Thái Lan quyết xây dựng quân đội hiện đại hàng đầu Đông Nam Á
Tuesday, September 17, 2013
Bước vào thế kỷ 21, với diễn biến tình hình quốc tế và tiến trình hội nhập khu vực phát triển nhanh chóng, giống như nhiều quốc gia khác, Thái Lan cũng không ngừng hiện đại hóa quân đội cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thị sát hoạt động của quân đội
Top 10 châu Á về chi tiêu quốc phòng
Để hiện đại hóa quân đội, chính phủ Thái Lan không ngần ngại mở hầu bao chi mạnh cho lĩnh vực quốc phòng. Nhật báo Le Monde của Pháp dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh cho biết, cùng với Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a, Thái Lan là thành viên thứ 3 của Đông Nam Á nằm trong số 10 nước châu Á chi cho quốc phòng nhiều nhất. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Thái Lan tăng trên dưới 5%. Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính do phải khắc phục nạn lụt lịch sử nhưng Thái Lan vẫn dành 167,5 tỷ baht (khoảng 5,5 tỷ USD) cho quốc phòng.
Lục quân Thái Lan tham gia tập trận bắn đạn thật hồi tháng 7-2013. Nguồn: militaryphotos.net.
Trong khi đó, mức ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2013 là 180 tỷ 811 triệu baht (khoảng 6 tỷ USD), cao hơn 500 triệu USD so với tài khóa 2012 và chiếm 7,5% tổng chi ngân sách nhà nước. Mức chi tiêu quốc phòng này dù ít nhưng xét về tốc độ gia tăng thì cũng không thua kém các cường quốc như Trung Quốc (trên dưới 7%, theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm).
Chú trọng trang thiết bị hiện đại
Xác định phương châm “cải tổ lục quân, tăng cường hải quân, nâng cao không quân”, Thái Lan cố gắng xây dựng quân đội thay đổi từ mô hình chú trọng số lượng sang mô hình kỹ thuật-quân số ít nhưng trang bị hiện đại.
Hải quân Thái Lan được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Theo chuyên gia A.Khram-chi-khin (Aleksandr Khramchikhin) thuộc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự của Nga, Hải quân Thái Lan được trang bị khá nhiều chủng loại tàu như tàu hộ vệ, tàu tuần tra, tàu cao tốc; đặc biệt, Thái Lan là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu tàu sân bay Chakri Narubet. Mới đây nhất, ngày 30-7 vừa qua, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kinh phí 14,6 tỷ baht (khoảng 466 triệu USD) cho hợp đồng mua hai tàu khu trục đa năng do tập đoàn DSME của Hàn Quốc sản xuất.
Trong khi đó, Không quân Thái Lan được trang mạng Global Fire Power xếp vị thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Không quân Thái Lan hiện có 58 máy bay huấn luyện, 158 máy bay chiến đấu các loại, 10 máy bay trinh sát cùng 33 chiếc trực thăng. Tiêm kích hiện đại nhất của Không quân Thái Lan là JAS-39 Gripen của Thụy Điển, được đánh giá là loại tiêm kích bảo vệ không phận xuất sắc hàng đầu thế giới hiện nay. Tờ Bangkok Post cho biết, hiện Không quân Thái Lan được biên chế 12 chiếc loại này và đang có kế hoạch mua thêm 6 chiếc.
Không quân Thái Lan vừa nhận chuyển giao 3 tiêm kích siêu âm thế hệ 4 JAS 39 Gripen từ Thụy Điển.
Đối với Lục quân, lực lượng này được trang bị số lượng lớn xe tăng T-84 Oplot do U-crai-na sản xuất. So với những mẫu chiến xa hàng đầu của khu vực như Leopard 2 hay PT-91M thì T-84 Oplot không hề thua kém về giáp, hỏa lực, hay tính cơ động.
Ngoài trang bị vũ khí hiện đại, Thái Lan cũng chú trọng tăng khả năng tác chiến của quân đội thông qua các cuộc tập trận trong nước và quốc tế, trong đó phải kể đến cuộc tập trận Hổ mang vàng hay Cope Tiger cùng với Mỹ và nhiều nước khác.
Vì mục đích phòng vệ
Theo các nhà phân tích, việc Thái Lan tiến hành hiện đại hóa quân đội xuất phát từ tình hình nội tại của xứ chùa Vàng.
Trên thực tế, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên bộ và trên biển giữa Thái Lan với một số nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết; nạn buôn bán ma túy qua biên giới, buôn lậu vũ khí và nhập cư bất hợp pháp liên tục xảy ra. Trong khi đó, tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa, an ninh thông tin trong nước đều đối mặt với những thách thức nghiêm trọng; vấn đề bạo lực do các tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra ở miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Biên tập viên G.Ha-đi (James Hardy) của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defense Weekly từng nhận định: “Sự phát triển kinh tế đang buộc các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Thái Lan) phải chi thêm tiền cho quốc phòng để bảo vệ nguồn đầu tư, các tuyến hàng hải và những khu vực đặc quyền kinh tế. Xu hướng chủ đạo là đầu tư cho việc trinh sát, tuần tra bờ biển và biển”. Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng lưu ý rằng quân đội đóng vai trò quan trọng trên chính trường vốn nhiều biến động của Thái Lan.
Thừa nhận việc Băng Cốc không ngừng đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại, Tham mưu trưởng Lục quân U.Xi-ta-bút (Udomdej Sitabutr) từng khẳng định với tờ Nation rằng, động thái này chỉ nhằm nâng cao năng lực phòng vệ chứ không vì chạy đua vũ trang, đồng thời phục vụ công tác huấn luyện và cứu hộ thiên tai của quân đội Thái Lan.
Mới đây nhất, tờ Diplomat cho biết, Tổng tư lệnh Quân đội T.Pa-ti-ma-pra-con cũng nhấn mạnh hợp đồng mua sắm tiêm kích JAS-39 Gripen nhằm mục đích quốc phòng để chống lại các mối đe dọa trong tương lai. Ông nói rằng, các máy bay này sẽ trở thành một bộ phận của các lực lượng gìn giữ hòa bình Đông Nam Á khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành vào năm 2015.
Nguồn: HOÀNG VŨ (QĐND)
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment