Trung Quốc không che giấu dã tâm tại Trường Sa
Monday, September 29, 2014
Trung Quốc khẩn trương cơi nới Gạc Ma, bồi đắp 5 bãi đá ngầm khác với hàng triệu tấn đá và cát, tạo các đảo nhân tạo, xây dựng tuyến đầu khống chế Biển Đông.
Đảo Gạc Ma mở rộng để xây sân bay quân sự
Ngày 25/9/2014, mạng tin quốc phòng IHS Jane's Defense (Anh) cho biết các không ảnh do tổ chức Airbus Defense and Space chụp được vào các dịp khác nhau từ tháng 3 đến tháng 8/2014 xác nhận việc Trung Quốc đã khẩn trương cơi nới đảo Gạc Ma và bồi đắp 5 bãi đá ngầm khác, trong đó có Đá Ga Ven, Đá Lạc thành các đảo nhân tạo.
Quy mô xây dựng to lớn
Theo IHS Jane's, mấy năm trước Trung Quốc chỉ mới xây dựng một pháo đài nhỏ trấn giữ ở phía tây của đảo Gạc Ma mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam trong cuộc hải chiến năm 1988. Trên đảo này có bố trí súng phòng không, đại bác, hệ thống truyền tin. Hiện tại, người ta thấy những đống cát, đá chất đống nổi trên mặt biển hình thành một cái đảo hình chữ nhật một chiều khoảng 300 mét, một chiều khoảng 250 mét.
Cũng theo IHS Jane's Defense, ngày 22/9/2014, bản tin kèm theo các không ảnh cho thấy Trung Quốc đã gấp rút xây dựng tại bãi đá ngầm này trở thành đảo căn cứ nhân tạo Gạc Ma (Johnson South Reef).
So với diện tích và những gì diễn ra ra tại Gạc Ma, đảo nhân tạo Gaven và Đá Lạc có tầm vóc nhỏ hơn, bằng khoảng ba phần tư của Gạc Ma.
Hồi tháng 6 và tháng 7 năm nay, nguồn tin trên cũng đã đưa các không ảnh đối chiếu các thời điểm khác nhau để chứng minh các hoạt động làm đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) mà Trung Quốc gọi là Yongshu Jiao (Vĩnh Thử Tiêu) và Huayang Jiao (Hoa Dương Tiêu).
Ngày 24/9/2014, lên tiếng bên lề các cuộc họp Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng thống Philippines Aquino đã đưa ra nhiều hình ảnh tố cáo các hành động biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
Ông Aquino còn tố cáo Trung Quốc đã đưa 2 tàu khảo sát đến bãi Cỏ Rong hồi tháng 6. Ông nói Philippines cho rằng chúng đã tiến hành đo đạc, khảo sát để Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu ra khu vực nói trên, tương tự hành động cắm giàn khoan HD981 trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Ông Aquino kêu gọi các nước trong khu vực hợp sức phản ứng các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Các không ảnh được tổ chức IHS Jane's Defense cũng như chính phủ Philippines công bố cho thấy Bắc Kinh hút cát đá dưới lòng biển, biến 6 bãi đá ngầm thành 6 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Các bãi đá ngầm này Bắc Kinh đánh chiếm của Việt Nam hồi năm 1988.
Một số nhà phân tích cho rằng khi đã có những đảo nổi và các cơ sở quân sự to lớn gồm cả phi trường ở Trường Sa, Bắc Kinh có thể tiến đến việc tuyên bố vùng cấm bay trên Biển Đông nếu tình hình tranh chấp biển đảo trở nên căng thẳng hơn.
Trong cuộc họp báo ngày 25/9/2014 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Geng Yansheng (Cảnh Nhạn Sinh) trả lời một câu hỏi cò mồi của báo chí nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền tại quần đảo Nam sa (tức Trường Sa) và vùng biển chung quanh. Xây dựng và bảo trì các cơ sở trên các đảo làm doanh trại là nhằm bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ...”.
Ông này còn nói thêm rằng “Có lập vùng nhận diện phòng không (cấm bay) hay không (ở Trường Sa) và khi nào là quyền hợp pháp của Trung Quốc.”
Còn hồi đầu tháng 9, hãng thông tấn BBC (Anh) đăng phóng sự có tiêu đề "China's Island Factory" (Nhà máy tạo đảo của Trung Quốc), phóng viên BBC Rupert Wingfield - Hayes cho biết đã lên một tàu cá của Philippines để tìm hiểu về việc Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo trên các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Trung Quốc đang xây đảo mới trên năm rạn san hô khác nhau trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Phóng viên Wingfield - Hayes và nhóm phóng viên BBC ghi nhận, Trung Quốc đã nạo vét nhiều tấn đá và cát từ đáy biển hoặc các bãi nỏi khi thủy triều xuống để bồi vào rạn san hô Gạc Ma. Việc thi công tấp nập hiện nay dường như đã diễn ra nhiều tháng.
Trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh, trước câu hỏi của BBC về việc tại sao Trung Quốc đang triển khai cơi nới đảo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh cho biết hoạt động “chủ yếu có mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người dân đồn trú trên các hòn đảo này”.
Vào tháng 5 vừa qua Philippines cũng đã cáo buộc Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực. Philippines đã công bố hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên rạn san hô Johnson South (tức bãi Gạc Ma) và cho rằng Trung Quốc có khả năng đang xây dựng cả một đường băng ở đó.
Mô hình đảo Gạc Ma khi đã hoàn thành việc xây dựng
Không che giấu mục tiêu
Tân Hoa xã ngày 11/9 đã đăng bài viết nêu rõ mục đích quân sự của việc cải tạo ở Trường Sa của Trung Quốc và cho rằng, việc cải tạo đảo ngầm thành đảo nhân tạo này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông khi xảy ra biến cố.
Đầu tiên bài viết cho rằng, khu vực Biển Đông có nguồn tài nguyên hải sản, tài nguyên dầu khí và khí đốt dồi dào, với trữ lượng dầu khí khoảng 23 tỷ-30 tỷ tấn, chiếm 1/3 tổng số nguồn tài nguyên của Trung Quốc. Biển Đông còn được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
Bài báo viết: “Đặc biệt về chiến lược quân sự, kiểm soát được các đảo ở Biển Đông đồng nghĩa với việc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp các tuyến đường hải trên Biển Đông từ Eo biển Malacca tới Malyasia, Châu Âu, và châu Phi”.
Bài báo của Tân Hoa xã nhận định, quần đảo Trường Sa có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Tuy diện tích các đảo ở Trường Sa hơi nhỏ, không thể làm đòn bẩy khi xảy ra chiến sự, nhưng có thể xây dựng các công trình quan sát cảnh báo sớm làm tuyến đầu cho Trung Quốc.
Bài báo cũng cho rằng, việc cải tạo mở rộng các đảo ở quần đảo Trường Sa nhằm cải biến ưu thế quân sự của Trung Quốc.
“Một khi Biển Đông xảy ra biến cố, quân đội Trung Quốc sẽ tác chiến ở Biển Đông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa. Do khoảng cách từ đó tới lục địa Trung Quốc là quá xa, máy bay chiến đấu cất cánh từ đảo Hải Nam thì cũng cần phải bay mất 1.000 km mới có thể tới quần đảo Trường Sa. Các máy bay chiến đầu J-10 và J-11, với tầm chưa đến 2.000 km, sẽ không thể bay tới. Và dù bay được đến nơi cũng không thể hoạt động hữu hiệu”. Bãi Gạc Ma và đá Tư Nghĩa có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, bởi những bãi đá ngầm này sẽ “bảo vệ căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Tam Sa tới các đường giao thông tới Biển Đông”.
“Vì vậy, việc tăng cường xây dựng mở rộng tại đảo Gạc Ma có ý nghĩa chiến lược to lớn. Mặt khác việc thiết kế thi công công trình cải tạo mở rộng đảo Gạc Ma đều do Viện nghiên cứu thiết kế công trình Hải quân chủ trì. Sau khi mở rộng, xây dựng đường băng tại Gạc Ma, chiến đấu cơ J-11 nếu cất cánh tác chiến từ đảo này thì phạm vi tác chiến sẽ bao trùm toàn bộ Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các cảng, đường băng và các căn cứ tiếp tế tại khu vực quần đảo Trường Sa thì không những có thể kéo dài thời gian tuần tra và duy trì chủ quyền của các tàu Trung Quốc, đồng thời còn giảm được chi phí tuần tra, làm cho việc tuần tra thực thi pháp luật của Trung Quốc tại Trường Sa được thường xuyên và hiệu quả hơn”. Bài báo kết luận, không cần che giấu mục đích cho hoạt động của Trung Quốc hiện nay ở Trường Sa.
Trung Quốc đã tiến một bước mới, vượt xa tất cả những gì đã diễn ra ở Trường Sa. Những gì Trung Quốc đang làm trên lĩnh vực ngoại giao với các bên liên quan chỉ là hành động câu giờ và làm chập chững các đối sách của các bên và lừa gạt dư luận quốc tế./.
Lưu Việt
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment