Trung Quốc không hề dễ dàng nếu muốn sao chép máy bay Su-35
Saturday, September 14, 2013
Su-35 do Nga độc lập chế tạo, không có ai giúp đỡ, Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng sao chép, thậm chí việc sao chép Su-27 có thể gặp vấn đề nghiêm trọng.
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 Nga
Ngày 11 tháng 9, trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đưa tin, khi tiếp phi công đội biểu diễn “Bát nhất” Trung Quốc trong thời gian Triển lãm hàng không Moscow cách đây không lâu, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport) Anatoly Isaikin cho biết, phi công Trung Quốc hứa hẹn được lái máy bay chiến đấu đa năng Su-35 mới nhất do Nga chế tạo trong thời gian tới. Hiện nay, đại diện hai nước Nga và Trung Quốc vẫn tiến hành đàm phán vấn đề cung cấp 24 máy bay Su-35.
Phó Tổng giám đốc Rosoboronexport, Viktor Komardin gần đây cũng tiết lộ, thời gian hai nước Nga và Trung Quốc ký kết hợp đồng tiêu thụ Su-35 sẽ không sớm hơn năm 2014.
Viktor Komardin cho hay, hiện nay đàm phán vẫn đang được tiến hành, nhưng khả năng ký hợp đồng trước cuối năm không lớn, “hợp đồng có thể sẽ ký kết vào năm tới”. Ông đồng thời tiết lộ, phía Trung Quốc còn sẵn sàng mua một lô hệ thống vũ khí mới dùng để trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35.
Có chuyên gia quân sự chỉ ra, trong thời gian tới, sự tăng trưởng mạnh về số lượng xuất khẩu sản phẩm hàng không quân sự Nga chỉ có thể đặt kỳ vọng vào hợp đồng tiêu thụ máy bay Su-35 ký kết với Trung Quốc.
Phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga Constantin Makiyenko cho rằng, trong 10 năm tới, số lượng xuất khẩu sản phẩm hàng không quân sự Nga sẽ có xu thế giảm rõ rệt, điều này chủ yếu là do hai thị trường tiêu thụ lớn nhất máy bay chiến đấu Nga là Trung Quốc và Ấn Độ đã bão hòa.
Mặc dù những thông tin Trung Quốc chuẩn bị mua máy bay chiến đấu Su-35 đã được xác nhận, nhưng có một số nhà bình luận độc lập lại cho rằng, nếu Trung Quốc có thể thông qua mua giấy phép sản xuất loại máy bay chiến đấu mới này để nâng cấp trình độ tổng thể của công nghiệp hàng không quân sự của họ, thì trong tương lai họ có thể từng bước từ bỏ mua sắm máy bay chiến đấu do Nga chế tạo.
Về mối lo ngại này, phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, Makiyenko cho rằng, máy bay chiến đấu Su-35 là một loại máy bay chiến đấu mới do Nga độc lập nghiên cứu chế tạo, vì vậy bất cứ nước nào khác đều không thể hỗ trợ Trung Quốc trong quá trình sản xuất cấp phép máy bay này.
Ngoài ra, Trung Quốc muốn có được giấy phép sản xuất máy bay chiến đấu Su-35, có thể họ buộc phải mua thêm vài chục chiếc nữa. Tức là, trong ngắn hạn, Nga cơ bản không cần lo ngại Trung Quốc sẽ giảm số lượng nhập khẩu máy bay chiến đấu do Nga chế tạo. Đồng thời, cùng với việc Trung Quốc nhập khẩu máy bay chiến đấu mới, các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia cũng sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của máy bay này.
Có chuyên gia quân sự cho rằng, đối với Trung Quốc, sao chép máy bay chiến đấu Su-35 tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng. Họ giải thích cho biết, Su-35 là một loại máy bay rất phức tạp, giới công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc rất khó hoàn thành sao chép nó trong ngắn hạn.
Trước đây, Trung Quốc từng có được sự trợ giúp của Belarus và Ukraine trong quá trình sản xuất máy bay chiến đấu Su-27, sở hữu được tất cả những công nghệ cần thiết. Còn Trung Quốc nếu muốn sao chép Su-35, Belarus và Ukraine đều không thể tiếp tục cung cấp trợ giúp tương tự.
Máy bay chiến đấu Su-35 hoàn thành bay thử lần đầu tiên vào năm 2008, là phiên bản cải tiến sâu sắc của máy bay Su-27, đã trang bị hệ thống radar mảng pha Irbis và động cơ đẩy véc-tơ 117S. Tính năng của máy bay này đã rất gần với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Trước đây từng có tin cho biết, Trung Quốc ban đầu chỉ muốn mua 4 chiếc máy bay Su-35, trong khi đó Nga kiên trì ít nhất phải mua 48 chiếc. Đối với giới công nghiệp quân sự Nga, chỉ có xuất khẩu lượng lớn máy bay chiến đấu này cho Trung Quốc mới có thể ngăn chặn tổn thất khi Trung Quốc sao chép bất hợp pháp.
Có chuyên gia Nga cho rằng, xét tới thời gian sao chép loại máy bay chiến đấu này ít nhất phải mất 5-7 năm, trong tình hình không thể có được bảo đảm từ Trung Quốc, bán máy bay Su-35 phiên bản đơn giản hóa cũng là một phương pháp giúp giảm “chảy máu” công nghệ quân sự tiên tiến của Nga.
Có chuyên gia thì cho rằng, Trung Quốc mãi không thúc đẩy xuất khẩu máy bay J-11 ra thị trường quốc tế cho thấy, họ đã gặp phải những trở ngại công nghệ tương đối nghiêm trọng trong quá trình sao chép Su-27, đặc biệt là độ khó sao chép động cơ và hệ thống điện tử hàng không vượt xa việc mô phỏng đối với cấu tạo ngoại hình của máy bay chiến đấu.
Việt Dũng - Báo Giáo Dục Việt Nam
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment