Đối tác chiến lược: Khuôn khổ quan hệ đối ngoại thời đại toàn cầu hóa
Friday, September 27, 2013
Việt Nam và Đức chính thức trở thành đối tác chiến lược từ ngày 11-10-2011. Ảnh: tuoitre.vn
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Pháp Giăng Mác Ê-rô, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp - dấu mốc đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài của tác giả Trần Việt Thái thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao nhằm làm rõ khái niệm đối tác chiến lược và thực tiễn xây dựng đối tác chiến lược của Việt Nam.
Xu hướng khách quan và tất yếu
Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, quan hệ quốc tế đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cục diện thế giới đã chuyển sang trật tự đa cực với nhiều trung tâm quyền lực. Hòa bình, hợp tác và phát triển trở thành một xu thế lớn trên thế giới. Xu thế toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế phát triển rộng khắp. Nhu cầu đa dạng hóa các loại hình quan hệ đối ngoại, xây dựng các mối quan hệ hợp tác kiểu mới cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới và phù hợp thực lực của mỗi chủ thể trong quan hệ quốc tế đã trở thành một xu hướng khách quan và tất yếu.
Thử tìm một khái niệm
Trên thế giới hiện nay chưa có khái niệm chung về khuôn khổ, nội hàm, mục đích, ý nghĩa của đối tác chiến lược. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, các chủ thể trong quan hệ quốc tế tìm cách thiết lập và triển khai đối tác chiến lược phù hợp với thực lực quốc gia, bối cảnh quốc tế và không tự bó hẹp mình trong những khuôn khổ quan hệ cứng nhắc. Thông thường, chỉ khi các quốc gia có quan hệ hữu nghị và hợp tác ở một mức độ nhất định thì mới cân nhắc việc xây dựng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trung Quốc và Áp-ga-ni-xtan thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược ngày 8-6-2012 nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai. Ảnh: Roi-tơ
Về bản chất, đối tác chiến lược là một dạng thức của quan hệ quốc tế, phản ánh mong muốn của các chủ thể khi tham gia khuôn khổ quan hệ này. Đối tác chiến lược thể hiện sự cam kết cao hơn mức độ quan hệ song phương thông thường nhưng chưa hình thành các liên minh quân sự. Nói cách khác, đối tác chiến lược còn là một thước đo sự gắn kết, đan xen về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, vượt lên trên mức hữu nghị và hợp tác, nhưng chưa đến mức ràng buộc về trách nhiệm pháp lý. Nhìn chung, các cặp quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới có 4 đặc trưng cơ bản như sau:
Một là, phải có một khuôn khổ quan hệ với những nội hàm hợp tác rộng lớn tùy thuộc vào ý chí chính trị và nguyện vọng hợp tác của các bên, được chính thức hóa thông qua các tuyên bố cấp cao, thông cáo chính thức…;
Hai là, phải có các cơ chế vận hành thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu… nhất là ở cấp cao, kể cả định kỳ và đột xuất, để xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hữu nghị, sự hợp tác toàn diện;
Ba là, trước đây, khi xây dựng và triển khai đối tác chiến lược, các chủ thể thường coi trọng hợp tác về chính trị, an ninh và quốc phòng, nhưng hiện nay xu thế chỉ chọn một hoặc một vài lĩnh vực hẹp hoặc đa dạng hóa nội hàm để xây dựng đối tác chiến lược đang trở nên ngày càng phổ biến, miễn là có lợi cho cả hai phía và không đi tới liên minh về quân sự;
Bốn là, có sự hợp tác kinh tế sâu rộng, mật thiết hơn mức thông thường, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa hợp tác và đối tác, tạo ra sự đan xen và gắn kết lợi ích tương đối bền vững trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, đối tác chiến lược phải có giao lưu, hợp tác ở nhiều cấp, ngành, địa phương… Mục tiêu của đối tác chiến lược là hướng tới các lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản, lâu dài giữa các bên tham gia. Quan hệ đối tác chiến lược có tính linh hoạt, không phải là bất biến, phát triển và thay đổi tùy vào từng đối tác, thời điểm, lĩnh vực và cách vận dụng của từng chủ thể.
Thực tiễn thế giới
Thực tiễn đối tác chiến lược trên thế giới rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn với nhau. Bên cạnh đó, đang xuất hiện xu hướng xây dựng đối tác chiến lược “phi đối xứng”, như đối tác chiến lược giữa một quốc gia với một tổ chức quốc tế như giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2003, giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) năm 2003; giữa một khối liên minh quân sự với một tổ chức quốc tế hoặc một quốc gia như giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với EU năm 2010, giữa NATO với Nga năm 2010…; giữa một tổ chức quốc tế với một khu vực hoặc tổ chức quốc tế khác như giữa EU với châu Phi (2007), giữa EU với khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (1996); hoặc giữa các châu lục với nhau như Đối tác chiến lược mới giữa châu Á và châu Phi (NAASP)…
Về số lượng, Trung Quốc là nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất thế giới với hơn 50 đối tác, trong đó có cả những nước nhỏ như Lào, Cam-pu-chia, Ca-dắc-xtan, Áp-ga-ni-xtan và 3 đối tác là các tổ chức quốc tế gồm EU, ASEAN và Liên minh châu Phi… Nga có hơn 30 đối tác chiến lược và tương đương. Mỹ hiện có 9 đối tác chiến lược, 3 đối tác toàn diện, 2 quan hệ đặc biệt với Anh và I-xra-en, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác, tổng cộng 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên. Pháp có 13 đối tác chiến lược; Anh và Ấn Độ mỗi nước có 12 quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược; EU và Mê-hi-cô có 10 đối tác chiến lược; Đức và In-đô-nê-xi-a mỗi nước có 9 đối tác chiến lược; Ba Lan có 6 đối tác chiến lược…
Tên gọi của các đối tác chiến lược cũng rất linh hoạt. Có nhiều cặp quan hệ về bản chất đã mang tính chiến lược, nhưng các bên không gọi tên là đối tác chiến lược như quan hệ Mỹ - Xin-ga-po, Mỹ - In-đô-nê-xi-a… Thậm chí giữa hai quốc gia đang có cạnh tranh chiến lược vẫn có thể xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, ví dụ như giữa Nga và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Ấn Độ…
Trong đối tác chiến lược cũng có thể phân thành nhiều cấp độ khác nhau căn cứ chủ yếu vào mức độ hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Cấp độ thấp hơn là đối tác chiến lược trong một lĩnh vực hẹp hoặc vì một mục tiêu cụ thể nào đó ví dụ như đối tác chiến lược vì hòa bình hay đối tác vì hợp tác và phát triển… Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.
Mức độ thấp hơn nữa là đối tác toàn diện. Ở cấp độ này, thông thường quan hệ giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Một số nước còn phân loại thành đối tác thiết yếu, đối tác quan trọng, đối tác chủ chốt, đối tác tự nhiên…
Thực tiễn xây dựng đối tác chiến lược của Việt Nam
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, từ năm 2001, Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga và đến tháng 7-2012 đã nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga. Năm 2007, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, năm 2008 lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, năm 2009 với Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2010 với Anh và 2011 với Đức, năm 2013 với I-ta-li-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan. Ở mức độ thấp hơn, chúng ta đã lập đối tác chiến lược về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với Hà Lan (2010) và quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7-2013 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nói tóm lại, ngoài hai mối quan hệ đặc biệt với Lào, Cam-pu-chia và mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cu-ba, đến nay Việt Nam có 12 đối tác chiến lược đầy đủ và 2 đối tác chiến lược trong lĩnh vực hẹp với Hà Lan, Đan Mạch và một số đối tác toàn diện với Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân...
Nhìn lại việc thiết lập và triển khai quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam trong thời gian qua, các đối tác chiến lược của Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, đều đã có những đóng góp tích cực cho quan hệ song phương với đối tác cũng như tới "bàn cờ" đối ngoại chung của Việt Nam. Các đối tác chiến lược đã giúp (i) xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và các đối tác, đặc biệt, khuôn khổ đối tác chiến lược mở ra nhiều kênh đối thoại quan trọng đặc biệt ở cấp chiến lược và thực hiện chính sách vừa giúp thúc đẩy quan hệ vừa giúp xử lý các bất đồng/khác biệt; (ii) đưa quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi dần vào ổn định, ngày càng có chiều sâu và bền vững, đồng thời, chúng ta vẫn giữ vững được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa và ngày càng chủ động trong hội nhập quốc tế; và (iii) góp phần gia tăng cả về số lượng và chất lượng các dự án, các cơ chế hợp tác quốc tế, từng bước góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Các đối tác chiến lược đã từng bước đáp ứng được các lợi ích của Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau. Ví dụ như trong đối tác chiến lược với Nga, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác dài hạn, có tính chiến lược như hợp tác về năng lượng, nhất là về dầu khí và năng lượng điện hạt nhân, hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng… Với Nhật, hai bên đã triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở, giao thông quan trọng. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2… Quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc mở rộng nhanh chóng. Các đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực như Hà Lan và Đan Mạch đã có nhiều dự án cụ thể giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trồng rừng…
Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược còn có tác dụng đòn bẩy, giúp củng cố cục diện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường vị thế của Việt Nam, không gây ra những hiệu ứng phụ và không để đất nước bị kẹt giữa các nước lớn.
Xây dựng và triển khai đối tác chiến lược: Các vấn đề cần lưu ý
Bên cạnh những mặt thuận lợi như đã nêu ở trên, vẫn còn có một số hạn chế trong việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Một số nội dung hợp tác chưa được cụ thể hóa và chưa được triển khai tích cực. Đối với một số đối tác, nội dung hợp tác có mặt còn chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ. Tuy đã tạo được sự đan xen về lợi ích nhưng sự gắn kết giữa Việt Nam và các đối tác chưa thực sự bền vững, cần phải được tiếp tục gia cố thêm. Trong quá trình thiết lập và triển khai đối tác chiến lược, việc thông tin, tuyên truyền đến với người dân và các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước chưa thực sự được chú trọng. Do vậy, kết quả chưa được như mong muốn; sự tham gia của các bộ, ngành, các doanh nghiệp và địa phương chưa sâu rộng…
Chúng ta mới chỉ tập trung xây dựng đối tác chiến lược trong vài năm trở lại đây; quá trình triển khai chưa dài, chưa tạo ra những kết quả có tính đột phá. Chủ trương chung là không xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bằng mọi giá. Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, thận trọng là điều cần thiết và cần xử lý tốt các vấn đề sau:
Một là, đối tác chiến lược phải phục vụ tốt các lợi ích quốc gia. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia của chúng ta là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ và giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng góp phần không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa thiết lập và triển khai đối tác chiến lược. Thiết lập và triển khai đối tác chiến lược là hai quá trình hoàn toàn khác nhau, nhưng gắn bó mật thiết với nhau. Lựa chọn đối tác, tìm kiếm đồng thuận về nội hàm... để xây dựng đối tác chiến lược là một quá trình khó khăn, lâu dài và không phải lúc nào chúng ta muốn thúc đẩy đối tác chiến lược, phía đối tác cũng đồng ý hoặc ngược lại. Phải có điểm đồng cả về nhận thức, thời gian, mục tiêu… Thiết lập xong đối tác chiến lược mới chỉ là sự khởi đầu. Trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Do vậy, cần kiên trì, bình tĩnh xử lý trên cơ sở nắm vững lợi ích quốc gia.
Ba là, coi trọng chất lượng và xử lý thích đáng mối quan hệ giữa số lượng và hiệu quả. Xu hướng chung trên thế giới là coi trọng chất lượng và hiệu quả đối tác hợp tác, nhưng trên thế giới không có bất cứ tiêu chí nào để định lượng bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ đối với mỗi quốc gia. Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải biết tự lượng sức mình, trong quá trình xây dựng và triển khai phải gắn chặt với thực tiễn và lấy hiệu quả làm thước đo trong từng dự án hợp tác cụ thể.
Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy luôn luôn có khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực. Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp quan hệ đối tác chiến lược không đáp ứng được các tiêu chí, nội hàm cũng như kỳ vọng về quan hệ đối tác chiến lược. Ví dụ, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Gru-di-a nhưng thực tế Gru-di-a chỉ là một đối tác rất nhỏ của Hoa Kỳ. Hoặc như quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ, hợp tác giữa hai nước về chính trị, an ninh rất hạn chế, nhưng quan hệ kinh tế thương mại lại rất lớn, kim ngạch thương mại song phương Hoa Kỳ-Ấn Độ năm 2012 đạt hơn 60 tỷ USD….
Nói tóm lại, quan hệ quốc tế đang thay đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, việc Việt Nam nỗ lực xây dựng và triển khai quan hệ đối tác chiến lược với một số đối tác là một chủ trương phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Đây là một quá trình lâu dài và rất cần thiết để làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các đối tác trên thế giới. Bước đầu, các đối tác chiến lược mà Việt Nam vừa thiết lập đã góp phần tạo ra những khuôn khổ quan hệ để hai bên cùng hướng vào xây dựng, phát triển. Bên cạnh đó, cần coi trọng các đối tác lớn, thiết thân đối với vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy. Trong khi vai trò và ý nghĩa của các liên minh quân sự ngày càng suy giảm, thì đối tác chiến lược đang nổi lên thành một trong những công cụ đa dụng và sắc bén của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế mà các nước như Việt Nam cần triệt để tận dụng.
TRẦN VIỆT THÁI
(Viện Nghiên cứu Chiến lược-Học viện Ngoại giao) - QĐND
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment