Chuyên gia Nga: Việt Nam mua vũ khí Mỹ là chuyện bình thường
Tuesday, September 30, 2014
Đó là một thủ pháp lớn trong ngoại giao khi Việt Nam tuyên bố chuẩn bị mua vũ khí của Mỹ. Điều đó chứng minh rằng ai sẽ là bạn của Việt Nam...
Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ là hoạt động đối ngoại quốc phòng hết sức bình thường, nhưng lại trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong bối cảnh Trung Quốc leo thang khiêu khích trên Biển Đông.
Đài Tiếng nói Nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 29/9 đưa tin, một khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, người Việt sẽ mua một số vũ khí của Mỹ. Đài này cũng dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng Trung Quốc không nên lo lắng vì điều này, nhưng đài Tiếng nói Nước Nga tự lý giải thông điệp này thành cam kết "không có chuyện Mỹ và Việt Nam xây dựng liên minh chính trị - quân sự".
Lệnh cấm vận này đã kéo dài 40 năm, mặc dù 2 nước đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại. Rất có khả năng việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thông báo khi sang thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm nay, đài Tiếng nói Nước Nga cho biết. Đài này dẫn lại truyền thông phương Tây nói rằng, 1 quan chức cấp cao Mỹ đã tiết lộ, sau khi dỡ bỏ cấm vận, Mỹ sẽ bán cho Việt Nam máy bay trinh sát P-3, hỗ trợ Việt Nam đối phó với (sự bành trướng của) Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhà khoa học chính trị người Nga Victor Sidorov bình luận, việc Việt Nam tính toán mua vũ khí của Mỹ không phải chuyện ngẫu nhiên. "Đó là một thủ pháp lớn trong ngoại giao khi Việt Nam tuyên bố chuẩn bị mua vũ khí của Mỹ. Điều đó chứng minh rằng ai sẽ là bạn của Việt Nam, một khi tình hình Biển Đông xấu đi có thể dựa vào ai? Trung Quốc phản ứng rất gay gắt trước việc các nước láng giềng xích lại gần hơn với Mỹ (mà Bắc Kinh cho là) liên thủ kháng Hoa. Quá trình này không phải chỉ diễn ra trong 1 năm, mặc dù Mỹ nói Trung Quốc là đối tác vô cùng quan trọng. Nhưng ở Singapore có tàu hộ vệ Mỹ thường trú, tại Úc cũng có lính thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân".
Đài Tiếng nói Nước Nga bình luận, việc Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để nâng cao sức mạnh trên biển cho mình là điều có thể hiểu được. Việt Nam lâu nay vẫn chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, căn cứ vào tình hình cụ thể tự do lựa chọn đối tác. Đồng thời cũng giống như nhận xét của Victor Sidorov rằng đó là một bộ phận cấu thành của trò chơi địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sidorov bình luận, đang có một trò chơi chính trị rất căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông. Cục diện hiện khá phức tạp nên bất kỳ tuyên bố nào đều mang một nội hàm ý nghĩa nhất định. Đây là một bộ phận cấu thành của trò chơi địa chính trị - quân sự kéo dài đã lâu. Sidorov cho rằng hiện tại ít khả năng Trung Quốc sẽ lập tức có phản ứng cứng rắn với động thái này của Việt Nam. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tìm cách giải quyết qua đàm phán hoặc đưa ra nhượng bộ nào đó mới có thể giải quyết vấn đề.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cũng đã khẳng định, không nên khuếch đại vai trò của quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Ông không cho rằng Việt Nam sẽ hy sinh quan hệ lâu dài với Trung Quốc để đánh đổi lấy một mối quan hệ đặc biệt nào đó với Mỹ, bất chấp những căng thẳng, xung đột đang ngày một gia tăng.
Chuyên gia Nga cho rằng mặc dù vậy, việc Washington xuất hiện trong căng thẳng Trung - Việt rõ ràng là một nước cờ nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Do đó theo Sidorov, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam "chưa chắc đã là thiện chí" mà chỉ là nước cờ tăng cường vị thế của Mỹ trong khu vực và cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment