Biển Đông: Việt Nam đánh bại đỉnh cao tên lửa YJ-12 Trung Quốc
Friday, September 27, 2013
Mặc dù YJ-12 được coi là đỉnh cao của tên lửa chống hạm Trung Quốc nhưng Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại nó.
Hình ảnh gần nhất của tên lửa YJ-12
Sau khi bắt đầu giấc mơ tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh với YJ-83 không được thành công như mong muốn, Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu và tiếp tục trình làng sản phẩm mới nhất là YJ-12. Đây là loại tên lửa được tung hô là đỉnh cao của tên lửa chống hạm Trung Quốc.
Thông số khủng, hành tung bí ẩn…
Chương trình phát triển tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu âm YJ-12 được khởi xướng từ những năm 1990, mô hình của nó xuất hiện lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải 2000. Tuy nhiên, sau lần xuất hiện bất ngờ này, chương trình phát triển tên lửa YJ-12 bỗng nhiên “bặt vô âm tính”.
Tuy nhiên, gần đây các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh về tên lửa có in chữ YJ-12. Jane Defence Weekly dự đoán trọng lượng của YJ-12 khoảng từ 2-2,5 tấn, chiều dài khoảng 7m. Tầm bắn của YJ-12 được dự đoán từ 250-500 km
Nhà sản xuất Học viện Công nghệ cơ điện Sea Eagle Trung Quốc tuyên bố YJ-12 là tên lửa đầu tiên của họ được thiết kế dưới dạng module với khoảng 10 mô hình đang phát triển. YJ-12 được dự định phát triển thành 3 biến thể gồm: chống tàu (YJ-12 AShM), chống radar (YJ-12 ARM) và không đối đất (YJ-12 ASM).
Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc có thể còn đang nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa chống hạm phóng thẳng đứng lớn hơn, gọi là YJ-18 (Ưng Kích-18), có kích cỡ tương đương tên lửa chống hạm Kh-41 Sunburn được Trung Quốc mua của Nga từ thế kỷ trước.
Với việc chế tạo thành công YJ-12, Trung Quốc hy vọng có thể san bằng khoảng cách về tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh với BrahMos (Ấn Độ), P-800 Yakhont (Nga) và Hùng Phong-3 (Đài Loan).
…nhưng bị đánh giá thấp, mặc dù giá rất đắt
Các chuyên gia quân sự quốc tế không đánh giá cao YJ-12 mặc dù nó được Trung Quốc xem là đỉnh cao của tên lửa chống hạm mà nước này sản xuất.
Trước hết như thường thấy ở các loại vũ khí khủng của Trung Quốc, YJ-12 bị nghi ngờ là một sản phẩm sao chép, mà tất nhiên sao chép thì không thể có chất lượng tương đương nguyên mẫu được.
Trong lần xuất hiện đầu tiên và duy nhất vào năm 2000, YJ-12 có thiết kế giống một cách kỳ lạ với tên lửa không đối đất ASMP của Pháp, từ hình dáng khí động học, kích thước, trọng lượng. Mô hình thiết kế ban đầu của YJ-12 sử dụng cửa hút không khí kép cho động cơ ramjet như ASMP của Pháp.
Như mọi khi, Trung Quốc một mực phủ nhận sao chép công nghệ, họ tuyên bố YJ-12 là một thiết kế mới hoàn toàn và không có gì liên quan đến Pháp.
Trong lần xuất hiện đầu tiên YJ-12 được cho là copy từ ASMP của Pháp
Tên lửa không đối đất ASMP của Pháp
Hình ảnh mới nhất về tên lửa có in chữ YJ-12 lại có thiết kế hoàn toàn khác. Thiết kế mới được trang bị 4 cửa hút không khí với 4 cánh ổn định ở giữa mỗi cửa hút không khí và 4 cánh lái ở đuôi.
Kiểu thiết kế này rất giống với tên lửa hành trình Kh-31 của Nga, thiết kế này làm cho tên lửa dài hơn và nặng hơn so với tiêu chuẩn các loại tên lửa hàng không chiến thuật trang bị cho máy bay.
Một số chuyên gia quốc tế nhận định, YJ-12 là một sự kết hợp giữa ASMP và YJ-91 với sự trợ giúp kỹ thuật của Nga thông qua thiết kế Kh-31P. Sự thành công của YJ-12 là nhờ sự cho phép xuất khẩu Kh-31P của Nga sang Trung Quốc.
Lần xuất hiện mới nhất YJ-12 được cho là copy tên lửa Kh-31 của Nga
Tên lửa Kh-31 của Nga
Yêu cầu mà Quân đội Trung Quốc đặt ra cho tên lửa YJ-12 là rất cao, tính năng kỹ thuật của tên lửa phải đạt ngang ngửa, thậm chí là vượt mặt các loại tên lửa chống hạm siêu âm trên thế giới. Đối với biến thể chống radar, YJ-12 phải ngang ngửa tên lửa chống radar AGM-88 Harm của Mỹ.
YJ-12 là tên lửa đòi hỏi công nghệ cao, trong khi nền tảng khoa học kỹ thuật đặc biệt là vi mạch điện tử Trung Quốc không đáp ứng được. Do đó, tất cả các thiết bị điện tử đều phải thiết kế riêng. Đáng chú ý nhất là hệ thống vi mạch tích hợp (VLSIC) được sử dụng để điều khiển radar và hệ thống chiến tranh điện tử.
Kết quả YJ-12 trở thành tên lửa chống hạm “đắt nhất hành tinh”. Đơn giá không chính thức của YJ-12 vào năm 1999 đã là 1,8 triệu USD/quả, gấp đôi tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon.
Tháng 11/2012, dựa theo nguồn tin từ Nga, tạp chí Jane Defence Weekly bình luận việc Trung Quốc tiếp tục mua tên lửa chống tàu siêu âm Kh-31 từ Nga cho thấy loại tên lửa mà Trung Quốc sao chép từ Kh-31 là YJ-91 cho hiệu quả không cao và YJ-12 cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Không loại trừ khả năng YJ-12 sẽ lặp lại vấn đề như trên YJ-91.
Việt Nam đánh bại YJ-12
Như vậy, có thể thấy rằng phải còn rất lâu nữa YJ-12 mới có thể trở thành mối đe dọa đối với các chiến hạm của Việt Nam trên Biển Đông. Mà nếu có thể tham chiến, các máy bay mang YJ-12 phải vượt qua được lực lượng các máy bay thiện chiến bao gồm Su-27, Su-30 và cả MiG-21. Các máy bay này là lá chắn vững chắc cho các chiến hạm trên biển, luôn sẵn sàng cất cánh trên nhiều sân bay dọc theo bờ Biển Đông.
Chưa kể hệ thống phòng không chuyên chống tên lửa hành trình trên các chiến hạm như Palma, pháo bắn nhanh AK-630, trang bị trên các loại tàu chiến mới của Hải quân Việt Nam như: khinh hạm Gepard 3.9; tàu hộ tống tên lửa 1241RE, 1241.8, BSP-500; tàu pháo Svetlyak và TT400TP.
AK-630 được thiết kế chủ yếu để đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu hoặc vũ khí chính xác cao, gồm pháo AO-18 có 6 nòng cỡ 30mm, hệ thống radar điều khiển hỏa lực MR-123-02 và tổ hợp ngắm bắn quang - điện SP-521. Trong đó, pháo 6 nòng cỡ 30 mm có tốc độ bắn 4.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 4.000 m, tầm bắn tối đa 8.100 m.
Hệ thống pháo-tên lửa phòng không tự động Palma-SU trang bị trên tàu Gepard 3.9 (HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ) để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình chống tàu, tàu cỡ nhỏ. Hệ thống Palma-SU thiết kế với 2 pháo bắn siêu nhanh 6 nòng cỡ 30mm AO-18KD tốc độ bắn lên đến 6.000-10.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả từ 3.000-4.000 mét tạo nên một màn đạn dày đặc đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại tên lửa hành trình nào và 8 tên lửa Sosna-R cho phép tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc ở cự ly 200-8.000 m, độ cao 3.500 m.
Hệ thống phòng không tầm cực gần chuyên chống tên lửa hành trình Palma
Để phát hiện tên lửa đối phương, tàu Gepard 3.9 được trang bị radar mảng pha 3 chiều trinh sát mục tiêu trên không và trên biển Pozitiv-ME1 tầm trinh sát tối đa 150km trong điều kiện biển động cấp 3; có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1.000m từ khoảng cách 110km; có thể phát hiện mục tiêu là tên lửa đối hạm có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay ở độ cao 15m từ khoảng cách 15km; có thể bám cùng lúc 3-5 mục tiêu.
Bên cạnh đó là phương tiện tác chiến điện tử bao gồm: hệ thống MP-407E ECM và hệ thống mồi bẫy PK-10 (4x10 ống phóng) làm vô hiệu hóa hệ thống tự dẫn và đánh lừa quỹ đạo tên lửa đối phương.
Hệ thống mồi bẫy PK-10
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn rất cần thiết tăng cường khả năng phòng không tầm xa với lực lượng hỗn hợp là các máy bay đánh chặn và phòng không chiến hạm. Trong tương lai gần, khả năng Việt Nam sẽ trang bị tổ hợp phòng không chiến hạm trên các Gepard 3.9 đang được chế tạo tại Nga để hình thành biên đội tàu có khả năng phòng không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nguồn : Trí Thức Trẻ
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment