩy cần thiết. Hai điểm xuất phát đầu có độ dài đường băng cất cánh là 90m và điểm thứ ba có độ dài 180m.
Về mặt kỹ thuật, Su- 33 chỉ có thể bay lên với khối lượng cất cánh từ vị trí xuất phát thứ 3 với tốc độ đủ cao của con tàu và hướng gió thuận lợi. Một điều kiện tiên quyết là phi công phải có trình độ cao. Như vậy, việc nâng các phương tiện và vũ khí nặng cất cánh hoặc nạp đầy nhiên liệu có thể đòi hỏi thêm thời gian bổ sung. Thông thường, máy bay xuất phát từ tàu sân bay không nạp đầy nhiên liệu và vũ khí với tên lửa không đối không.
Lưu ý rằng, Su -33 đã không trở thành máy bay chiến đấu đa năng vì không có khả năng mang vũ khí điều khiển không đối đất. Vũ khí chính của nó là tên lửa không đối không tương đối nhẹ và biến thể máy bay đánh chặn Su -33 chỉ có thể cất cánh với một số nhiên liệu hợp lý.
Ngược lại, J- 15 đã được tạo ra như một máy bay chiến đấu đa năng được cải tiến, mang vũ khí định vị chính xác cao, bao gồm cả bom thông minh và tên lửa hành trình. Vì vậy, đối với nó, việc hạn chế khối lượng là vấn đề nhạy cảm hơn nhiều. Chính Nga phải thay kho máy bay trên boong của mình bằng loại máy bay chiến đấu đa năng MiG-29K nhẹ hơn.
Chính xác thì J-15 mang được bao nhiêu vũ khí vẫn là dấu hỏi lớn?
Như vậy, trong các thử nghiệm nói trên, chưa có số liệu chính xác về tổng số nhiên liệu của J- 15 và trọng lượng cất cánh của nó, cũng như tốc độ của tàu sân bay và điều kiện thời tiết. Phải biết tất cả các chỉ số đó mới kết luận được về tiềm năng chiến đấu thực tế của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Đồng thời, dựa trên tất cả các dữ liệu đã biết, trong tương lai, Trung Quốc dự định khởi công xây dựng tàu sân bay có trang bị máy phóng nhằm loại bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng J- 15.
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment