Quan hệ Việt - Ấn mãi mãi bền vững
Thursday, September 11, 2014
Quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ có từ lâu đời. Mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Gia-oa-ha-lan Nê-ru (Jawaharlal Nehru) tạo dựng và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp. Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Pờ-ra-náp Mu-khơ-gi (Pranab Mukherjee) sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 17-9 tới.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chào đón Ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sma Xoa-rai sang thăm Việt Nam tháng 8-2014. Ảnh: Vietnamplus
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972 và quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hai nước ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, vươn ra những hướng mới, thể hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược ngày càng tăng. Các chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước đã trở nên thường xuyên hơn. Sau khi lên nắm quyền tháng 5-2014, chính phủ của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), do Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi (Narendra Modi) đứng đầu, không những kế thừa mà còn thúc đẩy mạnh mẽ chính sách “hướng Đông” vốn được triển khai từ năm 1991 và coi Việt Nam như một “trụ cột” trong chính sách này. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Xu-sma Xoa-rai (Sushma Swaraj) tới Việt Nam ngày 25 và 26-8 vừa qua đã tăng thêm động lực mới cho mối quan hệ đối tác đang đâm chồi mạnh mẽ, được gắn kết bằng những lợi ích năng lượng, kinh tế và chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pờ-ra-náp Mu-khơ-gi càng khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Ấn Độ đối với Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển đồng đều, xoay quanh 5 trụ cột chính gồm: Hợp tác chính trị, kinhtế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế đã trở thành điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện này. Kim ngạch thương mại song phương ước tính sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm nay so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2010; hai bên đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam thu hút nhiều công ty Ấn Độ, với 68 dự án đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó có thăm dò dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin (IT) và chế biến nông sản. Các công ty Việt Nam cũng đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ với ba dự án đầu tư có tổng số vốn 23,6 triệu USD.
Hai nước đã thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước không ngừng được tăng cường và phát triển mạnh mẽ. Hai bên hiện đang tăng cường đối thoại chiến lược và thúc đẩy các cuộc tập trận hải quân chung để mở rộng phạm vi hợp tác về an ninh hàng hải. Việt Nam và Ấn Độ coi mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước sẽ góp phần quan trọng vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Điều này thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Á-Âu (ASEM).
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Ngoại trưởng Xu-sma Xoa-rai đã tái khẳng định Ấn Độ luôn ưu tiên tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Bà Xu-sma Xoa-rai đề nghị hai bên kết nối đường không trực tiếp thông qua việc mở đường bay thẳng và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo bà Xu-sma Xoa-rai, Chính phủ Ấn Độ mong muốn thúc đẩy chính sách “hướng Đông” và Việt Nam sẽ đóng vai trò to lớn trong chính sách này của Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo và người dân hai nước đang mong đợi hãng Jet Airways của Ấn Độ sẽ mở đường bay trực tiếp Niu Đê-li - TP Hồ Chí Minh vào ngày 5-11 tới. Theo tính toán của giới chuyên gia, đường bay thẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước, qua đó thúc đẩy hợp tác về du lịch; hàng hóa hai bên sẽ được thông thương vào thị trường của nhau nhiều hơn và kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2015.
Trong bài viết mới đây, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Ben-gan Gi-tê-xơ Sa-ma (Geetesh Sharma) đã nhấn mạnh rằng: “Những mối quan hệ được phát triển thông qua văn hóa và văn học, thông qua tiếp xúc nhân dân sẽ mãi mãi bền vững, bởi đây là những mối quan hệ đi qua con tim. Chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pờ-ra-náp Mu-khơ-gi sẽ thắt chặt hơn nữa tình bạn đã được thử thách qua thời gian của chính phủ và nhân dân hai nước”.
TTXVN
Tags:
VietNam-India
Comments[ 0 ]
Post a Comment